Kyo York: Hơn cả một 'ông Tây hát nhạc Việt'

21/09/2016 09:24 GMT+7

Người ta từng biết đến Kyo York như một “ông Tây hát nhạc Việt” nhưng với anh, còn nhiều điều hơn thế đã và đang làm trên mảnh đất như ngôi nhà thứ hai này.

Đó là công việc thiện nguyện, các vấn đề xã hội và câu chuyện về người trẻ luôn “gây sốt” trên trang cá nhân của anh với lượt xem gần 2 triệu người. Và với nghệ sĩ này, đó là những giá trị thật chứ không hề ảo!
Dám làm những điều đặc biệt!
Tính đến hôm nay, Kyo đã có gần 5 năm chính thức bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp ở VN, vậy bạn đã trải qua những khó khăn nào trong quá trình học tiếng Việt và xử lý các ca khúc VN cũng như tìm kiếm cơ hội, các show diễn…?
Một người Việt muốn đeo đuổi con đường ca hát ở VN nếu “khó khăn 1” thì tôi có thể khó khăn gấp đôi nếu không nói là “khó khăn 10”. Để là một ca sĩ chuyên nghiệp như hôm nay, tôi phải trải qua vô vàn thử thách, từ việc tập phát âm, hiểu nghĩa, tìm kiếm cơ hội, khác biệt văn hóa, giao tiếp, quan hệ, giấy phép, phân biệt đối xử…
Là dân nước ngoài “chính hiệu”, bạn có gặp trở ngại gì trong quá trình hòa nhập showbiz Việt không?
Dĩ nhiên là có, trong mắt khán giả, đồng nghiệp giai đoạn đầu họ luôn xem tôi là “lạ”, chỉ là một ông Tây “dạo chơi” âm nhạc như bao người nước ngoài khác. Họ nhìn tôi bằng ánh mắt soi mói, khi dễ như kiểu là “hiện tượng” rồi sẽ nhanh qua. Để thay đổi quan điểm đó và cái tên Kyo York được viết lên trong nền nghệ thuật VN như hôm nay, tôi đã phải đánh đổi cả mồ hôi, nước mắt và những hy sinh mà chỉ bản thân mình mới có thể hiểu rõ được. Còn rất nhiều trở ngại khiến những người nước ngoài “chính hiệu” 100% như tôi khó có thể bám trụ được với showbiz Việt, tính đến thời điểm này ngoài tôi chưa có ai cả. Đôi khi tôi thấy tự hào với sức chịu đựng và nỗ lực của chính mình.
Bạn có thường xuyên theo dõi đời sống của các nghệ sĩ Việt trên báo không, có thấy nó phức tạp…? Bản thân Kyo làm sao để có thể hòa nhập nhưng không hòa tan trong đó?
Tôi nói thật, tôi ít có thói quen đọc tin tức về nghệ sĩ hay đồng nghiệp trừ khi đó là những chia sẻ về cộng đồng, xã hội… Tin về cá nhân, phát biểu gây sốc hay những đấu đá… tôi đều lướt qua. Bởi có đọc cũng sẽ chẳng giải quyết được gì. Đối với nghệ sĩ VN, tôi đã là đồng nghiệp của họ nên muốn giao tiếp vô tư với tất cả các mối quan hệ, không chơi bên này, ghét bên kia và dĩ nhiên không “ba phải”. Tôi không gây chiến mặc dù tôi cũng bị lôi vào cuộc nhiều lần. Tôi hiểu giá trị của bản thân mình và không muốn “hot” vì scandal. Bản thân đã từng bị hiểu lầm vì cách giao tiếp theo “văn hóa phương Tây”, muốn sống và làm việc lâu dài tại VN, tôi phải học cách “vừa lòng”. Thật sự tôi vẫn muốn giữ cái tính thẳng thắn, chân thành của mình mà đôi khi quá khó...
Kyo có nhiều bạn thân trong showbiz Việt không và bạn có nhận sự hỗ trợ về nghề nghiệp của họ trong quá trình hoạt động âm nhạc?
