Liên hoan phim VN 16: Rượu mới, bình không nên cũ mãi...

26/07/2009 23:58 GMT+7

Sau Liên hoan phim (LHP) 15 (được tổ chức ở Nam Định tháng 12.2007), có quá nhiều điều không thể mãi như cũ nữa. Ngoài những hội hè, lễ lạt, thăm viếng, dấu ấn của địa phương nơi tổ chức LHP 15 đã rất mờ nhạt. Hy vọng đó là những bài học không bao giờ xảy ra nữa ở TP.HCM vào dịp LHP phim tới đây (dự định từ ngày 8 đến 12.12.2009).

Hãy để khán giả được cầm cân nảy mực

LHP là hội của người làm phim và của khán giả. Vậy nên việc trao thêm quyền cho khán giả có lẽ là một cách ứng xử tốt nhất. Và khán giả phải được tạo điều kiện xem và có quyền đưa ra ý kiến hay có những không gian riêng cho họ, để họ thấy mình là một phần của hoạt động này.

Để trở nên một sự kiện thu hút được dân chúng thì LHP phải thân thiện với người dân. Các LHP lớn trên thế giới, bao giờ họ cũng tổ chức được những không gian công cộng (bãi biển, quảng trường, một nơi phong cảnh đẹp) để làm những bãi chiếu phục vụ người dân bên cạnh những rạp chiếu phải mua vé và khu vực cho giới chuyên môn. LHP quốc tế Toronto, giải thưởng của khán giả được coi là giải quan trọng nhất. Nhưng không vì thế mà xảy ra bệnh hình thức, ép buộc khán giả với cờ hoa, biểu ngữ và đến kín rạp như một “liệu pháp tinh thần” giả. Nếu lấy ý kiến của quần chúng cho phim được khán giả yêu thích nhất thì phải rất trung thực và khách quan, để người xem không phải bất bình cho chính giải thưởng mà họ đã bình chọn.

Cần sự chuyên nghiệp hơn trong công tác tổ chức

Điện ảnh là một môn nghệ thuật của sự giao lưu, trong đó sự giao lưu quốc tế là rất quan trọng. LHP 16 hứa hẹn mời đến rất nhiều đoàn điện ảnh quốc tế (Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Phần Lan, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia và sẽ có nhiều nghệ sĩ quốc tế tham dự), nhưng họ sẽ được ứng xử ra sao, tham gia như thế nào để không phí công ta mời họ?

LHP chỉ có ý nghĩa khi là nơi những giá trị đích thực được khẳng định, những cơ hội đích thực được mang đến. Ngoài tính gặp gỡ giao lưu, nó còn là cơ hội kinh doanh. Những bất cập trong công tác tổ chức thường được đổ lỗi do thiếu nhân sự. Nhưng tại sao không nghĩ đến lực lượng tình nguyện viên? Ở bất cứ LHP quốc tế nào, lực lượng tình nguyện viên rất lớn, thậm chí được phân công phụ trách từng đại biểu và họ được đào tạo kỹ lưỡng về phép giao tế cũng như tầm vóc sự kiện mà họ sẽ tham dự.

Các nhà tổ chức nên nghĩ đến việc kêu gọi tài trợ để có kinh phí nâng cao chất lượng tổ chức LHP, bởi dễ gì có một dịp nhiều ngôi sao tụ hội đến thế, công chúng đổ dồn sự quan tâm vào đến thế; hay tốt hơn là giao việc tổ chức sự kiện có tính quảng bá rộng lớn này cho một bộ máy chuyên nghiệp khác?

Chuyên nghiệp có chất lượng trong hoạt động LHP quốc gia chắc chắn sẽ là động lực tốt cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà.

Làm sao để tâm phục, khẩu phục

“Tôi luôn nghĩ Cục Điện ảnh rất cần thuê nhân sự cho sự kiện LHP quốc

gia lần thứ 16 này. Vì đó chính là bước đầu tiên của tính chuyên nghiệp. Đạo diễn sự kiện rõ ràng là một nghề riêng. Tôi mong sao mỗi kỳ LHP, khi giải thưởng được xướng lên nó làm tâm phục khẩu phục trong anh em nghệ sĩ. Hai mặt của giải thưởng rõ rệt lắm, nếu đúng- nó sẽ là nguồn động viên lớn nhưng nếu sai thì nghệ sĩ chán nản và họ mất lòng tin!

Tôi nghĩ phải trẻ hóa BGK, phải có nhiều gương mặt mới hơn. Cũng hy vọng là đến kỳ LHP này công tác tổ chức sẽ được làm tốt hơn, nhất là khi nó sẽ xảy ra ở một trung tâm văn hoá lớn như TP.HCM” - Đạo diễn Nguyễn Thước (Hãng phim Tài liệu & Khoa học TƯ)

Các nghệ sĩ cũng nên xem lại thái độ của mình

“Trước tiên phải hiểu: nhà tổ chức muốn gì? Mục đích của họ là gì? Mỗi
người một ý muốn khác nhau thì khó làm lắm. Nhà tổ chức luôn muốn được khen là sự kiện LHP đã diễn ra suôn sẻ và tiết kiệm. Nhưng trong sự tưởng tượng của họ, sự kiện phải hoành tráng mà kinh phí hình dung lại không tương xứng. Kinh phí ít thì khó làm lắm. Kinh phí cũng chính là sự đánh giá của nhà tổ chức với tầm vóc sự kiện, với giá trị của các nghệ sĩ trong sự tôn vinh. Tôi hay buồn với các LHP hay lễ trao giải điện ảnh của ta ở chỗ, dường như sự vinh dự hay niềm vui bất ngờ của người đoạt giải là hiếm có. Nếu có cố gắng bất ngờ thì người ta cũng không tin vào sự bất ngờ đó! Thái độ của chính các nghệ sĩ khi tham dự cũng đáng buồn, nhiều người không có sự hưởng ứng lịch sự với thành công của đồng nghiệp.

Việc đau đầu nữa là thật xấu hổ khi chúng ta chưa có một địa điểm tổ chức xứng tầm, nếu nhận lời, tôi đang lo đây, tổ chức lễ trao giải ở đâu bây giờ? Nhà hát TP.HCM thì quá nhỏ, Nhà hát Hòa Bình thì luôn quá tải. Và chẳng nơi nào được thiết kế thích hợp cho sự kiện này, nếu chọn một địa điểm bất kỳ, sẽ ngay lập tức tốn kinh phí cho việc tu sửa sao cho địa điểm trở nên thích ứng!” - Đạo diễn Phạm Hoàng Nam (dự kiến được chọn là đạo diễn lễ trao giải LHP 16)

Cát Khuê (ghi)

Lê Thị Thái Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.