Lắt léo chữ nghĩa: Chữ Tây tuy một mà hai

05/08/2018 07:32 GMT+7

Tương truyền trước khi bị hành hình, thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở Tân An và Rạch Giá cuối thế kỷ 19 là Nguyễn Trung Trực đã dõng dạc tuyên bố:

“Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.
Có lẽ xuất phát từ câu nói này của nhà yêu nước mà ta có câu ca dao:
Bao giờ hết cỏ Tháp Mười
Thì dân ta mới hết người đánh Tây
Cũng cái từ Tây đó đã được dùng để chơi chữ trong câu sấm:
Bao giờ lúa mọc trên chì
Voi đi trên giấy, hết kỳ thầy tăng
Thầy tăng nói lái thì thành thằng Tây. Tây ở đây đương nhiên là Pháp nhưng cũng đương nhiên chẳng có liên quan gì về từ nguyên với Tây trong Phương Tây hiện nay.
Trong một lần đến thăm, nhân nói chuyện về chữ nghĩa, TS Hoàng Dũng (Trường đại học Sư phạm TP.HCM) có nêu một vấn đề rất hay và dĩ nhiên là rất đúng: Từ Tây dùng để chỉ người Pháp không đồng nhất với Tây trong Phương Tây.
Tây dùng để chỉ người Pháp là hình thức nói tắt từ ba tiếng Pháp Lan Tây [法蘭西], mà Trung Quốc phiên âm bằng tiếng Quan Thoại từ địa danh France. Pháp Lan [法蘭] phiên Fran - còn Tây [西], âm Quan thoại là, thì phiên ce. Tây trong câu ca dao và câu sấm trên kia chính là âm Tây này và như thế thì đây chỉ là một yếu tố vô nghĩa dùng để phiên âm mà thôi. Trong Tây Ban Nha thì Tây cũng là một yếu tố vô nghĩa dùng để phiên âm âm tiết Es - của địa danh España. Vậy, danh từ Tây dùng để chỉ nước Pháp (như Đi Tây của Nhất Linh), người Pháp (lính Tây, ông Tây bà đầm, me Tây), tiếng Pháp (như tiếng Tây bồi), sản vật của Pháp (giày Tây, quần Tây…) vốn chỉ là một âm tiết vô nghĩa. Thậm chí trong thời Pháp thuộc, ta còn có cách gọi Tây đen để chỉ những anh lính của quân đội Pháp gốc Phi châu nữa, nhưng xét về từ nguyên thì… cũng chẳng hơn gì “ông Tây bà đầm”.
Cứ như trên thì âm tiết Tây, mà chúng tôi gọi là Tây 1, không có dây mơ rễ má gì với Tây 2 trong những thí dụ dưới đây:
- Tây Hồ là tên một cái hồ lớn ở phía bắc Hà Nội.
- Tây Đô trong lịch sử là tên kinh thành của nhà Hồ ở Thanh Hóa.
- Tây Đô trong Nam là TP.Cần Thơ.
- Tây Trúc là tiếng gọi chung nước Ấn Độ, vốn là nước Thiên Trúc nhưng vì ở phía tây của Trung Quốc nên được gọi là Tây Trúc.
- Tây Âu là phần phía tây
của châu Âu, phân biệt với Bắc Âu, Trung Âu, Đông Âu và Nam Âu.
- Phương Tây hiện nay là một vùng cực kỳ rộng lớn trên thế giới, bao gồm các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), Canada, Mỹ, Úc, New Zealand (có quan niệm cho rằng cả châu Mỹ Latin nữa).
Cá biệt là hiện nay TP.HCM đang có Phố Tây thì Tây ở đây là Tây 2 chứ không còn là Tây 1 như thời còn mồ ma của thực dân Pháp nữa.
Nhiều thượng đế của ngôn ngữ, tức người nói (speaker, sujet parlant) vẫn mặc nhiên cho rằng Tây 1 Tây 2 chỉ là một. Đây là cảm thức tự nhiên - mà cũng là quyền - của họ, nhưng xét theo từ nguyên thì lại hoàn toàn không phải như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.