Có nhiều nghệ sĩ cho tôi cái duyên được gặp họ, được làm việc và cộng tác… Họ cho tôi những bài học quý giá về nghề, những bước đầu khó khăn được họ chia sẻ và chỉ dạy. Nhưng bản thân tôi vẫn luôn độc lập phát triển theo cách của mình, dù tôi có thể yêu mến giọng hát, phong cách của nghệ sĩ này, ca sĩ kia nhưng tôi không muốn làm bản sao của bất cứ ai, tôi hoàn toàn tự lập trong hành trình trở thành người của công chúng tại VN. Người Việt có câu tục ngữ rất hay “Uống nước nhớ nguồn”, tôi luôn ghi nhớ những ai đã giúp mình dù chỉ là rất nhỏ, trong lòng cũng luôn kính trọng họ.
Chọn VN để phát triển sự nghiệp và quyết tâm trở thành một chàng trai “thuần Việt”, điều gì ở VN khiến bạn có cảm tình, muốn gắn bó đến thế?
Tôi đã dùng chữ “duyên” để giải thích điều này từ những ngày đầu. Đây là câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất trong suốt thời gian qua. Tôi luôn tự hỏi không biết họ tò mò hay đang ngờ vực tình cảm chân thành tôi dành cho VN. Nhưng bạn tin tôi đi, dù vì lý do gì để gắn bó sâu sắc với VN thì cũng là một hành trình đáng trân trọng đối với một người ngoại quốc phải không, đặc biệt là người Mỹ 100% như tôi, vì phải yêu lắm mới gắn bó lâu dài như vậy.
Từng bày tỏ mong muốn trở thành một “đặc sản” trong âm nhạc Việt chứ không mong khán giả đến với bạn chỉ vì tò mò, vì lạ… Nhưng để trở thành một món “đặc sản” xem ra phải có tầm cao hơn, đặc trưng hơn ngoài tiếng Việt sành sỏi, trong khi giữa một thị trường nhạc Việt có khá nhiều nhân tố trẻ xuất hiện. Bạn nghĩ mình sẽ cạnh tranh bằng cách nào?
Tôi nói thật: đặc sản chưa hẳn là “tầm cao”. Ở đời, thường đặc sản là cái đôi khi rất giản dị nhưng được con người ở vùng miền đó quý mến, ưu ái đưa vào danh sách cần lưu trữ và giới thiệu đến nhiều người. Tôi cảm nhận mình đã và đang làm được điều đó bằng chính tình yêu nghệ thuật, sản phẩm âm nhạc và những cống hiến cho cuộc sống trên chính quê hương thứ hai này. Tôi không ngộ nhận nhưng biết đâu khán giả có khi tự cho rằng tôi còn quý hơn cả “đặc sản”. (cười)
Trong âm nhạc của mình, thường thấy Kyo chọn những tình khúc rất VN, từ những nhạc sĩ lớn của VN như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… mà không phải là những bài hát nhạc ngoại lời Việt gần gũi với bạn hơn. Sự lựa chọn này là bạn tự làm khó bản thân hay muốn trở nên đặc biệt?
Giống như một đứa trẻ mới tập hát, môi trường của nó bắt đầu từ đâu thì nó sẽ hát dòng nhạc đó như thánh ca, hay đồng dao, hay nhạc dân tộc, nhạc trẻ… Kyo đã yêu dòng nhạc này do giai đoạn đầu tiếp xúc trong môi trường âm nhạc thính phòng của những phòng trà sang trọng tại Sài Gòn mà hằng đêm tôi đi hát lặng lẽ. Đó là những ca khúc đầu tiên Kyo hát phục vụ khán giả Việt. Càng tập tôi càng thấy thích, càng thấy sâu sắc, càng học được nhiều vốn từ hay nên tôi đeo đuổi cái khó để hoàn thiện vốn sống qua âm nhạc cho bản thân mình. Lúc đó là một “ông Tây hát phòng trà” thì làm gì có định hướng để trở nên đặc biệt trong lòng khán giả. Nhưng để trở nên đặc biệt, chính bạn phải dám làm những điều đặc biệt!
