Làm người theo ý mình

13/03/2021 07:01 GMT+7

Tôi để ý một câu thơ trong bài Những nhà thơ cổ điển của Hữu Thỉnh : 'làm người theo ý mình'. Thực ra, đó là mong muốn không chỉ của những nhà thơ cổ điển, mà cho mọi nhà thơ, dù cổ điển hay đương đại, dù phương Tây hay phương Đông.

Trước 8.3.2021 vài hôm, tôi gặp Hữu Thỉnh ở Hà Nội. Anh mang cho tôi hai gói trà Chính Thái, nói là trà rất ngon. Tôi hỏi: “Anh có uống trà không mà biết trà ngon?”, Hữu Thỉnh nói, từ khá lâu rồi anh không uống trà vì sợ mất ngủ. Tôi nghĩ: vậy thì chưa chắc trà này đã ngon. Tôi có tính hay hoài nghi, hay vặn lại những đáp số chưa rõ ràng. Tôi đã sai trong trường hợp “trà ngon” của Hữu Thỉnh. Khi về nhà uống, tôi nhận ra trà Chính Thái anh cho ngon thật. Tôi còn nhận ra cả mùi ống tre hun khói mà ngày xưa, khi tôi học giữa vùng trà Thái Nguyên, tôi đã biết cách cất trà trên gác bếp của những người dân vùng trồng chè. Sau khi sao chè xong, họ cho chè mạn vào ống tre, nút lá chuối khô và để trên gác bếp. Cất như thế, trà luôn khô và giữ được hương thơm, giữ được cả mùi ống tre hun khói.
Tôi đọc tập thơ mới của Hữu Thỉnh Ghi chú sau mây (NXB Hội Nhà văn, 2021) và nhận ra ngay “mùi ống tre hun khói”, cái mùi riêng biệt của thơ Hữu Thỉnh mà tôi từng quen qua nhiều năm. Đó là thứ mùi rất khác với mùi nước hoa, nó rất nhà quê, dân dã, nhưng lại âm thầm cất giữ trong ký ức của ta, nếu ta quen với cái mùi thật bình dị và luôn khác biệt ấy.
Hữu Thỉnh làm thơ, có thơ đăng báo, có thơ được giải thưởng, tới nay có lẽ đã ngót 60 năm. Cái ngày xưa ấy, khi lần đầu tôi gặp Hữu Thỉnh ở nhà Trúc Thông, anh là một người lính thật bình dị. Chúng tôi đã nói chuyện thơ với nhau, cùng Trúc Thông chủ nhà, nói cả buổi mà chẳng ăn gì, cũng không uống gì, kể cả chè mạn gác bếp có mùi ống tre hun khói. Hồi ấy chúng tôi nghèo lắm, chỉ giàu nhất là tuổi trẻ và tình yêu thơ khá cuồng nhiệt. Bây giờ nghĩ lại, hóa ra mình đã từng giàu. Tuổi trẻ và tình yêu thơ ca là hai tài sản quá lớn đối với một nhà thơ. Tuổi trẻ đã qua với chúng tôi từ lâu, nhưng tình yêu thơ ca thì còn lại:
“Buổi sáng cố tình không
chứng nhận
cho những giấc mơ
đêm mầu mỡ ai gieo gì tùy thích
viển vông mãi chán rồi, tôi quay về Bến Thực
tới bến rồi
kéo lưới
hóa ra Trăng” (Bến cũ)
Bài thơ có phong vị thiền hiện đại, nhưng cốt lõi của một bài thơ không phải là nó thể hiện theo trường phái hay phong cách nào. Trăng dù viết hoa thì cũng vừa thực vừa mơ, nhưng cái bến nhà thơ quay lại đó, vẫn là cái bến thực muôn đời của thơ ca, nó giúp ta không quay lưng lại với những số phận con người đang cần sự thấu suốt và cái nghẹn ngào của một người biết chia sẻ.
“Đôi khi một ngọn cỏ
Kéo ngắn một thôi đường”
(Đôi khi)
Nếu ngọn cỏ ấy là một số phận, thì nhà thơ biết yêu thương nhân dân mình, sẽ được nâng bước. Tôi kết với thơ Hữu Thỉnh chính từ những ngọn cỏ nhỏ nhoi như vậy, nó không chỉ nâng bước mà còn giúp nhà thơ nâng tầm thi ca của mình. Người ta hay nói: hãy cúi xuống nhìn một ngọn cỏ, anh sẽ thấy bầu trời.
