Lần đầu triển lãm về cải cách ruộng đất

09/09/2014 05:55 GMT+7

“Với lịch sử hơn 60 năm thì tổ chức triển lãm này dù quá muộn cũng là dám làm”, tiến sĩ sử học Lê Thị Quỳnh Nga nói về trưng bày chuyên đề Cải cách ruộng đất .

“Với lịch sử hơn 60 năm thì tổ chức triển lãm này dù quá muộn cũng là dám làm”, tiến sĩ sử học Lê Thị Quỳnh Nga nói về trưng bày chuyên đề Cải cách ruộng đất.

Cảnh tương phản giữa nhà địa chủ (ảnh trên) và nông dân - Ảnh: Ngọc Thắng

Cảnh tương phản giữa nhà địa chủ (ảnh trên) và nông dân - 2
Cảnh tương phản giữa nhà địa chủ (ảnh trên) và nông dân - Ảnh: Ngọc Thắng 

Những món đồ đẹp trang nhã và tinh tế tái hiện một không gian sinh hoạt của nhà địa chủ. Đôi hạc đồng, mâm đồng chạm, chiếc lò sưởi, hoành phi điệp màu cùng câu đối, sập gụ, giày nhung, gối xếp, gấm vóc lụa là. Tấm áo dài nữ hai lớp, chỉ thêu vàng óng. Tấm áo nam còn quý hơn, được may bằng gấm dệt hoa như thêu. “Kỹ thuật dệt thêu này hiện giờ đã không còn”, một nhà thiết kế tại TP.HCM cho biết.

 

Chúng tôi không coi đó là một vết thương mà coi đó là bài học xương máu trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng dân chủ. Bên cạnh đó chúng ta sử dụng tư liệu của Đảng, Bác Hồ khi sửa sai. Chứ chúng tôi không coi đó là một vấn đề chính trong trưng bày để xoáy sâu vào mất mát hay tổn thất gì. Cái đó Đảng ta đánh giá rồi

Ông Nguyễn Văn Cường,
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Ký ức vàng son của nhà địa chủ trước cải cách ruộng đất được đặt cạnh một ký ức đói khổ của bần cố nông với áo bông vá đụp, gian nhà xơ xác. Chiếc roi của địa chủ đánh nông dân. Sổ thu thóc. Thẻ thuế thân… Đối lập hình ảnh dường như là ý đồ của nhà tổ chức trưng bày chuyên đề Cải cách ruộng đất tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khai mạc sáng 8.9 tại 1 Tràng Tiền, Hà Nội.

Không giống như hình dung của nhiều người, cuộc triển lãm “nhạy cảm” này đã không gặp khó khăn khi thực hiện. “Bài học của cải cách ruộng đất vẫn là kinh nghiệm quý báu với công cuộc bảo vệ đất nước, với nông dân nông nghiệp nông thôn. Nên dù là lần đầu tiên nhưng khi tiến hành làm thì luôn nhận được hợp tác của cơ quan hữu quan, tài liệu hiện vật”, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết. Trên thực tế, hiện vật từ nhiều bảo tàng trong nước, tư liệu ảnh của Thông tấn xã VN đã hội tụ về triển lãm này.

Nhìn thẳng vào sự thật

Điều đáng tiếc mà nhiều người xem chia sẻ là triển lãm thiếu đi những câu chuyện cụ thể, với sự chia sẻ của các nhân chứng cụ thể. Bởi một triển lãm về đề tài lịch sử có thể là gì nếu không kể câu chuyện về những phận người? Về điều này, ông Cường cho rằng đúng là có những gia đình chịu thiệt thòi trong cải cách, bản thân bảo tàng cũng có nhiều tư liệu về vấn đề đó nhưng “đó chỉ là nguồn tham khảo thôi chứ không thể mang ra khai thác và đưa ra công chúng”. “Chúng tôi chỉ chọn những gì tích cực nhất mà cải cách mang lại”, ông Cường nói.

“Chúng tôi không coi đó là một vết thương mà coi đó là bài học xương máu trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng dân chủ. Bên cạnh đó, chúng ta sử dụng tư liệu của Đảng, Bác Hồ khi sửa sai. Chứ chúng tôi không coi đó là một vấn đề chính trong trưng bày để xoáy sâu vào mất mát hay tổn thất gì. Cái đó Đảng ta đánh giá rồi”, ông Cường nói.

Về điều này, TS Lê Thị Quỳnh Nga cho rằng, lựa chọn ra sao cuối cùng vẫn dựa vào thiết kế trưng bày của bảo tàng, phụ thuộc mục tiêu mà bảo tàng đặt ra. Bà Nga - người đã nhận giải thưởng Phạm Thận Duật cho luận án tiến sĩ sử học xuất sắc nhất năm, với đề tài “Quá trình thực hiện chủ trương cách mạng ruộng đất của Đảng ở tỉnh Thanh Hóa (1945 - 1957)” - cho biết thêm, hồi năm 1956, Đảng đã có những công bố rất sắc sảo, quyết liệt, nhìn thẳng vào sự thật về những sai lầm trong cải cách ruộng đất. “Tôi đánh giá cao điều đó. Ví dụ Hội nghị Trung ương 10 đánh giá trong cải cách chúng ta đã mắc những sai lầm phổ biến liên tục và kéo dài. Như thế là rất thẳng thắn”, bà Nga nói và cho rằng nếu bám sát tư liệu đó thì triển lãm đã có thể thẳng thắn hơn, đúng với quan điểm của Đảng.

Nhung lụa của nhà địa chủ
Nhung lụa của nhà địa chủ

Một nhà nghiên cứu khác cũng tiếc nuối: “Giá như trong phần sửa sai, triển lãm có bày bức ảnh Cụ Hồ khóc”. Bức ảnh đó, sự dũng cảm xen lẫn nỗi đau đó của Bác, của Đảng đã chạm vào trái tim nhiều người.

133 hiện vật tại triển lãm

Triển lãm có 133 hiện vật, chia làm 4 phần. Phần đời sống trước Cải cách ruộng đất có tới 45 hiện vật.

Phần Cải cách ruộng đất có 18 hiện vật, tư liệu ảnh của Thông tấn xã nổi trội. Có niềm vui của người nông dân hăng hái ủng hộ chính sách cải cách ruộng đất. Có cảnh quán triệt chủ trương với công nhân. Kèm theo đó là nhiều văn bản liên quan như đơn xin hiến đất, thống kê tình hình tài sản tịch thu, cùng các bản tin liên quan đến công cuộc cải cách này.

Phần Sai lầm và sửa sai lầm trong cải cách ruộng đất chiếm số hiện vật không nhiều - chỉ có 6. Phần trưng bày cuối về Hoàn thành thắng lợi cải cách ruộng đất với 34 hiện vật, trong đó có tư liệu ảnh nhân dân cắm thẻ nhận ruộng, nông dân vui sướng đốt văn tự cũ...

Trinh Nguyễn

>> Triển lãm về cải cách ruộng đất
>> Nông dân tích tụ ruộng đất
>> Tích tụ ruộng đất và bốn hạn chế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.