Lịch sử Oscar sang trang

28/02/2012 03:28 GMT+7

Bộ phim câm - đen trắng đến từ nước Pháp The artist (Nghệ sĩ) nhận đến 5 giải Oscar, trong đó gồm nhiều hạng mục quan trọng, và có thể nói đã làm thay đổi lịch sử Oscar.

Bộ phim câm - đen trắng đến từ nước Pháp The artist (Nghệ sĩ) nhận đến 5 giải Oscar, trong đó gồm nhiều hạng mục quan trọng, và có thể nói đã làm thay đổi lịch sử Oscar.

Lễ trao giải diễn ra tối chủ nhật 26.2 (tức sáng ngày 27.2 theo giờ VN) tại Los Angeles, California (Mỹ). Nhà sản xuất chương trình Brian Grazer đã thay đổi cách thức dàn dựng để thu hút khán giả truyền hình hơn, đặc biệt là giới trẻ. Vui nhộn bằng sự hóm hỉnh của các khách mời là những ngôi sao khi lên công bố giải thưởng, bằng hình ảnh những cô gái mặc đầm xanh ngắn mang túi đựng bắp rang phân phát cho khán giả. Ban tổ chức còn mời cả đoàn xiếc Cirque du soleil (Canada) đến biểu diễn. Tuy nhiên sự cổ kính, truyền thống của Oscar vẫn được tôn trọng từ cách trang trí nhà hát đến không gian lễ trao giải.

Người Pháp chiến thắng

 
Đoàn phim The artist và tượng Oscar Phim xuất sắc nhất  - Ảnh: Hollywood Reporter

Lần đầu tiên điện ảnh Pháp chiến thắng tại lễ trao giải Oscar - một trong những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới. Trước đó, Pháp từng có hai bộ phim là Grand illusion (1938) và Z (1969) được đề cử Phim hay nhất nhưng không đoạt được Oscar. The artist cũng ghi vào lịch sử 83 năm trao giải Oscar khi trở thành bộ phim câm thứ hai đoạt giải phim hay nhất sau phim câm đầu tiên Wings do William A.Wellman đạo diễn, nhận Oscar lần thứ nhất vào năm 1929. Jean Dujardin là diễn viên Pháp đầu tiên nhận tượng vàng Oscar hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Các giải thưởng Oscar khác

Nam diễn viên phụ: Christopher Plummer (Beginners). Ông là diễn viên cao tuổi nhất (82 tuổi) nhận được Oscar. Kịch bản gốc: Woody Allen (Midnight in Paris). Kịch bản chuyển thể: Alexander Payne, Nat Faxon, Jim Rash (The descendants). Phim nước ngoài: A separation (Iran). Phim hoạt hình: Rango. Hóa trang: Mark Coulier, J.Roy Helland (The Iron Lady)...

Cây bút bình luận điện ảnh của Hãng tin Reuters Bob Tourtellotte nhận định: “Câu chuyện đen - trắng của một ngôi sao đang lu mờ đã tìm thấy sự cứu rỗi thông qua tình yêu lãng mạn trong thời đại phim câm đang dần bị ngự trị bởi micro và dàn âm thanh điện tử đã thêm vào danh sách dài chiến thắng với giải Oscar dành cho hạng mục Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất (Michel Hazanavicius), Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Jean Dujardin)...”. Ngoài ra, The artist còn nhận thêm giải về âm nhạc và thiết kế trang phục.

Cây bút Mike McCahill viết trên tờ The Telegraph (Anh): “Trong thời đại kỹ thuật số nơi âm thanh vòm và những điểm ảnh thống trị thì Hazanavicius nhắc nhở chúng ta rằng quá khứ là thứ đáng được trân trọng và có giá trị bảo tồn. Bộ phim câm The artist đã “nói” to hơn nhiều bộ phim có đầy đủ âm thanh khác”. 

Tờ Washington Post (Mỹ) bình luận: “The artist cung cấp một thông điệp đầy cảm hứng: Chúng tôi vẫn sống sót trong môi trường điện ảnh đang dần được toàn cầu hóa với công nghệ kỹ thuật số lên ngôi. Phim chỉ dài 100 phút, ngắn nhất trong số các phim từng đoạt Oscar Phim xuất sắc nhất trong nhiều thập niên qua. Ngắn nhưng The artist đã “nói” được quá nhiều thứ”.

Meryl Streep nhận Oscar lần thứ 3

Meryl Streep (63 tuổi) xứng đáng nhận Oscar thứ 3 trong sự nghiệp qua 17 lần đề cử với vai diễn cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher trong phim The Iron Lady (Bà đầm thép). Trong lịch sử Oscar, chỉ hai ngôi sao Jack Nicholson, Walter Brennan đạt kỷ lục như Meryl Streep và duy nhất Katherine Hepburn được 4 tượng vàng Oscar. Lên sân khấu nhận giải, Meryl Streep khiêm tốn thốt lên: “Tôi nghĩ mình đã quá già và mệt mỏi nhưng khi nghe xướng tên, theo phản xạ, tôi chỉ cần bước lên chỗ có ánh sáng trắng dẫn đường”, rồi bà cố nén cảm xúc, nói trong nghẹn ngào gửi lời cảm ơn đến chồng, đồng nghiệp, bạn bè. Bà chưa từng gặp Margaret Thatcher: “Tôi diễn vai này nhờ vào trí tưởng tượng và được hoàn toàn tự do trong sáng tạo nhưng phải có trách nhiệm với lịch sử”.

Octavia Spencer nhận Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất qua phim The help (Người giúp việc).

Đối thủ của The artist, bộ phim Hugo của đạo diễn Martin Scorsese từng được đề cử 11 Oscar đã nhận 5 tượng vàng: biên tập âm thanh, hòa âm hay nhất, hiệu quả hình ảnh, quay phim và chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất.

Lễ trao giải cũng làm khán giả xúc động khi giọng ca đầy tình cảm của nữ ca sĩ từng đoạt Grammy 2011 Esperalza Spalding cất tiếng hát và trên màn hình hiện ra những nghệ sĩ đã khuất: Whitney Houston, Elizabeth Taylor, Gene Cantamessa, Bill Varney, Gilbert Cates, Norman Corwin, Ben Gazzara, Sidney Lumet…

Jack and Jill dẫn đầu đề cử Mâm xôi vàng

Như thông lệ hằng năm, đề cử giải Mâm xôi vàng lần thứ 32 dành cho các bộ phim và nghệ sĩ “tệ” nhất năm 2011 luôn được công bố trước lễ trao giải Oscar đúng 1 ngày. Năm nay, Jack and Jill dẫn đầu danh sách với 12 hạng mục: phim tệ nhất, kịch bản tồi nhất, nam/nữ diễn viên chính (Adam Sandler), nam/nữ diễn viên phụ (Nick Swardson, David Spade, Katie Holmes) dở nhất… Xếp sau với 8 đề cử là Transformer: Dark of the moon, The twilight saga: Breaking dawn (phần 1). Nhận 6 đề cử có Bucky Larson: Born to be a star, 5 đề cử là Just go with it, New Year’s eve... Lễ trao giải Mâm xôi vàng sẽ diễn ra đúng ngày “Cá tháng 4”: 1.4.2012.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.