Lắt léo chữ nghĩa: Xin đừng xài chéo 'mãi - mại'

09/09/2018 09:00 GMT+7

Liên quan đến sự nhập nhằng 'mãi - mại', tương truyền Trương Định từng ghi trên cờ khởi nghĩa câu: 'Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân', ý nói 'Phan Lâm bán nước'.

Cùng một cách nói và cách hiểu, Sơn Đông mãi võ là “Sơn Đông bán võ” (chứ không phải “Sơn Đông mua võ”).
Nhưng trên đây là chuyện dân gian, chuyện khẩu ngữ chứ chữ nghĩa chính tông chính thống thì khác: “mãi [買] mua, mại [賣] bán”, như đã dạy trong Tam thiên tự từ xửa từ xưa (chữ 253 - 254). Chính vì vậy nên ta không thể nói gái mãi dâm vì các chị em này chỉ bán chứ không mua, cũng như không thể nói khách mại dâm vì các “anh em” này chỉ mua chứ không bán. Bây giờ, để tránh cái nạn “mãi - mại xen kẽ” đó, một số người đã “thuần Việt hóa” mà nói gái bán dâm và khách mua dâm cho… rạch ròi. Thế là đã rõ: “mãi: mua, mại: bán”.
Còn chuyện câu khách bên thương nghiệp thì sao: khuyến mại hay khuyến mãi? Cũng bàn về cái chuyện đại sự này, có người đã viết trên báo: “Các cụ người Hoa bán bánh bò, bánh tiêu ven khu Chợ Lớn hay rao lớn “mại dô, mại dô” để kêu gọi người mua. Nói cách khác, từ mại (chúng tôi nhấn mạnh - AC) có nghĩa là mua”. (“Khuyến mãi hay khuyến mại?”, kinhdoanh.vnexpress.net, 4.2.2002).
Xin thưa rằng “từ mại có nghĩa là mua” là chuyện của tiếng Quảng Đông, không phải của tiếng Việt. Trong thứ tiếng đó thì mãi là bán, còn mại là mua. Nhưng căn cứ vào tiếng Quảng Đông mà giảng rằng khuyến mại của tiếng Việt là “khuyên mua” thì… đã đi được một dặm rồi. Cũng xin nói thêm cho vui - và cho đúng sự thật - rằng, nếu muốn rao bằng tiếng Việt, thì “các cụ người Hoa” sẽ hô “pánh pò pánh tiu, pánh pò pánh tiu…”, chứ không hô “mại dô, mại dô”. Mại dô (chính âm là yô) cũng không xuất phát từ tiếng rao của người bán dạo lẻ mà từ việc bán hàng có hoạt náo viên, bắt đầu với những gánh “hát thực Sơn Đông” (hát thuật Sơn Đông). Chức năng của những gánh hát này thường là múa võ, làm xiếc để bán hàng, nhất là thuốc cao đơn hoàn tán. Để chấm dứt lời quảng cáo, hoạt náo viên thường hô “mại dô, mại dô”. Đây là một cấu trúc lai căng trong đó mại là một hình vị của tiếng Quảng Đông còn dô là cách phát âm bình dân của từ vô (= vào) ở trong Nam.
Trở lại vấn đề, xin lưu ý rằng hiện đang có sự lẫn lộn giữa khuyến mãi và khuyến mại mà ta có thể tránh được nếu hiểu đúng nghĩa của hai hình vị mãi, mại và nhất là đừng lấy tiếng Quảng Đông mà ứng dụng vào tiếng Việt, như có người đã làm khi dạy người khác “Phân biệt khuyến mãi và khuyến mại” trên một trang mạng. Người này đã viết, với cái ý thức rằng mại là tiếng Quảng Đông, đại ý như sau:
“Khuyến mại là hướng tới tiêu dùng, khuyến khích người sử dụng mua sản phẩm bằng các hình thức phổ biến như: giảm giá trực tiếp, kèm tặng phẩm, hàng cũ đổi hàng mới…, nên người hưởng lợi là người tiêu dùng. Còn khuyến mãi thì hướng tới người bán (khách hàng trung gian, nhà phân phối, đại lý…) nhằm nâng cao doanh số bán hàng”.
Cái sự “khuyến mãi” của người hướng dẫn kia là khuyến mại, còn việc mà ông/bà ta gọi là “khuyến mại” thì lại chính là khuyến mãi. Khuyến mãi liên quan đến tất cả các thành viên của thị trường và phụ thuộc vào mãi lực (sức mua) của họ. Xin ghi nhớ Tam thiên tự: “mãi: mua; mại: bán”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.