Lê Tuấn Lộc và tiếng thơ của thân phận

06/12/2020 10:00 GMT+7

Nhà thơ - TS Lê Tuấn Lộc trưởng thành lên từ người thợ. Trái tim Lê Tuấn Lộc là trái tim người thợ. Dễ hiểu vì sao sáng tác của ông chủ yếu dành cho người thợ. “ Văn học không nói được thân phận con người thì nói cái gì ”, ông bày tỏ quan điểm.

Năm 1986, đúng thời điểm đất nước đổi mới, Lê Tuấn Lộc “trình làng” tập thơ Với quê hương (NXB Thanh Hóa). Đây là tập in chung nhiều tác giả. Từ đó đến nay 35 năm, nhà thơ Lê Tuấn Lộc đã có 20 tác phẩm. Năm 2004, Đại học Hồng Đức đã tổ chức hội thảo về tập thơ Thân phận của ông. Lần này, năm 2020, Đại học Hồng Đức tổ chức hội thảo về tập thơ Thơ và thợ. Cả 2 hội thảo về 2 tập thơ cho thấy một điều: thơ Lê Tuấn Lộc thuộc về thân phận.
Thơ và thợ, tập thơ mới nhất của nhà thơ - TS Lê Tuấn Lộc gồm 50 bài. Tính theo mục lục, có 10 bài viết về thợ mỏ: Nỗi niềm phá sản, Ra đi từ bãi vàng, Rất mỏ! Rất Ba Lan, Nguyện cầu dưới mỏ muối Wieliska, Cổ tích ngày 30/4/1975 ở mỏ Chromite Thanh Hóa, Về lại Quỳ Châu, Nhìn trên trời mỏ đồng Sinh Quyền, Người về phố mỏ Hạ Long, Mỏ đã mất rồi, Xóm thợ. Như vậy là 20%. Nhà thơ Lê Tuấn Lộc vốn là thợ mỏ.

