Lắt léo chữ nghĩa: Từ lâm đến sâm

29/12/2019 06:18 GMT+7

Ca dao Việt Nam có câu: Một cây làm chẳng nên non Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Còn chữ Hán thì ghép hai chữ cây lại thành rừng và ba chữ cây thành um tùm. Mộc [木] là cây; hai chữ mộc ghép với nhau thành lâm [林] là rừng; còn ba chữ mộc ghép lại thành sâm [森] là um tùm, rậm rạp.
Chữ lâm [林] có một điệp thức là lùm như có thể thấy trong danh ngữ lùm cây hoặc ngữ vị từ núp lùm. Từ điển tiếng Việt 2008 của Trung tâm từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng lùm là “đám cành lá rậm rạp của nhiều cây kết vào nhau thành vòm rộng”. Chúng tôi e rằng đây là một cái nghĩa “nhân tạo” vì nếu cái nghĩa này mà đúng thì làm sao người ta có thể “núp lùm” được? Quyển từ điển cùng tên do Văn Tân chủ biên đã giảng một cách cực gọn mà rất đúng rằng lùm là “bụi cây”. Có thế thì người ta mới “núp lùm” được chứ!
Chữ sâm [森] cũng có một điệp thức là sum, như có thể thấy trong sum họp, sum vầy. Nghĩa của sum trong sum họp, sum vầy chính là nghĩa của chữ sâm [森] trong sâm tụ [森聚], là “tụ họp đông đảo”. Nói chung, chữ Nôm cũng ghi âm sum bằng chữ [森]. Đây cũng là một sự trùng hợp thú vị.
Trong tiến trình lịch sử, chữ sâm [森] này có hai đồng nguyên tự (chữ cùng gốc) mà cả Đồng nguyên tự điển của Vương Lực lẫn Đồng nguyên tự điển bổ của Lưu Quân Kiệt đã bỏ sót hoặc chưa kịp ghi nhận. Phải đến Đồng nguyên tự điển tái bổ thì Lưu Quân Kiệt mới đưa vào sách. Hai chữ đó là [棽] và [槮]. Âm Hán Việt của hai chữ này cũng là sâm. Vậy về nguyên tắc ta có thể viết:
–sâm [森,棽,槮] ↔ sum.
Sở dĩ ở trên, chúng tôi chọn chữ [棽] trước nhất là vì theo chúng tôi thì chữ này thông dụng hơn.
Về ngữ âm thì tương quan  ↔ U giữa lùm và sum với lâm và sâm còn có thể thấy qua các trường hợp khác, như:
–âm [陰], u ám; màu đen nhạt ↔ um trong xanh um, um tùm;
–ấm [廕,蔭], che chở ↔ úm trong mẹ úm con;
–hấp [吸], uống vào ↔ húp trong húp canh;
–khâm [顉], cúi đầu ↔ khum trong khum lưng (với biến thể ngữ âm khom);
–tâm [心], bộ phận ở giữa (hoặc bên trong) ↔ tum, cốt bánh xe;
–phật [佛] ↔ bụt. Cách đây hơn 27 năm, chúng tôi đã khẳng định: “Thiết âm của nó (chữ [佛]) trong các vận thư như Đường vận, Tập vận, Vận hội, Chính vận mà Khang Hy tự điển thu thập đều là phù vật thiết [符勿切], nghĩa là ph[ù]+[v]ật = phật. Nhưng âm xưa của phù là bùa, còn của vật là mụt nên b[ùa]+[m]ụt = bụt.” (“Tìm hiểu về hai từ bụt và phật”, Kiến thức ngày nay số 84, ngày 15.5.1992).
–sấn [齔], hư răng, trẻ con thay răng ↔ sún trong sún răng.
Còn –bút là âm rất xưa của chữ [筆], mà theo đúng âm Hán Việt hiện hành thì phải là bất vì thiết âm của nó là bỉ mật thiết [鄙密切]. Vậy b[ỉ]+[m]ật = bất (chứ không phải “bật” vì thiết âm thượng tự thuộc bậc phù).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.