'Loạn' ngày khai hội chùa Hương

06/02/2014 08:39 GMT+7

Ngày khai hội chùa Hương chính thức (5.2, tức mùng 6 Tết Giáp Ngọ) tại xã Hương Sơn, H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội vẫn diễn ra quá nhiều bất cập như mọi năm.

Rải gạo, muối dưới chân tượng - Ảnh: Hà An
Rải gạo, muối dưới chân tượng - Ảnh: Hà An 

Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Quản lý khu di tích Hương Sơn, kiêm Phó ban thường trực tổ chức lễ hội chùa Hương, cho biết: Tính tới cuối giờ chiều ngày đầu khai hội, chùa Hương đã đón hơn 5 vạn lượt du khách thập phương về trẩy hội. Trước đó, từ mùng 2 - 5 tết có xấp xỉ 12 vạn lượt du khách đi hội.

'Cò vé' cáp treo lộng hành

Trong số 17 vạn lượt du khách, hơn 50% sử dụng cáp treo. Ông Thanh cho biết thêm do lượng du khách sử dụng cáp treo luôn cao, trong khi chỉ có 45 ca bin, mỗi ca bin chứa được 6 người và mỗi giờ chỉ vận chuyển được 1.300 du khách nên đã xảy ra tình trạng quá tải tại khu vực cáp treo từ ga chùa Thiên Trù dẫn tới động Hương Tích.

Rất nhiều loại thuốc nam bày bán không phép ở lễ hội chùa Hương - Ảnh: Nam Anh
Rất nhiều loại thuốc nam bày bán không phép ở lễ hội chùa Hương - Ảnh: Nam Anh

Vào sáng ngày khai hội, tại khu vực ga cáp treo đã xuất hiện nhiều “cò vé” cáp treo. Giá vé khứ hồi niêm yết của Công ty vận tải du lịch Hương Sơn cho một du khách đi cáp treo là 140.000 đồng thì “cò” rao bán với giá từ 145.000 - 150.000 đồng. Những “cò vé” này ngang nhiên xuất hiện trước khu vực ga cáp treo với nhiều tập vé trên tay, ra sức chèo kéo du khách nhưng không hề bị lực lượng chức năng xử lý.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Thanh khẳng định thực trạng “cò vé” cáp treo là có thật. “Hiện tôi đã báo cáo với ban tổ chức lễ hội để sớm vào cuộc xử lý. Ngoài ra, chúng tôi đã phản ánh tới đơn vị quản lý vận hành cáp treo là Công ty vận tải du lịch Hương Sơn để có biện pháp xử lý. Nhưng không hiểu sao hiện giờ vẫn thấy nhiều cò vé hoạt động”. Để làm rõ hơn vấn đề trên, chúng tôi đã liên hệ với Công ty vận tải du lịch Hương Sơn, tuy nhiên chỉ nhận được câu trả lời: “Hiện lãnh đạo bận đi họp triển khai lễ hội”.

Tràn lan lang băm

Không phải đợi tới ngày khai hội, ngay từ mùng 2 tết, khi hàng vạn du khách lũ lượt đổ về chùa Hương trẩy hội, thì đường dẫn từ bến Đục cho tới ga Thiên Trù đã xuất hiện hàng loạt quầy hàng bày bán thuốc nam, thuốc bắc. Mỗi quầy đều có ít nhất hai người tự xưng là thầy lang với những phương thức gia truyền có thể chữa khỏi các bệnh nan y.

Theo quan sát, những thang thuốc nam, bắc được các thầy lang quảng cáo là chữa bách bệnh đều không niêm yết giá và bán với giá trên trời. Bác Nguyễn Thị Toán (51 tuổi, nhà ở P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội), một du khách trẩy hội chùa Hương, phản ánh: “Năm ngoái cũng trong mùa lễ hội chùa Hương, tôi cùng một bà bạn, mỗi người bỏ ra 800.000 đồng để mua hà thủ ô đỏ về uống. Ai ngờ khi về đổ ra sắc thì đã thấy thuốc bị nấm mốc hỏng hết tự khi nào”.

