Lắt léo chữ nghĩa: Giá không thể thay thế cho phí

27/05/2018 07:29 GMT+7

Tuy là cùng một trường nghĩa nhưng giá và phí không thể dùng thế cho nhau được.

Giá là một từ Hán - Việt mà chữ Hán hiện hành là [價]. Đây là một chữ hình thanh mà nghĩa phù là bộ nhân [亻] còn thanh phù là [賈]. Dùng để chỉ họ người, [賈] được đọc thành giả như trong Giả Đảo [賈島], Giả Nghị [賈誼], Giả Bình Ao [賈平凹]... Với âm cổ, [賈] có nghĩa là “mua, bán, buôn bán”, nếu là động từ; là “người buôn bán (tại cửa hàng cố định)”, nếu là danh từ. Đây chính là chữ cổ trong sĩ, nông, công, cổ. Với âm giá thì [賈] chính là tiền thân của chữ [價] hiện nay; nói một cách khác thì [價] và [賈] là những đồng nguyên tự (chữ cùng gốc) như Vương Lực đã chứng minh trong Đồng nguyên tự điển (Bắc Kinh, 1997, tr. 124-125). Nhưng cả hai chữ giá [價], [賈] này đều vốn thuộc thanh mẫu kiến [見] nên phụ âm đầu xưa của nó là C/k/(chứ không phải GI). Âm của nó trong Quảng vận (năm 1008) là “cổ nhạ thiết” [古訝切].
Vậy “cổ nhạ” phải là cá và đây chính là âm xưa của hai chữ đang xét. Với âm này, ta có điệp thức cả, còn thấy trong giá cả, mà cả, mặc cả của tiếng Việt hiện đại.
Phí cũng là một từ Hán -Việt mà chữ Hán là [費]. Đây cũng là một chữ hình thanh mà nghĩa phù là bối [貝], cũng là tên của một bộ, còn thanh phù là phất [弗], thường đọc thành phật, như trong phật ý. Chữ phất [弗] mà lại hài thanh cho chữ phí [費] là do luật âm dương đối chuyển, như còn có thể thấy ở những trường hợp khác mà I/i/là nguyên âm chính, thí dụ: chí [至] hài chất [桎] (có người đọc thành “trất”); bất [必], nay đọc thành tất, hài bí [秘]; ni [尼] hài nật [昵]; thị [是] hài thật [寔].
Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên giảng giá là “biểu hiện giá trị bằng tiền” còn phí là “khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ công cộng nào đó”. Từ đây suy ra, giá chỉ là một khái niệm trừu tượng còn phí thì lại là hiện vật cụ thể (bằng tiền) nên mới có chuyện chủ một quán giải khát ở Long An đã đổi được trên 22 triệu đồng tiền lẻ có mệnh giá 200 - 500 đồng để phục vụ tài xế nộp phí BOT.
Vậy giá thì không thể “thu” được, dù cho có diễn đạt đầy đủ thành “thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ”. Dù có dính tới đường trời thì giá cũng chỉ là một khái niệm trừu tượng mà thôi. Có người đã đưa ra hai cấu trúc thu giá riêng và thu giá củ trên Hà Thành ngọ báo số 2412 để chứng minh tính “hợp lý” của cấu trúc thu giá nhưng đó chỉ là do hiểu sai mà thôi. Đây là thông báo của Nhật-Tân Ban do Đoàn-Chính ký tên, cho biết trong hai ngày 25 và 26.9 (1935) thì thu tiền vé theo giá riêng để “tạ lòng quan khách”, sau đó lại tiếp tục thu tiền vé theo giá cũ (đã định từ trước). Sẽ là sai lầm thô thiển nếu ta lại hiểu cấu trúc thu giá (riêng, cũ) theo nghĩa từ vựng (lexical meaning) thuần túy; ở đây, nó phải - vì chỉ có thể - được hiểu theo nghĩa văn cảnh (contextual meaning) mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.