“Lên chùa” với Lê Cát Trọng Lý

01/04/2013 15:35 GMT+7

(TNO) Đầu cạo trọc, người khoác áo nâu sòng, vai choàng một chiếc khăn dài, Lê Cát Trọng Lý ngồi lên một chiếc bục cao, giữa căn phòng nhỏ một màu nhung đen, như một chú tiểu trong ngôi chùa cổ.

>> Lê Cát Trọng Lý dẫn đầu đề cử "Cống hiến"
>> Mary McBride, Trọng Lý hát ở bệnh viện

 lê cát trọng lý
Cát Trọng Lý và nghệ sĩ Hồng Quang “phiêu” trong Này Lâm ơi - Ảnh: Thúy Hằng

Đó là hình ảnh đầu tiên người ta thấy Lý trong một buổi diễn tại Black Box vào đêm qua 31.3 trên đường Nguyễn Khuyến (Hà Nội). Đêm qua, Lý  chọn ngồi ở bục gỗ cao hơn buổi diễn tối 30.3, để muốn ai cũng được nhìn, nghe Lý hát. Đêm trước nữa, vài nữ sinh khóc như mưa, ra về giữa chừng khi chỉ nghe thấy tiếng Lý mà không nhìn thấy chị đâu trước gần 100 người đang ngồi phía trước.

Giọng nói dịu dàng, Lý hỏi mọi người có lạnh không. Thế rồi, tiếng ghi ta vang lên, tiếng Lý cũng trong trẻo vang lên, những giai điệu không thể ngọt ngào hơn trong Oh my love, rồi lại vút cao với Này Lâm ơi. Khán phòng chết lặng. Những người mang máy ảnh cũng không dám đưa lên, chỉ sợ âm thanh phá tan không gian thần thánh, chỉ có sự phiêu du của tâm hồn trong tiếng nhạc.

Đôi khi, lời ca nghe xa thẳm, vang vang như tiếng chuông ngân từ một ngôi chùa vọng lại.

Thay đổi liên tục, lúc ghi ta gỗ, lúc ghi ta điện, nhưng vẫn là Lý thư thái, an nhiên trong duy nhất một tư thế ngồi khoanh chân trên bục cao. Khúc ca Lẩn thẩn trôi đi trong êm dịu. Đôi lông mày Lý đôi khi hơi nhíu lại. Giọng hát đôi khi nghe được cả một tiếng tặc lưỡi, phó mặc.

“Tôi không biết mình đang buồn hay vui khi nghe Lý hát”, một phụ nữ thốt lên. Đáp lại, Lý cười: “Sau đây em sẽ cho mọi người cùng cưỡi ngựa!”. Bài hát này Lý chưa kịp đặt tên. Tiếng kèn môi của nghệ sĩ Đức Minh và Hồng Quang đệm khiến không ai không thổn thức. Vó ngựa xa dần, xa dần, chỉ còn Lý đơn độc trên thảo nguyên xanh.

Đây là ca khúc Lý viết năm cô vừa tròn 23 tuổi, “năm của đau khổ, tan tác”.

Đêm trôi đi nhanh. Tiếng nhạc. Tiếng hát. Tiếng vỗ tay không ngớt. Những khúc ca tựa đề ngắn đến bất ngờ Ơi, Ê Phong hay dài như  Liệu có được mãi hay không trôi trong tiếng ghi ta, tiếng khèn, tiếng đàn tính, và đôi khi cả tiếng chiêng dây...

Lý bảo, nếu đúng ra ca khúc kia phải có tên Anh ơi em yêu anh nhiều lắm. Nhưng liệu có được mãi hay không?

Dung dị trong nụ cười hiền và tiếng nói trong, Lý hỏi mọi người có mệt khi nghe cô hát không? Có buồn ngủ không? Không ai trả lời, chỉ có những lời giục giã: “Hát nữa đi, nữa đi. Còn sớm mà!”.

Cô gái nhỏ chỉ cất lên một khúc ca sau cùng, Ngây ngây:

Em ngồi xem nắng lên. Ngồi ngây ngây. Xem chút lơ thơ về. Em ngồi xem gió bay. Ùa vào em. Vì sao nô nức rơi bên trời. Dòng sông nô nức trôi. Mẹ đang phơi áo ngay sau hè. Mẹ phơi luôn khát khao...

Lý cúi chào khán giả trong khi gần 100 người trong khán phòng nhỏ vẫn níu lại sân khấu. Người ta vừa được nghe Lý hát. Hiển nhiên là vậy. Nhưng dường như, cô vừa dẫn dắt mọi người vào một cõi trời riêng, lánh xa trần tục, tìm thấy sự thanh thoát của tâm hồn.

Và đó mới là Lê Cát Trọng Lý - ca sĩ sinh ra để hát về những nỗi riêng tư, trong những không gian nhỏ ấm áp giàu chất tự sự và thoáng màu thiền.

Trinh Nguyễn - Thúy Hằng

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.