Làng nghề nghèo nàn thiết kế

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
02/08/2019 06:05 GMT+7

Trong khi thiết kế là linh hồn của sản phẩm, thì các làng nghề lại đang yếu trong việc chủ động khâu này.

Gánh nặng của nghệ nhân

Nhiều nhà thiết kế sẵn sàng tham gia để đẩy mạnh tinh thần dân tộc, giúp mẫu mã cho các làng nghề. Họ muốn xây dựng những giá trị quan trọng hơn là tiền công 15 - 20 triệu đồng/mẫu thiết kế.

Ông Nguyễn Huy Biển (giảng viên Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội)

Bà Nguyễn Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng gốm sứ, thỉnh thoảng lại ghé về làng nghề tranh Đông Hồ. Ở đó có những nghệ nhân làm tranh hoặc làm con giống bột. Không đi một mình, bà còn đưa theo sinh viên Trường đại học Mỹ thuật. “Chúng tôi cùng thảo luận về nhu cầu thị trường và cách nặn những mẫu con giống bột mới. Chẳng hạn, Tết âm lịch vừa rồi, có mẫu mới là bộ tam đa. Mẫu bé thôi, nhưng nhiều người yêu thích. Sản phẩm bán rất tốt”, bà Hòa nói. Nếu không có những thảo luận đó, nghệ nhân dù rất giỏi vẫn lúng túng không biết nên sản xuất mẫu gì.
Cũng trong vụ tết năm ngoái, bà Hòa bán rất mạnh sản phẩm lợn gốm. Đây là một sản phẩm “lai”, vừa có dáng của những chú lợn âm dương trong tranh dân gian cổ phía bắc, lại vừa có màu men gốm Biên Hòa. Chính vì thế, cả ở bắc - nam, lợn gốm này đều bán rất chạy, thậm chí những ngày sát tết còn không đủ hàng bán do chưa sản xuất kịp. “Gốm Biên Hòa mấy năm nay phát triển mạnh, đó là nhờ mẫu mã sản phẩm tốt, mặc dù men không bằng thời hoàng kim. Sản phẩm gốm, đồ trang trí, lọ hoa, chậu cây... xuất khẩu cũng tốt”, bà Hòa cho biết.
Hiện tại, việc thiết kế mẫu ở làng nghề chủ yếu nằm trong tay nghệ nhân. Trong khi đó, khả năng thiết kế của họ lại đang có vấn đề. Theo bà Hòa, chủ yếu nghệ nhân làm công việc thiết kế mẫu luôn cho làng nghề. Do đó, tuổi thọ các mẫu thường ngắn và các sản phẩm không nổi trội về thiết kế.

Mẫu lợn gốm Biên Hòa bán rất chạy trong Tết Nguyên đán 2019 vừa qua

Ảnh: NVCC

Với tiềm năng làng nghề đông đảo như hiện nay thì lẽ ra số lượng thiết kế tốt phải nhiều, nhưng thực tế lại chưa được như mong muốn, đó là ý kiến của ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL). Những mẫu thiết kế từ làng nghề dự thi Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm nay (do Bộ VH-TT-DL chỉ đạo, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm chủ trì, định kỳ 5 năm một lần) cho thấy điều đó. Triển lãm lần thứ 4 (2014 - 2019) dự kiến khai mạc vào giữa tháng 9.2019 tại Bảo tàng Hà Nội và diễn ra trong vòng 1 tháng. Nhưng hiện tại, ở thời điểm này, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm cho biết lượng mẫu thiết kế từ các làng nghề còn rất ít so với kỳ vọng. “Làng nghề của mình sản xuất theo mẫu mã đặt hàng của nước ngoài. Khi mình cần các sản phẩm mới của riêng mình, của VN sáng tạo, thì là khó khăn cho họ, vì họ quá quen làm theo đơn hàng nước ngoài”, ông Vi Kiến Thành nói.

Kết nối nhà thiết kế - làng nghề

Nhà thiết kế Phạm Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Vạn Bảo Ngọc (Ninh Bình), cho biết sự nghèo nàn của các thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ khiến ông rất khó khăn khi tuyển hàng từ làng nghề. “Khi mở gian hàng thủ công mỹ nghệ, tôi gần như chưa chọn được sản phẩm làng nghề nào để kinh doanh và phục vụ khách. Lý do cơ bản là các mẫu đã cũ và nhàm chán. Từ đó, chỉ còn có 10 - 15% là khả thi cho việc bán - mua”, ông Ngọc cho biết.
Theo ông Ngọc, sự tụt hậu của làng nghề là do thiếu sáng tạo mẫu mã, vì thế, thúc đẩy sáng tạo là cực kỳ cần thiết. “Chúng tôi cũng có những trại sáng tác điêu khắc ở Ninh Bình. Nghệ sĩ là những nhà điêu khắc có tên tuổi, được đào tạo bài bản, và cả giảng viên các trường đại học mỹ thuật nữa. Nghệ nhân làng đá Ninh Vân có thể đến xem. Nó định hình lên tư duy sáng tạo cho đội ngũ sáng tạo làng nghề. Hy vọng sau cuộc chơi sẽ có những luồng sản phẩm mới ở Ninh Vân”, ông cho biết.
Theo bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, nhà nước cần có những kết nối thúc đẩy phát triển thiết kế cho làng nghề. “Thiết kế là linh hồn sản phẩm. Hàng thủ công mỹ nghệ cũng như thời trang, cần có mẫu mới liên tục, trong khi làng nghề đang yếu thiết kế. Chúng tôi không có nguồn hỗ trợ điều này, hoặc cũng có khi có nguồn đào tạo hỗ trợ nhưng lại không đủ trình độ để theo, như dự án với Hội đồng Anh, vì phải am hiểu công nghệ”, bà Hà Thị nói.
Về băn khoăn của bà Vinh, ông Nguyễn Huy Biển, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, cũng chia sẻ kinh nghiệm làm việc với các xưởng sản xuất của mình. Ông là người tham gia dự án kết nối các xưởng sản xuất và các nhà thiết kế do UNESCO thực hiện. Theo đó, nhà thiết kế tìm hiểu kỹ thuật nghề như nhựa, giấy, gỗ và cùng sáng tạo các mẫu tác phẩm nghệ thuật, mẫu thiết kế công nghiệp. “Nếu nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì mạng lưới nhiều nhà thiết kế sẽ tham gia vào quá trình này để hỗ trợ các làng nghề được”, ông Biển nêu ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.