Ký ức Tháp Mười: Chùm lưỡi câu của nhà văn Trang Thế Hy

29/04/2020 06:31 GMT+7

Những con chim trên đồng nước xây tổ rồi bay đi tìm xây những tổ mới thế nào, thì những giao liên Tháp Mười ngày chúng tôi qua cũng hành xử y như vậy. Họ không có căn cứ cố định, không có những trạm giao liên cố định như tôi đã biết trên Trường Sơn.

Họ có thể chọn bất cứ cột tràm hay lùm bụi nào có thể che giấu xuồng giao liên cũng như xuồng của “khách”, thế là ở đó mọc lên ngay một trạm giao liên, như một tổ chim kín đáo và linh động. Vì, có thể trạm giao liên ấy sẽ bị lộ sau đó, và những giao liên Tháp Mười lại nhanh chóng tìm được một vị trí thích hợp khác làm trạm đón khách. Với những đoàn khách, thì họ dừng ở trạm chỉ là để “chém vè” vào ban ngày, khi chiều buông xuống, họ lại được xuồng giao liên dẫn lên đường. Chỉ tính ở lại trạm một ngày rồi đi, nhưng nhiều khi, phải ở khá lâu, tùy tình hình địch. Nhiều đêm, chúng tôi chèo xuồng rã tay, khoảng 12 giờ đêm thì tới khu vực “chuyển khách” cho trạm khác đón, nhưng rồi, có báo hiệu đường nước phía trước không an toàn, cả đoàn lại phải chèo xuồng quay trở lại trạm cũ. Có những khi câu chuyện “về chỗ cũ” trên đồng nước như thế lặp đi lặp lại mấy lần.
Phải có những ngày nằm ở trạm giao liên mùa nước nổi, mới thấy hết giá trị của Tháp Mười. Cả đoàn công tác chúng tôi, trừ tôi là lính mới, còn lại các anh đều là dân “hai mùa kháng chiến”, có vài anh đã từng ở Đồng Tháp thời kháng chiến chống Pháp, nên quá rành chuyện sống trên đồng mùa nước nổi. Các anh đã chuẩn bị nhiều lưỡi câu, cần câu thì lấy các nhánh cây tại chỗ, mồi câu là cá nhỏ bắt tại chỗ, vừa đơn giản vừa hiệu quả. Ngồi trên xuồng hay trên võng mà buông cần câu thì thật thú vị. Tôi chưa thấy đoàn của tôi câu được cá lớn, nhưng cá rô hay cá sặt thì nhiều quá xá. Bữa cơm của chúng tôi, vì thế, khác hẳn những bữa cơm thiếu chất trên Trường Sơn. Ở đây có đủ từ cá tới rau, từ canh chua tới cá kho. Rau dại mọc trên đồng nước thì vô kể, nhưng nhiều nhất vẫn là bông súng, bông điên điển, ngó sen, những thứ rau bây giờ được coi là “đặc sản số 1”. Hồi ấy, chỉ quờ tay là hái được.

Đồng Tháp Mười

Ảnh: Công Huân

Đi kháng chiến thì gian khổ, nguy hiểm, nhưng nhiều khi cũng… sướng không thể tả, nhất là đi bằng xuồng trên đồng Tháp Mười mùa nước nổi. Tôi học được kỹ năng câu cá, bắt cá bằng tay không, chính là nhờ chuyến đi qua Đồng Tháp.
Chợt nhớ, cố nhà văn Trang Thế Hy (thường gọi là Tư Sâm), người bạn già mà tôi yêu kính, ngày chiến tranh mỗi lần đi công tác qua đồng Tháp Mười, ông Tư Sâm đều mang trong bòng của mình ít nhất là 200… lưỡi câu. Mang nhiều lưỡi câu như thế để… giăng câu, chứ không phải để câu cần. Giăng câu vất vả hơn, nhưng nhiều khi đi gỡ lại vớ bở. Vì cá to mắc câu. Trong đời, nhà văn Trang Thế Hy là người cần mẫn lao động, nhiều khi nhìn ông làm những việc không dành cho tuổi già, vừa thương ông lại vừa kính phục. Người như thế, thả giữa Tháp Mười mùa nước nổi, bảo đảm không… chết đói. Tìm những cách sống khác nhau giữa biển nước mênh mông, đòi hỏi rất nhiều sáng tạo. Chả trách, văn Trang Thế Hy rất hay, vừa nhẹ nhàng bao dung, vừa từng trải đến từng chi tiết.
Những nhà văn của đồng Tháp Mười thời kháng chiến chống Mỹ như Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng đã tô đậm nét cho một Tháp Mười hoang dã và đầy ám ảnh. Có thể bây giờ đồng Tháp Mười không còn như xưa nữa, nhưng may mắn thay, chúng ta vẫn còn một Cánh đồng hoang, bộ phim kinh điển của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và đạo diễn Hồng Sến. Đạo diễn Đào Bá Sơn đã kể tôi nghe nhiều chuyện vui về những tháng làm phim Cánh đồng hoang ở đồng Tháp Mười, khi đó, Đào Bá Sơn còn là một trợ lý đạo diễn. Nhưng có lẽ, tôi sẽ kể lại chuyện này trong một dịp khác.
Với đồng Tháp Mười, thì kể bao giờ cho hết chuyện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.