Lắt léo chữ nghĩa: 'Chân' trong 'tay chân' là từ Việt gốc Hán

15/03/2020 06:33 GMT+7

Từ chân của tiếng Việt là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [顛], mà âm Hán Việt hiện hành là điên ... chính là nguyên từ của chân trong tay chân .

Trong một vài kỳ gần đây, chúng tôi có nhấn mạnh rằng “không phải bao giờ đẳng thức ngữ nghĩa tuyệt đối cũng có thể là cơ sở để khẳng định mối quan hệ về nguồn gốc giữa nguyên từ và từ phái sinh” rồi về mặt ngữ âm thì J.Vendryes từng cảnh báo rằng “Tous les sosies ne sont pas des parents” (Không phải những kẻ giống hệt nhau đều là họ hàng [với nhau]).
Kỳ này, xin chứng minh về từ nguyên của từ chân trong tay chân để củng cố cho lời khẳng định trên đây.
Henri Maspéro là một trong những người đầu tiên khẳng định rằng chân là một từ gốc Môn - Khmer. Trong một thiên nghiên cứu hồi đầu thế kỷ 20, tại bảng “Mots d’origine mon-khmer”, ông đã so sánh chân của tiếng Việt với ǰơṅ (sẽ ghi theo kiểu chữ quốc ngữ là chơng cho tiện) của tiếng Khmer để khẳng định nguồn gốc Môn - Khmer của từ chân (Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite, Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoi, 1912, p.28). Maspéro đã sai vì ông chỉ trông mặt mà bắt hình dong. Thực ra thì trong tiếng Khmer (Khm.), chơng lại là một từ gốc Sanskrit (Sk.):
- Sk. jaṅghā, chân > Khm. chơng, cùng nghĩa.
Điều này hoàn toàn đúng với luật chuyển hóa ngữ âm từ nguyên từ của tiếng Sanskrit sang từ phái sinh trong tiếng Khmer, tức Sk. j > Khm. ch, như:
- Sk. jaya, thắng lợi, chiến thắng > Khm. chây, cùng nghĩa;
- Sk. jarat, già > Khm. chắs, cùng nghĩa;
- Sk. ja, sinh ra từ, xuất thân, xuất xứ từ... > Khm. chia, có nghĩa là “là”;
- Sk. jāta, loại, hạng; dân tộc >Khm. chiêt, chất liệu; dân tộc, quốc gia;
- Sk. jāla, lưới; dò (bẫy) > Khm. chial, cái sọt;
- Sk. jīva, đời sống, cuộc đời > Khm. chip, cuộc sống.
Trở lên là dẫn chứng về phụ âm đầu. Về phụ âm cuối thì hiển nhiên là hai bên như nhau, đều là [ŋ]. Còn về nguyên âm thì Sk.a thường chuyển thành a, ia/iê, trong tiếng Khmer nhưng vẫn có ngoại lệ (như ở trường hợp này). Vậy chơng của tiếng Khmer chính là sự phản chiếu âm tiết jan - trong từ janghā của tiếng Sanskrit. Còn âm tiết - ghā thì bị lược bỏ. Đây là một hiện tượng thông thường trong sự vay mượn từ tiếng Sanskrit sang tiếng Khmer.
Bây giờ xin nói về từ chân của tiếng Việt. Đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [顛], mà âm Hán Việt hiện hành là điên, có nghĩa là chóp, đỉnh, chỗ cao nhất, đỉnh đầu. Nhưng điên còn có nghĩa là “gốc cây” nữa, chẳng hạn trong điên mạt [顛末], là “gốc ngọn” (mạt là ngọn), đồng nghĩa với bản mạt [本末]. Gốc cây dĩ nhiên là phần chân của cây (đối với ngọn là phần đầu). Điên [顛] lại là một chữ hình thanh mà thanh phù lại là chân [真]. Với thanh phù chân và cái nghĩa “gốc” (chân), ta buộc phải thừa nhận rằng điên [顛] chính là nguyên từ của chân trong tay chân.
Một đằng thì có gốc Sanskrit, một đằng lại có gốc Hán. Vậy thì về mặt từ nguyên, chân của tiếng Việt chẳng có dây mơ rễ má gì với chơng của tiếng Khmer.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.