'Lady Bird': Ai cũng từng đi qua một thời tuổi trẻ nông nổi

23/02/2018 14:08 GMT+7

Bộ phim giống như một bức thư tình mà nữ đạo diễn Greta Gerwig gửi gắm cho chính tuổi trẻ của mình ở thành phố Sacramento nước Mỹ.

Đó là vào những năm đầu thế kỷ 21, khi điện thoại di động và internet còn chưa phổ biến như hiện nay. Giới trẻ tiêu khiển bằng những tối cuối tuần tiệc tùng bên bạn bè, bằng những giờ sinh hoạt câu lạc bộ mỗi lúc tan học, hay chỉ đơn thuần la cà khắp các con phố thân quen.
Cô gái trẻ Christine McPherson tự xưng Lady Bird (Saoirse Ronan) cảm thấy bị bó buộc tại nơi mình sinh sống, luôn muốn cất cánh bay đến những chân trời mới. Cô sẽ phải bỏ lại nhiều thứ trên đường cô đi. Gia đình, bạn bè, tình yêu lứa đôi, nhưng với một cô gái đang ở độ tuổi tươi đẹp nhất của cuộc đời thì như thế có là gì đâu? Bộ phim thuộc dòng "coming of age" điển hình, giải mã những xung đột tâm lý bên trong một người trẻ nổi loạn. Tình mẫu tử, mối quan hệ giữa mẹ và con tuy không phải chủ đề chính của phim nhưng vẫn đóng vai trò như sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm bật lên thông điệp "gia đình là điểm tựa của mỗi người". Và đối với cô gái trẻ Lady Bird, gia đình đích thị là tổ ấm để chú chim bé nhỏ quay về mỗi khi thấy lạc lõng giữa dòng đời xô bồ.
Trước khi bắt tay vào làm đạo diễn, Greta Gerwig từng là "nàng thơ" của nhiều phim điện ảnh độc lập
Bộ phim ghi lại một cách chân thật những trải nghiệm của Lady Bird tại Sacramento trước khi cô bỏ lại nơi đó để tìm kiếm tương lai cho riêng mình ở New York. Dường như Greta Gerwig đã dùng sự nhẹ nhàng để nhìn nhận mọi thứ diễn ra trong phim. Cô gái trẻ Lady Bird nổi loạn, hay cãi mẹ và thầy cô nhưng cũng không phải nhận những hình phạt, những màn thuyết giảng dài dòng mà ta thường thấy trong các phim có tính răn đe giáo dục, dường như Greta Gerwig muốn để cho cô tự rút ra bài học cho riêng mình.
Lady Bird cũng thường thất vọng trong tình yêu, cả hai lần đều gặp những anh chàng chẳng ra gì, nhưng đến cuối phim cũng chẳng mở ra hi vọng cổ tích rằng cô sẽ gặp đúng định mệnh đời mình mà chỉ là cảnh Lady Bird gọi điện cho mẹ nhưng không có lời đáp.
Cốt truyện không có nhiều kịch tính nhưng nhờ thế mà giữ được sự tự nhiên trong diễn biến, không tạo cảm giác "lên gân" hay giáo điều. Phim không đưa ra tuyên ngôn sống sao cho đúng, không phán xét hành động mà chỉ đơn thuần kể về tuổi trẻ chóng qua của một cô gái. Điểm sáng của phim nhìn chung nằm ở sự dung dị, nhẹ nhàng.
Quan hệ mẹ - con là một trong những cảm hứng chủ đạo của phim
Thế nhưng đó cũng là điểm yếu của Lady Bird. Do nhịp điệu cứ trôi qua đều đều nên đến cuối phim cũng chẳng có cảnh nào hay ho, đáng nhớ. Bộ phim có thể chạm đến một phần nào đó bên trong mỗi con người, nhất là những cô gái trẻ và những người mẹ, dù vậy không có gì quá sâu sắc đến mức rúng động tâm can.
Có nhiều tình tiết không thoát khỏi tính "cliché" (rập khuôn) thường thấy của những bộ phim dán mác "coming of age". Sự nổi loạn ở nhân vật chính còn hời hợt, lưng chừng, chỉ khai thác được bề nổi chứ không chạm đến chiều sâu nội tâm. Đến một lúc nào đó, người xem sẽ không hề quan tâm đến những xung đột mà cô gái Christine "Lady Bird" McPherson phải đối mặt nữa, vì họ không cảm thấy bị thuyết phục bởi cá tính hay sự chân thành của cô.
Saoirse Ronan sinh động, tươi trẻ trong từng khung hình nhưng vai diễn của cô không có gì quá đột phá
Nữ diễn viên trẻ Saoirse Ronan đã thổi luồng sinh khí tươi trẻ vào bộ phim, nhưng khó có thể nói đây là vai diễn tốt nhất của cô. Dẫu sao, nữ diễn viên này vẫn chỉ mới 22 tuổi lúc đóng phim, độ tuổi không chênh lệch nhân vật là mấy và bản thân mẫu nhân vật như Lady Bird cũng không hề khó thể hiện. Đồng hành cùng cô là bạn diễn Timothée Chalamet, trước đó từng gây tiếng vang với Call Me By Your Name. Trong phim này Timothée Chalamet chỉ diễn ở mức tròn vai chứ không có gì đáng chú ý.
Nhìn chung, Lady Bird xứng đáng được ghi nhận là một trong những phim "coming of age" hiếm hoi với nhân vật chính là nữ được đề cử tại Oscar, nhưng nếu so với lịch sử dày đặc của dòng phim này thì rõ ràng Lady Bird không hề có chỗ đứng. Có rất nhiều tượng đài như Rebel Without A Cause (1955), The 400 Blows (1959), Virgin Suicides (1999),   (2007)... Thậm chí cùng năm 2017 còn có những phim như The Florida Project, Call Me By Your Name, IT... cũng quanh quẩn chủ đề tương tự.
Phải thừa nhận đây là dòng phim không thể thiếu đối với điện ảnh thế giới và là mô-típ an toàn mà nhiều nhà làm phim ưa sử dụng, thế nên rất khó để làm sao cho mới mẻ. Dù vậy, với 2 giải Quả cầu vàng và 5 đề cử tại Oscar, những gì mà đạo diễn Greta Gerwig làm được với Lady Bird đến thời điểm này cũng rất đáng ghi nhận.
Bộ phim hiện được chấm 99% trên Rotten Tomatoes và 7,7/10 trên IMDb.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.