Nhiều “cò vé” cáp treo đeo bám du khách - Ảnh: Nam Anh
Nhiều “cò vé” cáp treo đeo bám du khách - Ảnh: Nam Anh

Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương, thừa nhận có hoạt động kinh doanh các loại thuốc nam, thuốc bắc và trong số này, nhiều quầy hàng không được cấp phép. Trong khi đó, ông Thanh cho hay: “Chỉ có một quầy thuốc nam nằm sát ga cáp treo là được cấp phép. Còn lại hơn ba chục quầy thuốc nam, thuốc bắc khác không hề được cấp phép. Không những thế theo tìm hiểu của chúng tôi, các quầy thuốc này còn thuê những ông thầy lang không bằng cấp, hay còn gọi là lang băm để lòe bịp du khách”. Hiện các phòng ban, trung tâm y tế của H.Mỹ Đức đã vào cuộc để xử lý dứt điểm thực trạng trên.

Tha hồ chặt chém khách trẩy hội

Cũng trong ngày đầu khai hội, nhiều du khách thập phương khi tới chùa Hương còn gặp “quả đắng” khi liên tục bị chặt chém. Du khách Nguyễn Thanh Tùng (34 tuổi, ngụ tại khu tập thể Giảng Võ, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội) bức xúc phản ánh: “Khi vào cổng, các nhân viên của ban tổ chức đã ách xe ô tô của tôi lại rồi viết vé, thu 40.000 đồng tiền giữ xe. Tưởng thế là xong, nhưng khi lấy xe ra về, tới cổng bãi giữ xe thì một nhân viên lại đòi thêm 50.000 đồng. Tôi hỏi tiền gì, anh này nói là tiền giữ xe. Biết không thể cự cãi được nên tôi đành phải móc tiền trả đủ”.

Trường hợp của anh Tùng không phải cá biệt, mà đại đa số du khách có xe gửi đều gặp phải. Về vấn đề này, ông Thanh lý giải: “Ban tổ chức chỉ có hai bãi gửi xe với sức chứa gần 700 xe. Nhưng hôm nay là ngày khai hội, ước tính có gần 2.000 xe. Như vậy những chiếc xe không được gửi trong bãi của ban tổ chức đã phải gửi bãi của người dân, do vậy tình trạng thu thêm tiền là khó tránh khỏi”.

Tại khu vực chùa Hương, một lon bò húc bị đòi 30.000 đồng, một chai nước suối lấy 20.000 đồng... Tình trạng chèo kéo du khách, thả tiền lẻ, ném muối, gạo vào chân tượng vẫn diễn ra. Dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn hoạt động rầm rộ, 10.000 đồng “ăn” 8.000 đồng loại tiền 1.000 - 2.000 đồng; còn tiền mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng “ăn” 7.000 đồng.

Mùa lễ hội 2014, chùa Hương có gần 1.000 hàng quán tham gia kinh doanh, nhưng chỉ có hơn 300 hàng quán được đăng ký với ban tổ chức. Cũng trong ngày đầu khai hội chùa Hương, tình trạng các cửa hàng, quán ăn bày bán thịt thú vẫn còn diễn ra. Tuy nhiên, thay vì bày cả mảng thịt tươi vấy máu ngoài trời như nhiều năm trước, năm nay một loạt các nhà hàng, quán ăn đã cho thiết kế thành những buồng bảo quản và treo thịt trong đó. Hiện trong khu vực chùa Hương có cả thảy 44 chiếc buồng kiểu này.

Hà An

>> Lễ hội chùa Hương 2013
>> Lễ hội chùa Hương: Đấu thầu càng nóng, "chặt chém" càng mạnh
>> Lễ hội chùa Hương năm nay có gì mới?
>> Không còn cảnh lộn xộn ở lễ hội chùa Hương Tích
>> Biến tướng lễ hội - Kỳ 7: Sàm sỡ, đánh nhau...
>> Cảnh báo biến tướng lễ hội - Kỳ 6: Suồng sã với thần linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.