Lắt léo chữ nghĩa: Được voi đòi tiên

11/10/2020 06:41 GMT+7

Về câu được voi đòi tiên , trang Tiếng Việt giàu đẹp (ngày 20.11.2019) cho biết: “Theo nhiều tư liệu thì câu thành ngữ này vốn bắt nguồn từ một món đồ chơi dân gian được nặn bằng bột màu mà nhiều nơi gọi là “tò he”.

Ngày xưa, ở quê, món đồ chơi này chỉ có hình thù của các con vật (trâu, bò, mèo, chuột...) và hình thù các vị tiên. Ở Nghệ Tĩnh, những món có hình con vật có nơi gọi là “voi”.
Trong câu hát đồng dao về con chim trả cũng có từ này. Khi bắt được con chim trả tranh, một loài chim bói cá nhỏ xinh đẹp, trẻ em thường cầm ngược cái mỏ dài của chim lên để chim lơ lửng và đọc câu hát “Tranh tranh trả trả, múa cho ả coi, đến mai đi chợ ả mua voi cho tranh tranh trả trả”.
Thường thì nặn các con vật màu sắc đơn điệu, ít tốn bột và ít công phu hơn, giá có thể rẻ hơn so với nặn tiên, cần nhiều màu sắc và công sức. Vậy nên nói “được voi đòi tiên” chính là nói đã có những con tò he hình thú vật mà vẫn ham cầu cái hơn nữa, là tò he hình tiên.
Cách giải thích này hợp lý với nghĩa rộng của câu: đã có thứ tốt còn tham thứ cao sang hơn”.
Trên đây là lời kể của trang Tiếng Việt giàu đẹp. Lời kể này sẽ có sức thuyết phục mạnh hơn nếu nó cho biết tại sao những món tò he có hình con vật có nơi lại được gọi là “voi”, một loài “thú lớn sống ở vùng nhiệt đới, mũi dài thành vòi, răng nanh dài thành ngà, tai to, da rất dày, có thể nuôi để tải hàng, kéo gỗ...” (Từ điển tiếng Việt 2008 của Trung tâm Ngôn ngữ học). Chúng tôi cho rằng trong các món tò he ắt phải có món mang hình dáng của voi. Con voi tò he còn có khả năng nhắc đến hình ảnh oanh liệt của Bà Trưng, Bà Triệu nên người ta mới lấy tên của nó làm đại diện cho tất cả các loại tò he khác chăng?
Xét theo từ nguyên thì voi lại là một từ Việt gốc Hán chứ không phải một từ mà tiếng Hán đã mượn của tiếng Việt. Vật hậu học (phenology) đã chứng minh rằng voi từng sinh sống ngang dọc tại lưu vực Hoàng Hà là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa. Khảo cổ học cũng đã xác nhận sự thật lịch sử này. Còn về mặt văn tự học thì Vương Lực là người đầu tiên đã phát hiện chữ vi [爲] gắn liền với từ voi của tiếng Việt trong thiên Hán Việt ngữ nghiên cứu (Hán ngữ sử luận văn tập, Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.359). Riêng về tự dạng thì văn tự học cũng đã cho thấy hình một con voi trong chữ vi [爲] của giáp cốt văn.
Được là một từ Việt gốc Hán mà trong Việt-ngữ chánh-tả tự-vị, Lê Ngọc Trụ đã quy về chữ đắc [得], có nghĩa là “được”. Chúng tôi cũng nghĩ như thế và cho rằng được là một từ Hán Việt Việt hóa theo quan niệm hiện hành.
Đòi (trong đòi hỏi) là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [隨], mà âm Hán Việt là tùy, có nghĩa hữu quan là “truy cầu [追求]” (Hán ngữ đại tự điển, Thành Đô, 1993, nghĩa 6), nghĩa là “theo đuổi, tìm kiếm”. Chữ tùy [隨] này, với nghĩa “đi theo”, cũng có một điệp thức đồng âm với đòi trong đòi hỏi, là đòi trong học đòi, theo đòi. Về quan hệ phụ âm đầu T « Đ giữa tùy và đòi, ta còn có: - tạc < tộc [鑿], cái đục « đục trong đục khoét; - tấm [𢬶], đánh « đấm trong đấm đá; - tiều [嶕], đỉnh núi (nghĩa 3 trong Hán ngữ đại tự điển) « đèo trong núi đèo; - tống [宋], “cư trú” (= ở, nghĩa 1 trong Hán ngữ đại tự điển) « đóng trong đóng quân... Sự chuyển biến vần từ UY > OI là hiện tượng Hán Việt Việt hóa.
Cuối cùng thì tiên hiển nhiên là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [㒨] hoặc [仙].
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.