Lắt léo chữ nghĩa: Nghĩa của một số 'yếu tố láy'

07/06/2020 06:53 GMT+7

Từ điển từ láy tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (NXB Giáo dục , Hà Nội, 1994) đã thu nhận nhiều trường hợp bị mặc nhận là âm tiết láy (của các từ láy), trong khi đó vốn là những từ (hoặc hình vị) có (hoặc vốn có) đầy đủ ý nghĩa.

Thậm chí có những tổ hợp Hán Việt hiển nhiên cũng bị các tác giả xem là từ láy. Mục đích của bài này là giải oan cho một số “âm tiết láy” trong Từ điển từ láy tiếng Việt (TĐTLTV).
1. Ái trong êm ái: Ái là một hình vị Hán Việt mà chữ Hán là [藹], có nghĩa là “êm ả, dễ chịu”.
2. Bạc trong bàn bạc: TĐTLTV của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên ghi nhận bàn bạc và giảng là “bàn đi bàn lại, trao đổi ý kiến giữa nhiều người”, vì mặc nhận rằng bạc là một yếu tố láy, tức một âm tiết vô nghĩa (còn bàn hiển nhiên là một từ độc lập như trong bàn lùi, bàn tới bàn lui, miễn bàn...). Thực ra, bàn bạc là điệp thức của biện bạch [辯白], trong đó bạch là âm Hán Việt hiện hành của chữ [白] mà bạc là một âm rất xưa, khi mà phụ âm cuối C [k] của nó chưa chuyển thành CH [c]. Đây cũng chính là chữ bạc trong vàng bạc.
3. Bặm trong bụi bặm: TĐTLTV đã ghi nhận bụi bặm nhưng lại chuyển chú vế bụi bậm mà giảng là “bụi bẩn (nói khái quát)”. Thực ra, chính bụi bặm mới là hình thức chính tả thông dụng. Mà bặm cũng không phải là một yếu tố láy vì đây là một từ (ít nhất là một hình vị) tiếng Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [湴], mà âm Hán Việt hiện hành là bạm. Đây là một chữ thuộc vận mục hãm [陷], vận bộ hàm [咸] trong Quảng vận. Thiết âm của nó là “bồ giám thiết” [蒲鑑切]. B[ồ] + [gi]ám = bạm (bồ mang dấu huyền thì bạm phải mang dấu nặng). Quan hệ ngữ âm AM « ĂM giữa bạm bặm còn có thể thấy với một số trường hợp khác như: - (hổ thị) đam đam « (nhìn) đăm đăm; - tàm trong tàm tang « tằm trong tơ tằm; - thám trong do thám « thăm trong thăm dò. Vậy bặm không phải là một yếu tố láy.
4. Bảy trong bóng bảy: TĐTLTV cũng ghi nhận bóng bảy và giảng là “1/ Có vẻ đẹp hào nhoáng bề ngoài” và “2/ (Lời văn) có nhiều hình ảnh, trau chuốt và có sức gợi cảm”. Quyển từ điển này cũng xem bảy là một yếu tố láy nhưng thực ra thì đây là một yếu tố gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [斐] mà âm Hán Việt hiện hành là phỉ, mà nghĩa gốc là “có màu sắc rực rỡ”, rồi nghĩa bóng là “văn vẻ, bay bướm”. Bảy « phỉ thì cũng hoàn toàn giống như bay « phi. Mối quan hệ giữa B « PH cũng từng được Vương Lực chứng minh và khẳng định tại thiên “Hán Việt ngữ nghiên cứu” (Hán ngữ sử luận văn tập, Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.290 - 406). Còn giữa I « AY thì: - di [移] trong di chuyển « day trong day qua day lại (của phương ngữ Nam bộ); - ly [離] trong phân ly « lay trong lay chuyển, lung lay; nghi [宜] trong thích nghi « ngay trong ngay thẳng...
5. Bao trong bảnh bao: TĐTLTV ghi nhận bảnh bao với nghĩa “(Ăn mặc) sang, trau chuốt, tươm tất, có vẻ trưng diện”. Nhưng bao cũng chẳng phải là một yếu tố láy, còn bảnh bao chẳng qua là điệp thức của hai chữ Hán bính bưu [炳彪], mà Hán điển (zdic.net) giảng là “ban lan đích hổ văn” [斑斓的虎纹], nghĩa là “những cái vằn tươi sáng, rực rỡ [trên lông] hổ”. Hai chữ này còn có một hình thức đảo là bưu bính [彪炳] mà Việt - Hán thông thoại tự-vị của Đỗ Văn Đáp giảng là “rực rỡ”.
Ở đây, bảnh hiển nhiên là một từ độc lập. Còn về hiện tượng bao là điệp thức của bưu [彪] thì ta có một trường hợp tương tự sát sườn với nó là chữ bảo [寳] trong bảo vật cũng đọc bửu theo tương quan AO « ƯU (không kể đến điệp thức báu, như trong châu báu). Vậy bao không phải là một yếu tố láy và bảnh bao vốn là một cấu trúc đẳng lập do bảnhbao hợp thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.