Làm phim thương mại mãi sẽ ngán!

18/04/2012 09:22 GMT+7

Chính thức phát hành trên cả nước vào dịp lễ 30.4, bộ phim truyện “Cưới ngay kẻo lỡ” (Chánh Phương phim và Cty Galaxy sản xuất) với đạo diễn Charlie Nguyễn, quy tụ nhiều diễn viên “ăn khách” như John Trí Nguyễn, Thái Hòa, Hoàng Phúc, Đinh Ngọc Diệp cùng với NSƯT Chánh Tín, NSƯT Minh Đức, Diễm My...

Chính thức phát hành trên cả nước vào dịp lễ 30.4, bộ phim truyện “Cưới ngay kẻo lỡ” (Chánh Phương phim và Cty Galaxy sản xuất) với đạo diễn Charlie Nguyễn, quy tụ nhiều diễn viên “ăn khách” như John Trí Nguyễn, Thái Hòa, Hoàng Phúc, Đinh Ngọc Diệp cùng với NSƯT Chánh Tín, NSƯT Minh Đức, Diễm My...

 

“Cưới ngay kẻo lỡ” (ảnh) là dạng phim hài - tình cảm. Gây cười cho khán giả từ đầu đến cuối bằng những câu thoại “gây hấn”, nhiều tình huống éo le và cả những tình tiết chọc cười có phần dễ dãi, “Cưới ngay kẻo lỡ” mang đậm chất giải trí như những phim thương mại khác. Phóng viên LĐ phỏng vấn đạo diễn Charlie Nguyễn.

Anh từng nói “Long ruồi” đánh dấu sự xuống dốc trong sự nghiệp của mình, vậy “Cưới ngay kẻo lỡ” so với “Long ruồi” như thế nào?

- So với “Long ruồi”, phim này làm tôi hài lòng hơn nhiều. Những mảng miếng hài không chỉ tập trung vào một mình Thái Hòa như ở “Để mai tính”, mà các nhân vật kể cả nhân vật phụ dù xuất hiện ít cũng mang lại cho khán giả tiếng cười. Khi xem phim hài, tôi chỉ thích cười từ đầu đến cuối, kể cả những đoạn lắng đọng cảm xúc mà vẫn chêm vào được những miếng hài thì rất khó làm. “Cưới ngay kẻo lỡ” có những đoạn lắng đọng vẫn có tiếng cười... như khi Bích Trâm thú thật với Khánh Linh về thân phận thật của mình... Khi ra mắt phim ở Sài Gòn, nhiều khán giả đã cười ở đoạn này và tiếng cười lan qua làm mất câu thoại kế tiếp...

Giành giải đạo diễn tại Cánh diều 2011 có tạo nhiều áp lực cho anh, khi giờ đây xem bất cứ phim nào của anh, người ta đều “soi” kỹ hơn?

- Áp lực cho những người trong nghề nhìn mình thì nhiều hơn. Phần thưởng cuối cùng thẩm định tác phẩm thuộc về khán giả, mà bây giờ thì phải đợi chiếu xong mới biết.

Cưới ngay kẻo lỡ” “phục vụ” đối tượng khán giả nào, thưa anh?

- Tuổi trẻ từ 16-24 đang yêu đương.

Tức là ngoại trừ những khán giả ở tuổi anh? (Charlie Nguyễn sinh năm 1968)

- Tôi gần như không bao giờ xem dạng phim hài-tình cảm này. Thị trường đầu ra của điện ảnh VN còn quá giới hạn, nhà đầu tư và sản xuất luôn đầu tư cho những dự án phim dành cho độ tuổi 16-24 - khán giả xem phim đông nhất.

Bộ phim còn những điểm nào chưa “đã” khi anh xem lại?

- Có một vài chỗ dựng chưa tốt. Những đoạn lắng đọng, trải cảm xúc bị cắt quá chặt nên phim mất đi sự cân bằng giữa phần hài hước và cảm xúc. Về mặt diễn xuất, nhiều chỗ diễn xuất diễn viên có thể tốt hơn...

Nhìn lại 4 phim điện ảnh đã làm, anh tự đánh giá anh như thế nào?

- Ai cũng cho rằng với tôi “Dòng máu anh hùng” là đẳng cấp nhất, ấn tượng nhất. Điều đó không lạ vì toàn nhóm làm không nghĩ đến vấn đề doanh thu, chỉ nghĩ đây là một cuộc chơi, chơi cho sướng. Nhưng phim xong thì phải cân nhắc giữa nghệ thuật và kinh doanh. 3 phim sau là 3 thể loại khác nhau, không thể so sánh được. “Để mai tính”, “Cưới ngay kẻo lỡ” là dạng hài - tình cảm. “Long ruồi” là phim hài có xen yếu tố hành động, không ăn khách bằng hài-tình cảm. “Cưới ngay kẻo lỡ” có người chê câu chuyện đơn giản quá, nhưng phim hài không cần một câu chuyện phức tạp, chỉ nhân vật là phức tạp, Khánh Linh luôn lưỡng lự để mọi người xung quanh quyết định hộ số phận mình, cuối cùng cô ta phải lớn lên, phải quyết định số phận của mình.

Anh thoả hiệp với nhà sản xuất ở mức độ nào? Anh có định gắn tên tuổi Charlie Nguyễn với những phim nghệ thuật hay chỉ là phim giải trí doanh thu cao?

- Luôn luôn có một sự thoả hiệp, vì nhà sản xuất cần lợi nhuận, doanh thu cao nên muốn làm phim với kinh phí rẻ. “Để mai tính” có 6 tuần quay, “Dòng máu anh hùng” – 3 tháng, còn “Long ruồi”, “ Cưới ngay kẻo lỡ” - có 5 tuần. Thời gian nhanh như gió, không thể làm những gì đạo diễn sướng, mà chỉ tương đối; nếu mình ngoan cố thì chỉ làm đoàn làm phim mệt mỏi. Khi làm phim, xác định thể loại đây là phim thị trường thì nó phải thành công ở góc độ đó. Tên tuổi mình như thế nào không quan trọng.

Còn có lần nói chuyện chơi với nhà sản xuất, họ bảo: Anh muốn làm phim nghệ thuật? OK, cho anh 2 tỉ đồng, 2 tỉ mà làm được gì, vậy thì may ra phải làm 6 phim thương mại thì sẽ có tiền làm phim nghệ thuật. Làm phim thương mại mãi sẽ ngán, thèm làm phim nghệ thuật. Đó cũng là hoài bão của mình, nhưng làm nghệ thuật mà thiếu thốn đủ thứ, lôi cả 100 người vào cuộc chơi mà ai cũng không có tiền thì không thể làm!

- Cảm ơn anh, chúc anh có những phim mới thành công!

Theo Lao Động 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.