Kyo York: Hơn cả một 'Ông Tây hát nhạc Việt' 2
Được biết không chỉ ca hát, Kyo còn đang nhận lời làm MC về du lịch, một số chương trình trên truyền hình. Một lĩnh vực mà cần phải am hiểu nhiều về kiến thức văn hóa, đất nước con người VN. Vậy bạn làm cách nào có những trải nghiệm đó để làm tốt vai trò MC?
MC là một nghề cực kỳ khó và đòi hỏi nhiều yếu tố ở người thực hiện vai trò này. Tôi chỉ nhận lời khi cảm thấy khả năng mình có thể làm được. Qua mỗi lần tham gia vai trò này, tôi đã học hỏi được nhiều điều và đồng cảm với những khó khăn áp lực mà nghề phải chịu. Chính vì thế, tôi không tham vọng mình chuyên nghiệp mà xem công việc MC như một nhịp cầu nối văn hóa, tôi nỗ lực tham gia cũng như sẵn sàng từ chối nhiều lời mời với mức chi phí cao nếu thấy năng lực mình không thể. Ngoài công việc MC, tôi hiện đang được mời tham gia nhiều dự án phim ảnh nhưng tôi đang cân đối lại thời gian của mình.
Tôi chỉ muốn đứng về lẽ phải !


Là một “ông Tây hát phòng trà” thì làm gì có định hướng để trở nên đặc biệt trong lòng khán giả. Nhưng để trở nên đặc biệt, chính bạn phải dám làm những điều đặc biệt!



Ngoài ca hát, thấy bạn rất chăm chỉ với các chương trình thiện nguyện trên khắp mọi miền đất nước, vậy điều gì đã cho bạn nguồn năng lượng và sự nhiệt huyết ấy vì rõ ràng bạn là người Mỹ chứ không phải VN?
Đối với VN tôi có cái duyên sâu nặng. Tôi làm việc và hoạt động nghệ thuật tại VN cũng là một điều tôi không biết trước. Hôm nay tôi may mắn có được những gì từ đất nước của các bạn nên tôi muốn chia sẻ lại với mảnh đất này, con người này bằng chính khả năng của mình qua những chương trình thiện nguyện do chính tôi tự tổ chức. Tôi trực tiếp đến từng vùng miền xa xôi giúp đỡ bà con, trẻ em nghèo, xây trường học, trao quà tết… Bên cạnh đó, tôi cũng tích cực thực hiện những dự án nhỏ về văn hóa nghệ thuật, tự thực hiện bằng chi phí cá nhân của mình nhằm quảng bá văn hóa du lịch Việt đến bạn bè quốc tế.
Hỏi một câu ngoài lề một chút: Bạn nhìn thấy giới trẻ VN đang sống như thế nào? Trên trang cá nhân, bạn hay có những chia sẻ, nhận xét về vấn đề nào đó cũng như những định hướng tích cực cho người trẻ thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng?
Mỗi phát biểu của tôi luôn được cộng đồng mạng quan tâm, điều đó khiến tôi luôn dè dặt trong những chia sẻ của mình nên trước khi post Facebook, tôi hay nhờ bạn bè đọc qua và cho ý kiến. Ý thức được điều đó, tôi càng muốn có những phát biểu ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Những nhận xét của tôi đôi khi là khách quan nhưng tôi không hiểu sao đó lại là đề tài được bàn luận nhiều nhất, đưa cả vào đề thi, thầy cô đem lên lớp đọc cho học sinh nghe, phụ huynh chia sẻ cùng con cái... Chính vì thế để nhận xét về giới trẻ VN, tôi cần phải phân loại nhiều đối tượng để chính xác hơn như trình độ, khu vực… chứ nói chung chung không chính xác các bạn lại ném đá… (cười). Nói thế không phải giới trẻ VN chỉ giỏi “ném đá” mà các bạn thật sự rất nhạy bén trong cuộc sống. Nhưng các bạn cần thêm sự tinh tế để mang đến những giá trị tích cực cho cộng đồng nhiều hơn là sống ảo và dựa dẫm nhiều vào công nghệ để làm cuộc sống trở nên phức tạp.
Như chuyện bạn phản đối đường “lưỡi bò” của Trung Quốc là bạn đặt tâm thế mình là người VN hay một người ngoại quốc thấy chuyện thế giới cần phải lên tiếng?
