Lắt léo chữ nghĩa: Từ nguyên của tên một số con vật

08/11/2020 15:00 GMT+7

Trước nhất là tên của con chó. Tiếng Hán có hai từ chỉ “chó” quen thuộc với nhiều người Việt là cẩu (đặc biệt là câu tục ngữ “treo đầu dê, bán thịt chó” là “dịch phẩm” từ câu “quải dương đầu, mại cẩu nhục” [掛羊頭賣狗肉] ) và khuyển (như trong nghĩa khuyển, quân khuyển, cảnh khuyển).

Chó là điệp thức của một từ ghi bằng chữ [㹥], mà âm Hán Việt là chú, có nghĩa là “chó vàng đầu đen”. Tương quan U « O có thể thấy qua: du < dù [𨵦], liếc, dòm, nhìn trộm « dò trong dò la, dò xét; dụ [喻], nói cho hiểu « dò trong dặn dò; chữ nho [儒] theo đúng phiên thiết phải đọc là nhu... Chữ khuyển [犬] còn có một điệp thức là cún, có nghĩa là “chó con”. Còn chữ cẩu [狗] bộ khuyển [犭] thì được Vương Lực chứng minh là đồng nguyên với chữ cẩu [豿] bộ trĩ/trãi [豸], có nghĩa là “gấu con, hổ con” (Đồng nguyên tự điển, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr.182-183). Hai chữ cẩu đồng nguyên này có một điệp thức là gấu trong bàn tay gấu, mật gấu.
Cày trong cày cáo bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [猉] mà âm Hán Việt là kỳ, có nghĩa là “chó con”. Còn cáo thì bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [狡], mà âm Hán Việt hiện hành là giảo, như trong giảo hoạt, giảo quyệt nhưng âm gốc là cảo. Trong Quảng vận, chữ này thuộc vận mục xảo [巧], tiểu vận cảo (cổ xảo thiết [古巧切]), có một nghĩa là “chó con”, mà cáo là điệp thức chỉ con vật được cho là xảo quyệt, nham hiểm. Chồn thì bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [𤟢] mà âm Hán Việt là độn, có nghĩa là “chó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.