Thơ Hữu Thỉnh trong tập mới này hay nghiêng về chiêm nghiệm, khiến có lúc triết lý lấn át cảm xúc. Tôi vẫn yêu thơ Hữu Thỉnh ở những câu thơ căng tràn cảm xúc, những câu thơ thấm thía nỗi nghèo cực gian khó hay cả đau thương của gia đình mình, làng xóm mình. Khi mình nghĩ ra thơ, thì chưa chắc thơ ấy đã khiến mình lâng lâng được lâu. Thơ cần xuất kỳ bất ý, cần tình cờ không tính toán, thậm chí, cần vu vơ. Đây là một bài thơ vừa nhân văn vừa rất tình cờ của Hữu Thỉnh:
“Người già kháo nhau gió lạnh sắp về
đến củi khô cũng muốn thành thuốc quý
trên những con đường chiếc gậy chống đi qua
cò hốt hoảng thấy mình như có lỗi”
(Người già)
Tôi bây giờ cũng đã thành người già, nhiều khi đi xa đã phải chống gậy. Nhưng tôi hy vọng không khiến bất cứ con cò hay con chim nào hốt hoảng. Càng không muốn chúng cảm thấy có lỗi với mình. Tôi thích bài thơ này vì chất nhân ái ẩn hài hước nhẹ nhàng của nó.
Bây giờ, có quá nhiều những bài thơ nói về tâm trạng cá nhân, về những được mất của bản thân, về khá nhiều màu sắc hiện đại, chỉ thiếu những bài thơ viết về nỗi cực khổ của nhân dân mình. Tôi đã nhiều lần lên Hà Giang, đã viết cả một trường ca về người Mông, về nỗi khổ của những người nông dân gieo ngô trên đá, nên tôi yêu những câu thơ này của Hữu Thỉnh:
“Địu con đằng trước
cõng đất sau lưng
từ hai bờ Nho Quế gầy còm
mồ hôi Mẹ thành dòng sông chảy ngược”
(Dòng sông chảy ngược)
Đời ai, nhất là đời một nhà thơ, cũng không thiếu những lỗi lầm. Dù ta tự trách mình hay trách ai khác, thì lỗi lầm cũng đã xảy ra, đã thuộc về quá khứ. Kể cả khi những lỗi lầm đã thành sẹo trong ta, thì không sao đoan chắc nó sẽ không tấy đau một lúc nào đó: “Khó nhất là thu lại lửa/Và khó hơn là thu lại một lỗi lầm”(Nghệ nhân Bát Tràng).
Thì đúng vậy. Lỗi lầm không thể thu lại, nhưng nó cho ta sự từng trải. Thơ Hữu Thỉnh bây giờ là thơ của sự từng trải, của những cân đong lại đời mình, nhưng cũng là thơ tìm đến sự bình thản. Tôi mong muốn người bạn mình thong dong, và mong hơn, anh lại tích lũy và bung ra những năng lượng sống mới dành cho thơ.
Một đoạn thơ này rất có khí chất của Hữu Thỉnh hy vọng làm những người lao động trên biển mát dạ, nếu họ tình cờ đọc được:
“Tôi như hạt muối cô từ biển
Thương quá mồ hôi áo
đẫm lưng
Tôi như cát lún in chân bước
Ôm giữ tình yêu dưới sóng lừng
Phong ba? Đời lắm phong ba quá
Vuốt mặt thương ai đứng
mũi thuyền
Hiểm nghèo nghìn thước xô ngang nước
San hô đáy biển đội mầm lên”
(Ghi ở Cù lao Chàm)
Tôi nghĩ, khi Hữu Thỉnh “trút áo” về với những dòng sông những ngọn núi những hòn đảo của đất nước quê hương mình, anh sẽ lại có những bài thơ hay. Nếu anh xả thân chút nữa, anh sẽ là người làm được thơ suốt đời.
Quảng Ngãi, tháng 3.2021
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.