Nhà thơ Lê Tuấn Lộc tại Ngã ba Đồng Lộc

Ảnh; NVCC

Ra đi từ bãi vàng, bài thơ ông viết về thân phận của những người thợ đào vàng ở các mỏ đào đãi vàng trái phép. Có một hiện thực là tình trạng “vàng tặc” phổ biến đang gây ra nhiều thảm họa đối với môi trường, sinh thái. Các mỏ khai thác vàng trái phép nơi “thâm sơn cùng cốc” đã và đang gây ra nhiều hậu quả: sốt rét rừng, sập hầm... Nhiều cái chết tức tưởi đã xảy ra vì “vàng tặc”. 
... "Trong ánh trăng cuối tháng
Bọc đen được mở ra
Một xác người cứng đơ
Mặt mũi dính đầy máu"
(Ra đi từ bãi vàng)
Cũng là bất hạnh ập đến từ nạn đào mỏ trái phép và mơ ước “đổi đời”, trong Về lại Quỳ Châu, Lê Tuấn Lộc có cái nhìn ám ảnh: 
... "Về lại Quỳ Châu bạn cũ mất rồi
Ruby của một thời máu đổ
Những người làm đá đỏ
Cuộc đời sao mà đen!"
Đọc bài thơ này, rất nhiều người thế hệ 7X về trước hẳn không quên những năm 95 - 98 của thế kỷ trước. “Cơn lốc” đá đỏ Quỳ Châu (Nghệ An) đáng sợ. Người “săn đá” từ đại gia, thương nhân... đến đầu bò, đầu gấu đều “hành quân” về đây. Mỗi người hy vọng và kiếm ăn trên lưng người “đào mỏ” theo một kiểu khác nhau, án mạng tranh giành xảy ra, máu đổ vì sát phạt, sập hầm đã xảy ra. Nhiều lúc vuột khỏi tay kiểm soát của chính quyền. Chính vì hiện thực đó, khung cảnh náo loạn đó, cảm xúc của Lê Tuấn Lộc bật lên thay cho lời phản tỉnh:
... "Nắng mưa miền Trung, gió Lào Nghệ An
Ruby, đỏ như là máu đỏ
Saphia, xanh như là màu cỏ
Nhưng Quỳ Châu ơi, rất bạc tình!"
Gần như “mỏ” luôn gõ vào tâm thức của Lê Tuấn Lộc, suốt thời gian dài, tận nay. Ông đau đáu với thợ mỏ và mỏ với vị trí là ngành kinh tế. Người Việt Nam nhiều thế hệ đã từng được giáo dục, hoan ca về đất nước “Rừng vàng, biển bạc”. Rừng vàng không chỉ trên mặt dương mà vàng dưới tầng âm. Đó là tài nguyên khoáng sản. Trong trang sách, tài nguyên khoáng sản Việt Nam không bao giờ cạn. Quá trình chuyển đổi phương thức quản lý từ tập trung quan liêu bao cấp sang thị trường không loại từ ngành nào, trong đó có khai thác mỏ. Cổ phần hóa là tất yếu, nhưng làm ăn không “như thơ”. Nhà thơ Lê Tuấn Lộc đã viết trong Mỏ đã mất rồi:
... "Bắt đầu là cổ phần hóa
Sau cổ phiếu rớt giá
Cổ phiếu gần tới không
Mỏ như vàng bây giờ như tro tàn"
Bài này ông sáng tác khi đi thực tế tại Mỏ Thiếc Bắc Lũng, Tuyên Quang, năm 2017. Tức là mới và tươi nguyên tính thời sự, thời cuộc. Không chỉ mỏ thiếc này “như vàng” mà nhiều mỏ vàng thật, liên doanh, liên kết hẳn hoi cũng rơi vào “nghịch lý”: “Có những điều như chân lý vĩnh cửu/ Bây giờ như vô lý” (Mỏ đã mất rồi).
Là một nhà thơ, một tiến sĩ kinh tế, Lê Tuấn Lộc nhìn thấy sự nghiệt ngã của thị trường. Thị trường không phải trò đùa mà luôn thách thức: “Bạn tôi như người mất hồn/ Mẹ kiếp, đời mình chó thế/ Hôm qua phong anh hùng/ Hôm nay chừng phá sản” (Nỗi niềm phá sản). Dẫu làm ăn nghiêm chỉnh đấy, “Quặng chất thành núi trong kho” đấy, nhưng đâu hẳn đã giàu. Làm kinh tế thời thị trường phải có tư duy hàng hóa, tham gia được vào chuỗi giá trị, không dễ có hàng là bán được.
... "Giám đốc ngồi xe vi vu
Có lúc nhìn thấy nhà tù
Nỗi niềm, nỗi buồn phá sản
Muốn tu không còn đường tu"
(Nỗi niềm phá sản)
Có một thời gian dài Lê Tuấn Lộc công tác ở doanh nghiệp xây dựng. Mưa nắng, giông bão, hạn hán, nước mắt và mồ hôi là hành trang trên các công trường. Ông đã dành nhiều bài thơ khác để viết về những người thợ xây dựng dân dụng hoặc xây dựng công trình giao thông như Viết ở tòa nhà Keang Nam, Dừng chân ở hầm đèo Hải Vân. “Thơ tôi nói đến họ. Đó là gì nếu không phải là thân phận những người thợ, những người thiệt thòi nhất về quyền lợi và hưởng thụ”, nhà thơ Lê Tuấn Lộc tự bạch.
Phải nói rằng với Thơ và thợ, Lê Tuấn Lộc đã cất lên tiếng nói phận người, phơi lên trang thơ phận người. Ông đau nỗi đau nhân thế. Tất cả buộc chúng ta suy ngẫm, luận giải vì sao vấn đề thân phận con người trong thơ ông lại ám ảnh nhiều nỗi buồn đến thế?
Đằng sau nỗi buồn dằng dặc, đầy khắc khoải trong thơ Lê Tuấn Lộc về thân phận con người, phải chăng tiềm ẩn lớp lớp thông điệp cần được “đọc”, được tiếp tục khám phá bằng tấm lòng “tri âm”, đồng điệu, để từ đó có thể khẳng định tầm tư tưởng nhân văn sâu sắc cũng như bản lĩnh của một nhà thơ trưởng thành từ người thợ, ở thế kỷ 20 và 20 năm đầu thế kỷ 21 đầy biến động, thách thức xen lẫn cơ hội.
Lê Tuấn Lộc là người giản dị, ngoài đời cũng như trên trang thơ. Ông không “điệu bộ” về ngôn ngữ, “đánh đố” về kỹ thuật, không “siêu thực hóa” hiện thực xã hội như những nhà thơ cách tân hiện nay. Có thể nói rằng, sự tương tác giữa tình cảm nhà thơ và hoàn cảnh được chứng kiến, tạo nên những rung động để Lê Tuấn Lộc bày tỏ với một phong độ chắt lọc, tinh khiết, không rườm rà, song có mức thông tin cao, đột phát, nhưng cô đọng và khúc chiết. Nhà thơ Lê Tuấn Lộc đã có con mắt quan sát chi tiết, tổng quát hóa, liên tưởng đặt nó trên “nôi” cảm xúc của chính ông, vốn là một người thợ. Vì thế, tiếng lòng của Lê Tuấn Lộc dễ tiếp cận, dễ tạo ra xung chấn và sẻ chia ở bạn đọc. Thơ ông không hướng đến lớp độc giả “cao siêu”, ông không muốn thoát xác khỏi hiện thực.
Như chính ông “tuyên ngôn”: “Loay hoay tìm đơn giản/ Mãi vẫn tìm chưa ra/ Để làm điều đơn giản/ Không giản đơn chút nào” (Điều đơn giản).
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.