Lắt léo chữ nghĩa: Từ 'triều' đến 'chiều', 'chầu' và 'chào'

18/08/2019 05:41 GMT+7

Trong tiếng Việt hiện đại, với chiều hướng, chiều chuộng, chiều hôm , ta có 3 chữ/từ chiều riêng biệt, nghĩa là hoàn toàn độc lập với nhau.

 Nhưng xét về mặt từ nguyên thì đây lại là 3 từ cùng gốc, và là những từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [潮] mà âm Hán Việt hiện hành là trào, cũng đọc triều.
Nói một cách đơn giản và ngắn gọn thì cái nghĩa thông dụng của chữ triều [潮], là “hiện tượng nước biển lên xuống”. Từ nghĩa gốc này, ta có hai tiếng trào lưu [潮流], tức triều lưu, mà nghĩa đen là “triều lên hoặc xuống” rồi nghĩa bóng là “lưu hành xu thế đích động hướng” [流行趋势的动向], nghĩa là “hướng diễn tiến của xu thế đang thịnh hành”, mà nghĩa trong tiếng Việt được Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên giảng là “xu hướng đang được đông đảo người theo trong một lĩnh vực tư tưởng, văn hóa...”. Cái nghĩa trên đây cho thấy triều [潮] là nguyên từ của chiều trong chiều hướng. Còn về quan hệ TR « CH của hai chữ này thì ta có hàng loạt dẫn chứng mà sau đây là một ít: trà « chè; trá [榨], dụng cụ dùng để ép lấy nước « che, dụng cụ ép mía; trai [齋] « chay trong ăn chay chái trong chái nhà (do hai nghĩa khác nhau); trảm « chém; trản « chén...
Từ chiều trong chiều hướng, ta có thêm động từ chiều trong chiều chuộng: chiều là nương theo ý muốn, sở thích, áp lực... của người khác mà làm, nghĩa là làm theo chiều hướng mà người khác muốn, khuyên, bắt... mình thực hiện. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của đã sai khi ghi động từ này thành “chìu”. Đây là một từ thống nhất cho cả miền Bắc lẫn miền Nam nên nó phải được ghi với nguyên âm đôi iê. Cả chiều trong chiều hướng cũng bị Paulus Của ghi sai thành “chìu”.
Thế còn chiều trong chiều hôm thì sao? Thì cũng do chữ triều [潮] này mà ra. Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã giảng tại nghĩa 3 rằng [潮] là “đại chỉ nhất trú dạ” [代指一昼夜], nghĩa là “dùng thay cho một ngày đêm”.
Với cái nghĩa này thì triều [潮] là nguyên từ của chiều trong chiều hôm, khác nhau chỉ là ở chỗ, sau khi đi vào tiếng Việt thì chiều không còn chỉ khoảng thời gian 24 giờ của một ngày đêm nữa, chỉ dùng để chỉ thời gian sau trưa trước tối mà thôi. Với triều « chiều, ta còn có thêm một điệp thức nữa là chầu (như: đãi một chầu bia) mà Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức giảng là “một buổi, một hồi, một dịp”.
Chữ triều [潮] đã được Vương Lực chứng minh là đồng nguyên với chữ [朝] (Đồng nguyên tự điển, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997) nên nhân tiện xin nói thêm về chữ này. Chữ [朝] có hai âm: triêu triều. Với âm triều thì nó có nghĩa là “hỏi thăm người trên vào sáng sớm, đặc biệt là vào cung yết kiến nhà vua”. Với nghĩa này, triều [朝] là nguyên từ của chào chầu. Ngoài nghĩa chính, chầu lại có thêm một nghĩa rộng mà từ điển của Khai trí Tiến đức giảng là “cùng hướng về một phương-vị nào đó” với thí dụ: Long hổ chầu về huyệt. Cái nghĩa này của chữ chầu gợi ý cho ta liên hệ nó với chiều trong chiều hướng.
Cuối cùng, nếu “lắp ráp” cho thật chặt chẽ về từ nguyên thì ta còn phải nói thêm rằng chữ [朝], với âm triêu và nghĩa “buổi sáng”, cũng không thể không dính dáng gì với triều [潮], là từ “dùng thay cho một ngày đêm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.