Làng cũ nghề xưa: 300 năm đỏ lửa bên sông Trà

14/12/2015 06:10 GMT+7

Huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) là cái nôi sinh ra mười mấy vị tướng. Riêng xã Tịnh Minh ven sông Trà Khúc hiền hòa này có đến bốn ông tướng: Phạm Kiệt, Huỳnh Kim, Phạm Luận và Phạm Nam Tào. Vùng đất này còn nổi tiếng với làng rèn đã 300 năm.

Huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) là cái nôi sinh ra mười mấy vị tướng. Riêng xã Tịnh Minh ven sông Trà Khúc hiền hòa này có đến bốn ông tướng: Phạm Kiệt, Huỳnh Kim, Phạm Luận và Phạm Nam Tào. Vùng đất này còn nổi tiếng với làng rèn đã 300 năm.

Ông Nguyễn Đình Thân miệt mài rèn liềm - Ảnh: Phạm AnhÔng Nguyễn Đình Thân miệt mài rèn liềm - Ảnh: Phạm Anh
Đi đâu cũng nhớ lò rèn
Mới đến đầu làng Lò Rèn đã nghe mùi nồng nồng của than không lẫn vào đâu được. Khắp làng vang lên tiếng chan chát của búa, đe; tiếng xè xè của máy tiện, máy cắt sắt. Đặc biệt, từ đầu đến cuối làng này lại không hề thấy bảng hiệu xanh, đỏ như các nơi khác, dù lò rèn có hoành tráng cỡ nào. “Mấy trăm năm nay vậy mà. Ai tới mua hàng thì cứ nhìn tên khắc trên sản phẩm mà tìm đến”, ông Nguyễn Hoàng (74 tuổi) nói. Người Lò Rèn khắc tên lên sản phẩm mình làm ra, xưa thì gươm, đao, giáo, sau này là nông cụ cầm tay như dao, rựa, liềm, cuốc, cày, xẻng... Đó là sự khác biệt với những nơi khác.
Theo ông Nguyễn Hoàng, cách khắc tên trên có thể lưu truyền từ thời ông tổ truyền nghề, cũng là người khai phá ra vùng đất này. Đưa tôi lên một ngôi mộ tổ của dòng họ Nguyễn có tên Nguyễn Công Sơn, ông Hoàng giải thích: Tên thật cụ tổ là Đinh Khắc Nhơn, từ phía bắc vào, đến đất này mai danh ẩn tích đổi thành Nguyễn Khắc Nhơn rồi sau đó là Nguyễn Công Sơn và truyền nghề rèn, đến giờ đã 300 năm. Sở dĩ, cụ tổ họ Nguyễn chọn ở đây sống và truyền nghề vì đất này xưa vốn là rừng âm u, lại nằm bên tả ngạn sông Trà quanh năm đầy nước, rất hợp với nghề rèn. Phía hạ lưu thuở xưa lại có thương cảng Thu Xà sầm uất, rất thuận lợi cho việc mua bán các sản phẩm rèn theo đường sông. “Bây giờ đổi thành xóm 6, thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh (H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), nhưng đi đâu về đâu, con cháu cũng nhớ làng Lò Rèn”, ông Hoàng nói.
Làng Lò Rèn sản xuất 70 - 80 mặt hàng, cung cấp sản phẩm khắp miền xuôi ngược trong tỉnh và vào tận vùng nam Trung bộ, Tây nguyên. Bà Đào Thị Chu (84 tuổi) kể, các bậc tiền hiền trong làng bán đồ rèn bằng cách gánh đi dạo khắp nơi. Đến thế hệ bà Chu cũng tiếp nối theo cách bán hàng này. Hồi đó, gánh nặng trĩu vài chục cân, một mình gánh đi bán hàng chục cây số ở H.Bình Sơn, Đức Phổ, thậm chí hàng trăm cây số bán cho đồng bào Kor ở H.Trà Bồng, đồng bào Hrê ở H.Ba Tơ, H.Sơn Hà, ít thì 3 ngày, dài có khi cả tuần mới về nhà được.
