Lần đầu công bố tác phẩm Lam Phương viết về Kiều

Dạ Ly
Dạ Ly
31/03/2018 07:09 GMT+7

Những ai yêu nhạc Lam Phương hẳn sẽ giật mình khi biết thông tin ông đã viết cả một trường ca dành cho thân phận và nhan sắc của Thúy Kiều...

Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa cấp phép 9 tác phẩm của nhạc sĩ Lam Phương, trong đó có 5 ca khúc chưa từng công bố ở hải ngoại lẫn VN: Gương liệt nữ, Giọt nước mắt đầu tiên, Tình quên đường về, Nàng tiên của anh, Trước lầu Ngưng Bích, đặc biệt có trường ca viết về Kiều.
Khi nhạc sĩ Lam Phương... thổn thức về Kiều
Những ai yêu nhạc Lam Phương hẳn sẽ giật mình khi biết thông tin ông đã viết cả một trường ca dành cho thân phận và nhan sắc của Thúy Kiều (nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du). Kể về lý do công bố 2 tác phẩm Trước lầu Ngưng Bích Tu là cõi phúc - Tình là dây oan, nhạc sĩ tâm sự: “Thể loại nhạc trong 2 ca khúc về Kiều tôi viết như trường ca, mỗi bài gồm 5 trang nhạc, thích hợp cả cho dựng hoạt cảnh sân khấu... Các tác phẩm lần này phần lớn đều lần đầu tiên công bố thông qua Bến Thành Audio Video (đơn vị độc quyền nhạc Lam Phương tại VN - NV) xin cấp phép và phổ biến. Đây còn là dịp để đáp lại sự mến mộ của khán thính giả và sự quý mến Hãng đĩa Bến Thành, cũng như tháng 3.2018 là kỷ niệm sinh nhật lần thứ 81 của tôi. Các tác phẩm này tôi sáng tác cách đây 20 năm (giai đoạn 1997 - 1998) xin gửi tặng khán giả”.
Bởi quá mới và lần đầu được công bố nên chưa ai có thể hình dung được ông viết gì về Kiều và phổ nhạc như thế nào. Bến Thành Audio Video đã dành hàng tháng trời để làm nhạc gửi đến Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) và xin cấp phép. Ông Phạm Quốc Thành (Giám đốc Bến Thành Audio Video) cho biết thêm: “Trường ca Kiều có đoạn: Nàng là một đóa hoa tuyệt vời - Khuynh thành đổ nước như chơi - Cầm kỳ thi họa nào ai sánh bằng - Hoa còn thua thắm hờn ghen - Liễu trên cành xanh mướt cũng ghen…”.
Sau thời gian nghiên cứu, Cục NTBD đã có Giấy phép số 133/GP-NTBD ký ngày 28.3.2018 cho phép phổ biến 2 tác phẩm về Kiều. Bên cạnh đó là các ca khúc khác của ông: Gương liệt nữ, Giọt nước mắt đầu tiên (sáng tác 1997), Tình quên đường về, Nàng tiên của anh (1998), Tuổi mơ (1995).
Về các tác phẩm mới, nhạc sĩ Lam Phương tiết lộ thêm, vì muốn lưu giữ nét văn hóa, truyền thống hào hùng của người VN, nhất là cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại, nên ông sáng tác Gương liệt nữ (nói về tích Hòn Vọng Phu và Hai Bà Trưng).
17 năm nhớ mẹ
Trước 7 tác phẩm trên, Cục NTBD đã đồng ý cho 2 ca khúc viết về mẹ của Lam Phương là Khóc mẹTạ ơn mẹ được phổ biến. Nhạc sĩ thổ lộ rằng ông luôn đau đáu nỗi nhớ về mẹ. Rồi ông kể, năm 1979 khi đang ở Pháp trong tâm trạng rất buồn do vừa chia tay vợ, nhạc sĩ lại nhận hung tin mẹ mất ở quê nhà. “Vậy là với cây đàn guitar trong tay, một mình cô đơn nơi quán cà phê ở Pháp và trong niềm tiếc thương mẹ vô hạn, tôi đã sáng tác Khóc mẹ. 17 năm sau (năm 1996), nỗi nhớ ấy vẫn còn mãi. Tôi lúc nào cũng nhớ đến mẹ hiền nên đã ngồi viết Tạ ơn mẹ để tưởng nhớ bà”, ông kể. Nhạc sĩ Lam Phương cho biết, nếu sức khỏe cho phép, ông rất mong muốn được một lần về thăm quê hương, thăm mộ mẹ, và đặc biệt được gặp khán giả trong nước. Đó là niềm khao khát của ông.
Ông cũng đồng ý cho phép Bến Thành Audio Video độc quyền phỏng vấn và quay hình mình tại Mỹ để phục vụ các đêm diễn phổ biến tác phẩm mới (nếu vì sức khỏe mà ông không thể về được VN). Từ mong muốn của nhạc sĩ Lam Phương, ông Phạm Quốc Thành nói thêm: “Bến Thành Audio Video đang lên kế hoạch tổ chức những đêm nhạc nhằm giới thiệu các tác phẩm mới của nhạc sĩ đến với công chúng, những khán giả yêu nhạc Lam Phương trên khắp cả nước”.
“Đây là giai đoạn thật trùng hợp khi tại VN đang có một số đơn vị, nghệ sĩ muốn thực hiện các chương trình, múa, phim… liên quan đến Kiều nên các tác phẩm của nhạc sĩ Lam Phương vừa công bố rất ý nghĩa. Tôi nghĩ thông qua tác phẩm của ông, chúng ta cần dựng sân khấu, bối cảnh, diễn viên diễn xuất, ca hát… đúng chất Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Chúng tôi rất mong muốn cùng cộng tác tổ chức biểu diễn với các đối tác để phổ biến rộng rãi hơn các tác phẩm mới của nhạc sĩ, nhất là 2 tác phẩm về Kiều”.
Ông Phạm Quốc Thành (Giám đốc Bến Thành Audio Video)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.