Cả hai. Thứ nhất, không phải tôi là người nước ngoài duy nhất phản đối điều này; thứ hai, vì tôi đang sinh sống và làm việc trên đất nước Việt nên tâm thế, giọng văn và cách thể hiện của tôi rất “Việt” so với những bạn nước ngoài khác trên thế giới. Nhưng tôi nghĩ điều đó không quan trọng bằng lẽ phải, tôi chỉ muốn đứng về lẽ phải!
Nếu nhiều người bảo Kyo rất khôn khéo để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng mạng khi thường xuyên “cập nhật” những vấn đề hot… thì bạn nghĩ sao?
Chẳng nghĩ gì, vì họ chưa biết Kyo trước đó. Cũng bằng tình yêu và muốn tốt lên từng ngày nên tôi đã sống và quan sát xung quanh mình, góp nhặt rồi viết lên những điều ý nghĩa được cộng đồng mạng chia sẻ trước đó, rất nhiều bài viết rồi. Mà nếu “hot” vì những bài viết có giá trị cho xã hội thì tại sao phải ngại chứ? Cũng phải thừa nhận Facebook của tôi có giá trị thực chứ không ảo vì hiện nay theo các đơn vị truyền thông ước tính thì lọt top “hot” nhất của VN đấy.
Đi hát ở VN có đủ chi phí để bạn trang trải cuộc sống và nuôi đam mê âm nhạc của mình không?
Không biết thế nào là đủ vì đủ hay thiếu là do bản thân mình. Tôi chưa mua xe hơi vì thích đi xe máy hơn, tôi chưa mua nhà vì nghĩ mình ở nhà quá ít và chưa có người về ở cùng, tôi không tiêu xài đồ hiệu, ăn nhà hàng sang trọng thường xuyên… Vì tôi thích giá trị thật ở cuộc sống này dù bình dị.
Nếu nói về bản thân, bạn có thể tự nhận xét mình có những ưu và khuyết điểm gì?
Thẳng thắn chính là ưu điểm và cũng là khuyết điểm. Tôi nóng tính nhưng chân thành. Tôi không thích ngồi yên một chỗ để suy tư về cuộc đời mà luôn vận động.
Từng có mối tình với cô gái miền Tây, đó cũng là tình yêu khơi nguồn cho âm nhạc VN và yêu tiếng Việt trong bạn? Vậy bạn có nghĩ mình sẽ lấy một phụ nữ Việt làm vợ không nhỉ?
Tôi từng có tình cảm với một cô gái Việt nhưng chắc là chưa có duyên nên cả hai đã không đến được với nhau. Theo người Việt, chuyện vợ chồng là “duyên nợ”, cô nào có “nợ” với tôi, thì cứ đến. Tôi cho “trả nợ” chứ cũng chẳng suy nghĩ là cô đó phải tóc vàng hay tóc đen trước được (cười).
Điều gì ở phụ nữ VN khiến Kyo có ấn tượng đầu tiên và thấy họ khác biệt so với phụ nữ khác trên thế giới?
Nét dịu dàng, chu đáo và quan tâm sâu sắc. Phải thừa nhận phụ nữ Việt giỏi chuyện nội trợ hơn rất nhiều, đa số phụ nữ nào có gia đình bằng mọi cách họ đều biết nấu ăn, làm bánh... và giỏi trong việc giữ sự ấm áp trong một mái nhà, đàn ông rất thích điều này. Đức tính của phụ nữ Việt vẫn được người nước ngoài nói đến nhiều và cả phụ nữ các nước phương Tây ngưỡng mộ, đó là họ không có thói quen hút thuốc, uống rượu... như đấng mày râu.
Bạn có nghĩ đến một ngày nào đó bạn rời VN để trở về Mỹ không?
Tôi chưa từng nghĩ, nhưng cuộc đời này không biết trước được điều gì! Có những điều chúng ta chưa từng nghĩ đến nhưng nó lại có thể xảy ra!
Có thể hình dung cuộc sống của Kyo sau những giây phút ngoài âm nhạc, sân khấu thì thế nào?
Tôi cũng như bao người khác, thích ăn uống, du lịch, khám phá và chơi bắt pokémon ngoài công viên… (cười).
Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.