Dân làng rèn có rất nhiều bài vè, dân ca nói về nghề mình. Chẳng hạn như vè chuyện anh kia chữ thì không biết nhưng sửa soạn quần áo đi hát khiến chị em mê tít thò lò: Làm rèn áo bận không đinh/đi ra hát hố, phố hàng vinh nào cũng không bằng. Đặc biệt, lời rao bán hàng cũng có vần, có điệu như câu rao của bà Đào Thị Cài: “Ai mua đục, mua chàn, mua dao bàn xắc củ, mua cày, mua cuốc gì không?”.
Những người giữ lửa
“Nghề này là nghề... ngồi vô có tiền, mỗi ngày kiếm chỉ vàng là chuyện thường. Đố ai làm ruộng được vậy nên các vùng khác gọi làng rèn này là “Đồng Có” (nay vẫn còn chợ Đồng Có). Nghĩa là nơi giàu có, có của ăn của để”, ông Nguyễn Đình Thân (67 tuổi) tiết lộ. Ngày còn sức khỏe, ông Thân nổi tiếng làng rèn. Có ngày ông làm 50 cái búa bửa củi, hay 150 búa đóng đinh, hoặc 50 cái rựa, 50 lưỡi cuốc. Dù làm thủ công lắm nỗi nhọc nhằn nhưng thợ rèn luôn đủ ăn, đủ mặc.
Làng rèn mấy trăm năm nay đều theo cha truyền con nối, cứ nhà này rèn lưỡi liềm, nhà kia làm búa bửa củi, làm kéo, làm lưỡi cày, dao cạo... Chính vì vậy, mỗi nhà có một bí quyết riêng để sản xuất nông cụ cầm tay, hay thuở trước là rèn đao bền, kiếm sắc, sử dụng nổi tiếng một vùng. Ông Hoàng nói, như gia đình ông chuyên làm lưỡi kéo. Trước có mấy người quê tỉnh Thái Bình, Hải Dương vào đặt rèn kéo để về hái nhãn, vải. Sau thấy giá hơi đắt nên đưa người vào học nghề để về xứ tự rèn cho rẻ. “Một thời gian sau, mấy người này lại vô đặt rèn kéo. Tui hỏi sao, họ nói là học vậy mà rèn miết hổng được”.
Quảng Ngãi có nhiều làng nghề sầm uất, rồi sau cũng lụi tàn. Thế nhưng nghề rèn 300 năm bên dòng Trà Giang này chỉ tạm lắng một thời sau khi hợp tác xã nghề rèn ở đây làm ăn không hiệu quả, rồi vực dậy và tồn tại mãi đến hôm nay. Ông Nguyễn Tòng (55 tuổi), người nối dõi nghề cha ông để lại cho hay: Hiện có khoảng 65 hộ sống bằng nghề rèn. Những hộ thu nhập khá kiếm 500.000 - 600.000 đồng/ngày, còn hộ ít hơn là trên dưới 300.000 đồng/ngày. Cá biệt như gia đình ông Lưu Kim Hải, mỗi ngày làm trên dưới 20 cái dao, thu về từ 1,2 - 1,4 triệu đồng. Cái khác biệt lớn nhất giữa thợ rèn xưa và nay rất rõ: xưa làm thủ công, nay thì những việc nặng nhọc như tiện, cắt, dập, mài... nhờ máy móc làm thay tất cả. “Cái thời cha quai búa, con quạt mát sau lưng rồi ngủ gục, bị cha đánh đòn đã qua rồi”, ông Nguyễn Hoàng nói.
Theo ông Đoàn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tịnh Minh, làng rèn mỗi năm làm ra 200.000 - 300.000 sản phẩm các loại, chủ yếu là nông cụ sản xuất cầm tay, tiêu thụ khắp nơi, có thu nhập 6 tỉ đồng/năm. Ngày 27.8.2014, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định công nhận làng rèn Tịnh Minh là làng nghề truyền thống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.