Lắt léo chữ nghĩa: Ngông nghênh không phải là từ láy?

03/05/2020 07:17 GMT+7

Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức giảng ngông-nghênh là “trỏ bộ nghênh-ngang tự đắc”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng là “nghinh-ngang, tự-đắc”.

Từ điển tiếng Việt 2008 của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên giảng là “tỏ ra tự đắc, coi thường mọi người, bằng những thái độ gây cảm giác khó chịu”. Cả ba quyển từ điển này đều không có nghênh ngông, chứng tỏ ngông nghênh không có hình thức đảo âm tiết.
Ngông nghênh là một cấu trúc láy “biểu kiến” (apparent) gốc Hán, bắt nguồn ở hai từ ghi bằng hai chữ [顒昂] (cũng viết [顒卬]), mà âm Hán Việt là ngung ngang. Ngung [顒] có hai nghĩa chính là “to đầu” và “dáng nghiêm nghị”, còn ngang [昂] là “ngẩng lên”, “vượt qua chung quanh”, “cao cả”. Ngung ngang
[顒昂] là “có thần thái hiên ngang, phi phàm”. Hai tiếng ngung ngang [顒昂] từng xuất hiện trong Kinh thi, phần Đại nhã, bài Quyển a [卷阿], tại câu Ngung ngung ngang ngang, như khuê, như chương [颙颙昂昂,如圭如璋]. Ngung ngung ngang ngang là một cấu trúc láy cú pháp (lặp lại cả ngung lẫn ngang) mà Việt Hán thông thoại tự vị của Đỗ Văn Đáp giảng là “nghiêm chỉnh trác lạc”. Còn bản thân ngung ngang là một cấu trúc từ pháp đẳng lập gồm hai từ đồng/cận nghĩa.
Cứ như trên thì về mặt từ nguyên học, mối quan hệ ngữ nghĩa giữa ngông nghênh và ngung ngang [顒昂] là chuyện đã rõ. Còn về ngữ âm thì sao?
Trước nhất, về mối quan hệ ngung ↔ ngông, ta biết rằng trong lĩnh vực Hán Việt thì nói chung các nguyên âm trong dãy nguyên âm hàng sau tròn môi U - Ô - O có thể chuyển đổi với nhau, như: - động trong động tác ↔ đụng trong đụng độ; - hung [匈], ngực ↔ hông trong no cành hông; - lung [籠] ↔ lồng trong lồng chim; - nùng [濃], đậm chất ↔ nồng trong nồng hậu...
Còn về ngang ↔ nghênh thì ta cũng có ANG ↔ ÊNH: - bang [帮] trong bang trợ ↔ bênh trong bênh vực; - cách mạng ↔ cách mệnh; - đãng [愓], buông thả ↔ đểnh trong lơ đểnh; - giang < cang="" [扛],="" nâng="" lên,="" nhấc="" lên="" ↔="" kênh="" trong="" công="" kênh="" (với="" âm="" công="" thì="" [扛]="công" [kênh],="" đã="" nói="" trên="" thanh="" niên="" số="" 5.4.2020);="" -="" kháng="" [抗],="" cao,="" đưa="" lên="" cao,="" đội="" lên="" ↔="" khênh="" trong="" cao="" lênh="" khênh="" và="" khênh="" trong="" khênh="" bàn,="" khênh="" tủ="" (có="" điệp="" thức="" là="">
Cứ như trên thì trong ngông nghênh của tiếng Việt hiện đại, ngông là một từ độc lập, có nguồn gốc rõ ràng vì là một từ gốc Hán, mà nguyên từ là ngung [顒], đã nói ở trên. Còn nghênh là một hình vị, cũng có gốc Hán, mà nguyên từ là ngang [昂], đã nói ở trên. Vậy, xét về nguồn gốc thì ngông nghênh bắt nguồn từ một cấu trúc đẳng lập của tiếng Hán chứ không phải là một từ “láy”, cấu tạo từ cái gọi là “khuôn vần ông - ênh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.