Lắt léo chữ nghĩa: Từ tơ chỉ đến ngó ý

10/11/2019 07:29 GMT+7

Phần lớn những bản Kiều quốc ngữ lưu hành từ trước đến nay đều ghi câu 2242 của Truyện Kiều là: Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng Ngó ý đối với tơ lòng.

Cực hay! Tuyệt đẹp! Siêu phẩm ngôn từ! Nguyễn Thạch Giang giảng: “Ngó sen dù bị ngắt lìa ra nhưng những sợi tơ trong lòng ngó sen không đứt hẳn mà vẫn còn vướng liền nhau; khác nào như Kiều vì cảnh ngộ mà phải lìa Kim Trọng, nhưng về tình thì lòng vẫn luôn luôn nhớ chàng, lòng vẫn luôn luôn vương vấn không dứt được với chàng.” (Nguyễn Du, Truyện Kiều, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích, NXB Đại học & Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1972).
Đây là một lời giảng nhập nhằng: dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng là hai vế độc lập với nhau về hình tượng nên không thể giảng rằng “những sợi tơ trong lòng ngó sen không đứt hẳn mà vẫn còn vướng liền nhau”. Đứt hẳn rồi. Lìa hẳn rồi. Chỉ có tơ lòng, và riêng tơ lòng, mới “luôn luôn vương vấn không dứt được” mà thôi. Chữ nghĩa rành rọt, rạch ròi ra đó mà. Vậy thì tại sao lại nảy ra cái sợi “tơ lòng thòng” với hai chữ ngó ý? Sự thể là như sau.
Theo Đào Duy Anh thì: “Các bản Nôm từ Liễu Văn Đường đều chép Dẫu lìa tơ ý; KOM (Kiều Oánh Mậu - AC) chép là Dẫu lìa ngó ý, người ta đọc đã quen” (Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974). Hóa ra hai chữ “ngó ý” là sản phẩm beauty salon “made by KOM”. Còn bản Duy Minh Thị 1872, gần với nguyên tác của Nguyễn Du nhất, lại chép là dẫu lìa tơ chỉ. Thế là đã trải qua hai lần dao kéo: lần trước là từ dẫu lìa tơ chỉ thành dẫu lìa tơ ý rồi lần sau là từ dẫu lìa tơ ý thành dẫu lìa ngó ý. Chúng tôi cho rằng theo nguyên tác thì bốn chữ đang xét là dẫu lìa tơ chỉ và cả c.2242 là:
Dẫu lìa tơ chỉ còn vương tơ lòng.
Với câu này, ý Kiều - cũng là Nguyễn Du - muốn nói là dù cho bị chia lìa với Kim Trọng trên thực tế (lìa tơ chỉ) nhưng đối với chàng thì nàng vẫn thương nhớ không nguôi (vương tơ lòng). Ở đây, tác giả đã chơi chữ một cách tế nhị bằng cách dùng tơ chỉ để đối với tơ lòng. Nghĩa là ông đã cố ý dùng chữ hai lần. Tơ chỉ thì đứt hẳn (không có lòng thòng gì hết) chứ tơ lòng thì còn vương. Tơ chỉ là sợi chỉ hồng mà Nguyệt Lão dùng để buộc chân Kim Kiều với nhau bây giờ đã đứt lìa nhưng tơ lòng, tức tình yêu Kiều dành cho Kim thì vẫn đeo đẳng nàng, không buông tha. Sửa tơ chỉ thành tơ ý thì làm cho câu thơ trở thành vô nghĩa: tơ ý với tơ lòng cũng “xem xem” với nhau, chỉ là một thứ mà thôi. Chẳng thế mà Tản Đà đã nhận xét: “Chữ ý trong câu đây, chỉ là nhân chữ lòng mà đặt ra” (dẫn theo Trần Văn Chánh, Trần Phước Thuận, Phạm Văn Hòa, Truyện Kiều tập chú, NXB Đà Nẵng, 1999). Cùng nghĩa mà đối với nhau thì bảo sao không vô nghĩa cho được? Đến như sửa thêm một nấc nữa thành ngó ý thì chỉ là chuyện thùng rỗng kêu to mà thôi…
Vậy tơ chỉ mới chính là chữ của Nguyễn Du. Nhưng Nguyễn Tài Cẩn còn đi xa hơn mà lập luận rằng “nếu sau này, ở câu 2586, nhà thơ nghĩ đến cây đàn TIỂU LÂN và viết “tơ lòng đã dứt dây đàn Tiểu Lân” thì ở đây cụ cũng có thể nghĩ đến cây đàn LỤC Ỷ 綠綺 mà Tư Mã Tương Như đã dùng để tỏ tình, và viết “Dẫu lìa tơ Ỷ còn vương tơ lòng” (đàn LỤC Ỷ gọi tắt là Ỷ Cầm = đàn Ỷ)”. (Tư liệu Truyện Kiều - Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh, NXB Giáo dục, 2008, tr.483). Vì quá phấn khích với cây “lục ỷ” mà Nguyễn Tài Cẩn không ngờ là mình đã phạm phải một mâu thuẫn thô sơ. Ông giảng rằng lục ỷ là cây đàn “mà Tư Mã Tương Như đã dùng để tỏ tình”. Từ đây suy ra, ta có tơ ỷ (chữ của Nguyễn Tài Cẩn) là “tơ tình” nên lìa tơ ỷ hiển nhiên là (Kiều) chẳng còn vương vấn gì trong tình yêu đối với Kim Trọng nữa. Thì làm sao mà còn vương tơ lòng cho được?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.