Lắt léo chữ nghĩa: Tai vách mạch gì?

17/01/2021 07:07 GMT+7

Đến nay vẫn có nguồn chép rằng đó là “Tai vách mạch rừng”, chẳng hạn Wiktionary.

Trang này đã ghi như sau:
“tai vách mạch rừng
Do câu thành ngữ:
Rừng có mạch vách có tai.
Nghĩa là kín như rừng cũng có những lối đi nhỏ (mạch) người ta có thể biết được, kín như vách, người ta cũng có thể nghe được”.
Nếu lời giảng trên đây mà đúng thì có lẽ ta phải hiểu rằng mỗi lần cần trao đổi những điều bí mật cho nhau thì người ta sẽ kéo nhau vào rừng mà nói. Thực ra, trang “tionary” này đã bé cái nhầm khi cưỡng ép hai từ rừng và vách đối với nhau một cách... không đối xứng. Vách và rừng là những từ thuộc hai trường nghĩa cách xa nhau đến mức “bắn cà nông cũng không tới” thì đối với nhau là đối như thế nào? Vách là một bộ phận của nhà còn rừng thì lại liên quan đến địa hình, địa vật. Chỉ có dừng mới liên quan đến vách mà thôi.
Vậy dừng là gì? Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức giảng dừng là “nan để làm cốt vách”. Từ điển tiếng Việt 2020 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên cũng giảng dừng là “thanh bằng tre nứa cài ngang, dọc để trát vách” với thí dụ: tai vách mạch dừng. Tai vách mạch dừng mới đúng là câu thành ngữ gốc, chuẩn, đã bị Wiktionary làm cho méo mó, trẹo trọ thành “Tai vách mạch rừng”.
Trung Quốc cũng có một câu thành ngữ tương tự là: Tường hữu phùng bích hữu nhĩ [牆有縫,壁有耳], nghĩa là “tường có kẽ, vách có tai”. Phùng [縫] là “khe hở, kẽ hở”. Câu này có xuất xứ rất xa xưa từ trong Kinh Thi, Tiểu Nhã, bài “Tiểu biện” [小弁]: “Quân tử vô dị do ngôn, nhĩ thuộc vu viên” [君子无易由言,耳屬于垣], có ý khuyên người quân tử không nên khinh suất lúc nói năng vì có tai [người nghe] ngay bên tường. Cùng cái ý đó, sách Quản Tử, chương “Quân thần, hạ” có câu: “Cổ giả hữu nhị ngôn: Tường hữu nhĩ, phục khấu tại trắc. Tường hữu nhĩ giả, vi mưu ngoại tiết chi vị dã” [古者有二言:墙有耳,伏寇在侧。墙有耳者,微謀外泄之谓也], nghĩa là “Người xưa có hai câu: Tường có tai, kẻ thù giấu mặt ở ngay bên cạnh. Câu “Tường có tai”, ý nói mưu kế bí mật bị tiết lộ”. Ngũ đăng hội nguyên [五燈會元],
q.16 có hai câu: “Viết: “Thậm ma nhân đắc văn?” Sư viết: “Tường bích hữu nhĩ” [曰:甚麼人得聞?”師曰:‘墙壁有耳], nghĩa là “Hỏi: “Sao người ta nghe thấy?” Sư đáp: “Tường, vách có tai”.
Sở dĩ phải dẫn dài dòng như trên là để nhắc rằng thành ngữ là một bộ phận văn học truyền miệng rất chú trọng đến tính hoàn chỉnh của hình thức tiểu đối, trong đó có đối xứng về trường nghĩa.
Vách với rừng thuộc hai trường nghĩa cách nhau quá xa nhưng sở dĩ câu Tai vách mạch dừng bị từ nguyên dân gian làm cho trẹo trọ, méo mó thành “Tai vách mạch rừng” một phần là do sự trùng vận của hai từ dừng và rừng (cả hai đều cùng vần ƯNG), cộng thêm sự đồng hóa ngữ âm ở cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong đối với hai phụ âm đầu D và R: Đàng Ngoài đều phát âm dừng và rừng thành zừng còn Đàng Trong thì thành yừng (ít ra cũng đối với người bình dân). Nhưng bất kể nguyên nhân xuất phát từ đâu thì người làm “tionary” cũng phải tìm được hình thức chuẩn để đưa vào cái corpus của mình chứ không thể đưa vào đó cái hình thức đã bị làm cho trẹo trọ, méo mó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.