Lắt léo chữ nghĩa: Từ vảy tê tê đến giãy tê tê

24/03/2019 07:41 GMT+7

Từ điển 270 con vật của Nguyễn Ngọc Hải (Hà Nội, 1993) đã viết về con tê tê (ảnh) như sau:

“Còn có tên là xuyên sơn giáp, con trút, có tới 10 loài. Tê tê chỉ sống ở vùng nhiệt đới châu Phi và Đông Nam Á, toàn thân và đuôi phủ vảy sừng như ngói lợp, trừ phía bụng. Chúng sống ở rừng núi đất, chân có móng sắc để đào hang và ngủ trong đó ban ngày. Tê tê thiếu răng, mồm nhọn, nhưng có lưỡi dài và nước bọt quánh, lưỡi có thể phóng ra xa để bắt kiến, mối và ong...
Ở VN có thể gặp tê tê ở khắp các tỉnh miền núi và trung du. Mỗi con tê tê trưởng thành nặng từ 5 - 7 kg. Tê tê đẻ mỗi lứa 1 - 2 con vào mùa xuân. Con mới đẻ có vảy mềm, mắt nhắm trong 9 -10 ngày. Tê tê là loài có ích, thịt ngon. Vảy tê tê có tác dụng chữa nhọt, thông sữa, thông tiểu tiện, điều kinh phụ nữ. Mật tê tê dùng chữa bệnh hen suyễn. Trong đời sống, tê tê mẹ khi gặp nguy hiểm liền ôm con vào lòng rồi cuộn tròn người lại thành một “quả bóng” bằng vảy sừng cứng rắn bảo vệ con, khiến cho con thú hung dữ nhất cũng phát ngán mà bỏ đi.
Tê tê bắt mồi rất tài tình (...) khi gặp đàn kiến đương bò trên đất hay thân cây, tê tê thè lưỡi liên tục quét dọc theo đường đi của kiến (...). Nó có thể leo lên cây phá tổ ong. Khi ong lao tới đốt, nó chủ động giương vảy nhử cho ong vào, sau đó cụp vảy lại, rồi bò xuống đất giũ vảy và ăn ong chết”. (Sđd, tr.154).
Trở lên là phần dẫn ra để giới thiệu con tê tê và cứ như trên thì liên quan đến con vật này chỉ có thành ngữ vảy tê tê mà thôi. Còn giãy tê tê thì chẳng có liên quan gì đến nó. Vảy tê tê là kiểu vảy xếp thành lớp như ngói lợp. Nhưng ở trong nam nhiều người vì không hiểu được nghĩa gốc của thành ngữ này nên đã đồng hóa từ “vảy” với từ “giãy” trong “giãy giụa”, vì trước kia người bình dân trong Nam phát âm V và âm GI như nhau, đồng thời cũng không phân biệt hỏi ngã. Khi vảy bị đồng hóa với giãy thì trong nhận thức của người miền Nam tê tê cũng trở thành một từ dùng để miêu tả động tác giãy tương đương với đành đạch trong phương ngữ miền Bắc. Hiện tượng trên đây được ngữ học gọi là từ nguyên dân gian hoặc từ nguyên thông tục.
Ở đây xin kể thêm một chuyện vui vui. Trước đây khi chúng tôi lưu ngụ tại H.Duyên Hà, tỉnh Thái Bình, có lần cậu con trai của chủ nhà đi làm thủy lợi ngắn hạn đã nói với tôi như sau: “Đi có mấy ngày, em chẳng cần ba lô, bốn bị gì cả, anh ạ!”. Trong nhận thức của cậu ta thì ba ở đây là số từ còn lô là một danh từ cùng trường nghĩa với những rương hòm, tay nải, va li... Vì vậy cậu ta mới ghép thêm bốn để đối với ba và bị để đối với lô mà tạo ra thành ngữ độc đáo cùng kiểu với năm cha ba mẹ, năm châu bốn biển, ba đầu sáu tay... Có ngờ đâu rằng ba lô là một từ phiên âm từ tiếng Pháp ballot, rằng ở đây, ba và lô chỉ là những âm tiết vô nghĩa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.