Ký ức Tháp Mười: Thành phố dâng lên bên bờ giấc ngủ

30/04/2020 06:34 GMT+7

“chúng tôi đã qua với tiếng chim đêm cơn gió thốc chân trời rạng sáng với nắm cơm thiu trở mùi chua chua những thành phố dâng lên bên bờ giấc ngủ” (Những người đi tới biển)

1. Bây giờ người ta hay nói: “Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Những năm tháng chiến tranh, chúng tôi đã luôn đi cùng nhau, dù chưa biết câu nói này. Không chỉ đi cùng nhau, chúng tôi còn biết mơ cùng nhau nữa, dù chưa biết câu này: “Mỗi người có một giấc mơ riêng”. Ngày ấy, đến giấc mơ cũng có thể là chung.
Những giấc mơ chung thường là những giấc mơ về quê nhà mình, về ngôi nhà mình, về cha mẹ mình. Phải đi trên Trường Sơn mấy tháng mới thấu hiểu nỗi “thiếu dân” là thế nào. Gần như suốt hai nghìn cây số không gặp một người dân nào, chỉ tuyền lính là lính, và thanh niên xung phong, vậy là hết. Có qua nỗi “khát dân” thì mới thấy, những “giấc mơ chung” như thế là có thực. Đó là nỗi khát mong về một cuộc sống bình thường ở những người lính trẻ. Nhiều bữa trong trạm xá, mấy anh em lính sốt rét đã qua cơn ngồi quây quần bên nhau tán chuyện gẫu. Chuyện gì rồi cũng xoay về chuyện hồi ở quê nhà, ở với cha mẹ anh chị em mình, chuyện gì rồi cũng dính tới các món ăn hồi còn ở quê, những dưa cà nhút nhít, mắm tôm mắm tép, canh rau mồng tơi, dưa muối xổi, cá cấn cá mại kho gừng riềng... Những món ăn quá đạm bạc mà cứ nhắc đến là lính ta rạo rực cả người. Thiếu cái gì thì nhớ cái đó, vậy thôi. Có một món mà lính đi trên Trường Sơn đặc biệt nhớ, đó là... rau muống luộc. Nghe có vẻ rất buồn cười, nhưng thật vậy. Mấy tháng thiếu rau xanh, không nhớ rau muống luộc chấm tương, nước rau muống đánh vài quả sấu hay quả dọc, thì còn nhớ cái gì!
Tôi nhớ, ngồi tán gẫu có cậu Phong, 18 tuổi, quê Hà Nam, nhà gần sông Châu quanh năm nước xanh biếc. Phong nhớ món canh hoa lý ở nhà mẹ vẫn nấu cho ăn, hoa lý nấu tép thôi, không có thịt. Nhưng ăn vẫn rất ngon. Những nỗi nhớ như thế, khi thổ lộ cùng nhau, sau đó sẽ đi vào giấc mơ mỗi người lính. Những giấc mơ ấy giống nhau vì có cùng nền tảng.
2. Có những người lính quê Hà Nội mơ về thành phố của mình. Nhưng hầu hết lính Bắc hồi đó ở quê, nên “ở đâu mơ đó” thôi. Tôi không phải dân Hà Nội gốc, chẳng thơm hoa nhài cũng không ra người thanh lịch, nhưng vì gia đình tôi ở Hà Nội khá nhiều năm, nên những giấc mơ của mình có hơi hướng những con phố Hà Nội, với mùi hoa sữa, với vườn Bách thảo, với cầu Long Biên... Nhà tôi ở khu tập thể 22 phố Ngọc Hà, sáng nào đi học cũng qua vườn Bách thảo, rồi mình cùng đám bạn học chuyên trốn học đá bóng ở công viên này, nơi có một sân chơi nho nhỏ cỡ sân bóng mini. Vậy mà khi đi xa thì nhớ. Và cứ mỗi sáng tôi lại chạy bộ quanh vườn Bách thảo. Bây giờ nghĩ lại, không có đường chạy bộ nào tốt hơn cho sức khỏe và thảnh thơi hơn cho tâm trí bằng đường chạy trong vườn Bách thảo.
Nhưng những người lính trên Trường Sơn ngày ấy còn một giấc mơ chung nữa, dù ít người nói ra. Đó là mơ một ngày hòa bình, mơ được về Sài Gòn, mơ được ra Bắc theo đường số 1. Đó là giấc mơ một ngày kết thúc chiến tranh, ngày thống nhất đất nước.
Có lẽ ngày ấy những tác phẩm văn học, những bài hát đã nói quá nhiều về giấc mơ này, nên người lính ít khi nói về nó. Nhưng trong thẳm sâu lòng họ, giấc mơ ngày hòa bình được sống sót về thăm cha mẹ mình là có thật.
Tôi vừa xem một phim tài liệu về Chiến dịch Điện Biên phủ phát trên VTV. Khi những người lính tham gia “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm/Mưa dầm cơm vắt” (thơ Tố Hữu) nhận được tin chúng ta vừa toàn thắng, tất cả những người lính đang ở chiến hào bật dậy rồi nằm vật ra. Tôi đoán ngay câu họ sẽ kêu lên: “Sống rồi!”. Tôi đã đoán đúng. Tất cả những người lính đều kêu lên đúng một câu: “Sống rồi, anh em ơi!”. Nghe muốn trào nước mắt. Chiến tranh, thực chất là như vậy. Sống sót, là phần thưởng cao nhất cho người lính.
3. Còn “những thành phố dâng lên bên bờ giấc ngủ”, với tôi, là một câu chuyện. Ngày tôi đi xuồng, lội nước qua đồng Tháp Mười, có một đêm chợt nhìn về chân trời xa, thấy hiện lên một vùng sáng. Lúc đầu chưa biết là vùng sáng gì, sau thì biết. Đó là Sài Gòn. Đồng Tháp nước mênh mang như biển, nên vùng sáng ấy nhìn rất rõ. Ấn tượng ấy, sau này khi tôi viết trường ca Những người đi tới biển vào năm 1976, lại chợt hiện lên. Và nó đi vào câu thơ “những thành phố dâng lên bên bờ giấc ngủ”, một giấc ngủ chập chờn, rất mỏi mệt, sau một đêm lội trên đồng nước.
Nhưng nó ẩn bên trong một khao khát về ngày hòa bình, ngày mình được về Sài Gòn.
Tôi gắn bó với đồng Tháp Mười từ những hình ảnh như vậy. Những thành phố trong câu thơ ấy, có thể là Sài Gòn, có thể là Hà Nội.
Và có thể là Thơ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.