Làng

12/02/2017 10:25 GMT+7

Buổi sáng ở làng, tôi lại nhớ bài Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh, áng văn tuyệt tác xuyên qua những dấu mốc thời gian cuộc đời, khi bước chân ra đồng trên con đường làng, hai bên còn đọng những giọt sương mai. Ánh hồng rạng lên ở chân trời.

Khi nhìn màu sắc của rạng đông bừng lên, nhiều người có kinh nghiệm sẽ biết ấy là ngày biển động cá hay buổi chiều có mưa giông. Để rồi hôm sau đó, họ giục những người phụ nữ ra chợ mua về những mớ cá nục, cá trích phơi cho được nắng; hay dặn dò con cháu canh chừng những thứ phơi phóng trước sân, đem vào nhà buổi trưa kẻo bị ướt trước khi ra đồng cày cấy.
Nhưng điều đọng lại lâu nhất trong ký ức ở làng trong tôi là tiếng gà gáy sớm. Bắt đầu là một chú trống oai dũng thức giấc, cất tiếng gáy điểm canh ba. Rồi tiếng gáy rộ lên một chặp bởi rất nhiều con gà khác, người dân quê tôi gọi đó là gà gáy đi. Những người phụ nữ đi chợ xa bắt đầu lục tục trở dậy, với những sản vật sắp vào những đôi quang gánh có đôi gióng mây và chiếc đòn gánh tre lên nước bóng loáng. Lót dạ một nắm xôi nhỏ hay một chén cơm, để khi nghe một hồi gà gáy khác râm ran hơn, gọi là gà gáy lại, họ í ới gọi nhau bước ra đường. Với những bước chân nhịp nhàng, khi đến nơi họ vừa kịp buổi chợ sớm. Một người bạn của tôi, ở một ngôi làng chuyên nghề dệt chiếu thuộc vùng đồng bằng Quảng Trị, đã viết những dòng về buổi chợ sớm của những người phụ nữ như một hồi ức đau đáu: “Trên những con đường mặt trời mọc mỗi ngày. Người đàn bà gánh chiếu ra đi. Gánh mòn vai một lời hò hẹn. Chàng trai ấy giờ trên đỉnh Trường Sơn mây trắng. Hóa tiếng chim cất tiếng gọi một người!” (Chị tôi - trích trong tập Khúc hát tình tang, thơ Nguyễn Tiến Đạt).
Quả thực, những người ra đi miệt mài mưu sinh nơi đâu cũng nhớ về làng với những kỷ niệm đẹp. Mỗi đầu năm, chọn một ngày để những người đồng hương ở nơi xa xứ sum họp vui vầy, họ lại ân cần hỏi nhau rằng “làng mình bây giờ ra sao?”. Rồi râm ran với những sản vật quê hương, rồi trọ trẹ với những từ ngữ đặc sệt chất quê nhà, nhất là với những cư dân miền Trung. Trong những câu nói ấy, nếu một người khác xứ lạc vào, họ khó có thể nghe trọn câu. Vì vậy, khi là dâu rể nơi khác, đến với cuộc họp mặt đầu năm, đều phải nhờ người chồng, người vợ của mình “phiên dịch” lại. Để trong loáng thoáng những câu được câu mất ấy, họ sẽ cảm nhận được những tầng vỉa văn hóa của làng, của xã đã lan tỏa đi muôn hướng.
Nhưng có một điều chắc chắn, khi đã gắn kết với một người nào đó ở một làng quê xa xôi, những người khác xứ không chỉ cảm nhận bằng ngôn ngữ mà sẽ thấu suốt hết mọi lẽ, bởi xuất phát của những người con hiện diện trong buổi họp mặt đầu năm ấy, là chính ngay ở làng. Vì lẽ đó, tôi nghĩ mọi làng quê trên đất Việt này, khi đã yêu thương thì hẳn nhiên khó có sự khác biệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.