Lịch sử ghi lại, Việt Nam thời ấy

23/05/2019 16:10 GMT+7

Vợ ba là một bộ phim nữ quyền xoay quanh câu chuyện những người phụ nữ Việt Nam ở một thời kỳ mà họ không có quyền quyết định gì cho cuộc đời họ, mọi thứ đều phải theo những lề lối của những người đàn ông trưởng giả với thứ đạo đức áp đặt, và có những phụ nữ đủ khôn khéo để sống sót, có những phụ nữ đủ mạnh mẽ để tìm cách thoát ly, và có những đứa bé gái đã không thể vượt qua được áp lực và phải treo cổ tự sát.

Hôm 20.5, nhà sản xuất của Vợ ba đã quyết định rút bộ phim khỏi rạp chiếu ở Việt Nam, "trước sức ép của báo chí và dư luận vì không muốn câu chuyện được một số trang báo định hướng là một vấn đề xã hội được đẩy đi quá xa và điều này ảnh hưởng đến gia đình cũng như cuộc sống của diễn viên Trà My".
Nó khiến tôi nghĩ đến cái chết của đứa bé gái trong Vợ ba, một đứa bé không có lỗi gì trong việc không thể thỏa mãn được người chồng của mình trong ngày được cưới về, bị cha ruồng bỏ vì xem đó là sự sỉ nhục của gia đình. Một đứa trẻ làm ô uế thanh danh gia đình và trong một chừng mực nào đó, là một đứa vô đạo đức.

Mỗi cá nhân đều có quyền tự do chọn lựa điều họ muốn làm hay biểu đạt, miễn sao điều ấy không vi phạm pháp luật và ảnh hưởng trực tiếp đến người khác. Việc một diễn viên và gia đình em ấy chọn lựa cách biểu đạt có thể không phù hợp với mong muốn của đám đông, nhưng đó là lựa chọn của họ, họ sẽ chịu trách nhiệm với lựa chọn ấy mà không cần ai khác phải lo lắng

Vợ ba "được" các nhà "đạo đức học cộng đồng mạng" lẫn "phóng viên kiêm đạo đức học" Việt Nam lên án vì sử dụng một diễn viên 13 tuổi đóng những cảnh nóng. Họ cho rằng việc này là vô đạo đức, là ấu dâm, sẽ khiến cho diễn viên nhỏ tuổi này bị sang chấn tâm lý. Họ nhân danh cô bé này để bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc bộ phim sẽ gây ảnh hưởng đến nhân cách của em. Mặc dù vậy, nữ diễn viên trẻ này, cũng như gia đình em, trong tất cả các cuộc phỏng vấn trong và ngoài nước, đều cho biết em rất thoải mái và không có vấn đề gì bất ổn trong việc phải thể hiện những cảnh thân mật trong phim, và các cảnh quay đều được trao đổi rõ ràng, thẳng thắn, làm việc trên tinh thần tự nguyện. Đương nhiên, với các "nhà đạo đức học", họ không tin và vẫn cho rằng em sẽ bị sang chấn tâm lý và việc này sẽ dẫn đến ấu dâm trong xã hội (!?).
Xét cho cùng, dù ở thời phong kiến, hay ở thời nay, có vẻ như phụ nữ Việt Nam cũng không có một quyền tự do nào trong việc quyết định cho bản thân họ hay làm gì với thân thể của họ. Những áp đặt "khuôn khổ xã hội", "đạo đức xã hội" đều áp lên họ và buộc họ phải khước từ quyền tự do chọn lựa của mình.
Một cuộc trò chuyện như sau bạn sẽ có thể tìm thấy trong vài cuộc tranh luận:
- Mới 13 tuổi mà đã cho đóng mấy cảnh nóng này.
- Hồi xưa truyền thống ông bà mình 13 tuổi đã có thể sinh con rồi, mà họ có vấn đề gì đâu?
- Đây là thời văn minh rồi, đừng có lôi truyền thống vào đây.
- Phim này chiếu bên nước ngoài đoạt nhiều giải, bọn Tây văn minh có nói gì đâu.
- Đừng lấy tiêu chuẩn của Tây ra, Việt Nam mình có truyền thống Á Đông khác.
OK, truyền thống hay không truyền thống thì cũng không được.
Một điều mình thấy lạ là khán giả (nói chung, không chỉ ở Việt Nam) có vẻ chấp nhận chuyện bạo lực hơn là chuyện tình dục ở trẻ vị thành niên. Trong khi, sex là một chuyện sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ trải nghiệm trong đời, thì bạo lực là chuyện chúng ta không có nhu cầu phải trải qua. Thế nhưng, nếu một bộ phim có cảnh nóng liên quan đến một trẻ vị thành niên sẽ bị phản ứng rất mạnh, thì người ta có xu hướng chấp nhận việc trong phim có một đứa trẻ giết người dã man. Chuyện này thì không liên quan lắm đến Vợ ba, chỉ là một suy nghĩ ngẫu nhiên khi đang viết về chuyện này trong lúc xem Game of Thrones.
Quay lại với việc Vợ ba ngừng chiếu ở Việt Nam, mà chuyện này với mình đánh dấu một cái chết tức tưởi của phim nghệ thuật ở Việt Nam (mà vì thế, mình đã để băng đen trên trang cá nhân của mình), thì điều tồi tệ ở đây chính là, từ nay về sau, những người làm phim nghệ thuật ở Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong việc thể hiện các ý tưởng nghệ thuật của họ. Hệ thống kiểm duyệt ở Việt Nam vốn đã khắt khe, nay sẽ càng khép chặt hơn nhờ vào một lực lượng báo chí và nhân dân đã được huấn luyện trong việc kiểm duyệt vòng hai - tức nếu một bộ phim đã qua được vòng kiểm duyệt của cơ quan quản lý, chưa chắc đã an toàn đến được với khán giả vì dư luận sẽ là cơ quan kiểm duyệt đáng sợ hơn và sẽ thúc ép, bức tử bộ phim nếu họ không thích nó.
Trên thực tế, việc bộ phim Vợ ba ngừng chiếu ở Việt Nam không quá ảnh hưởng đến vấn đề tài chính của bộ phim này, bởi thị trường Việt Nam chưa từng là một thị trường cho phim nghệ thuật. Mình đã từng nói trong bài viết về Vợ ba, quyết định đem phim này về chiếu ở Việt Nam là một quyết định dũng cảm của nhà sản xuất và đạo diễn, vì mình biết họ sẽ mất nhiều hơn được ở đây. Thế nhưng họ vẫn liều mình, và buồn thay, họ cũng bị sức ép và đưa ra một quyết định rất đau lòng như thế. Điều đáng tiếc ở đây chính là cơ hội để xem các phim nghệ thuật ở ngoài rạp Việt Nam sẽ ngày càng thu hẹp lại, và đương nhiên, đó chỉ là thiệt thòi cho những ai quan tâm đến dòng phim này. Với đám đông còn lại, chẳng quan tâm đâu, vì cuộc đời họ chỉ ngập tràn những cuộc đấu tố từ vụ này sang vụ khác mà thôi.
Và lịch sử sẽ ghi nhận, Việt Nam, đã có một thời như thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.