Ký ức sân khấu: Cải lương nhà lồng chợ

Hoàng Kim
Hoàng Kim
29/09/2020 06:15 GMT+7

Hát bội mỗi năm chỉ về một lần, còn gánh cải lương lại về quê hát thường xuyên. Cho nên hồi đó người ta mê cải lương như điếu đổ.

Những vùng quê như quê tôi hồi ấy làm gì có rạp hát, cho nên gánh cải lương về là đóng đô trong nhà lồng chợ.
Nhà lồng chợ của quận (bây giờ gọi là huyện) tại thị trấn chỉ đủ chứa chừng 400 người, nếu thêm những người đứng chen đầy phía sau nữa thì cũng được hơn 700. Buổi sáng chợ bán sung túc, nhưng buổi chiều các sạp vải, sạp thịt nghỉ bán, nhân viên của gánh cải lương dọn gọn lại để có chỗ kê ghế. Ghế chỉ là những băng gỗ dài, mỗi băng ngồi được 4 - 5 người. Chắc các đoàn cải lương phải di chuyển xa nên dùng băng ghế như vậy dễ chất lên xe. Một sân khấu tạm cũng bằng gỗ được dựng nhanh chóng phía cuối nhà lồng. Bao quanh nhà lồng chợ là những tấm mê bồ bằng tre, chỉ chừa đúng một cửa để soát vé. Thập niên 60 - 70 - 80 của thế kỷ 20, hầu hết những huyện lỵ xa xôi đều thiết kế “rạp hát” như vậy, bởi nhà lồng có một mái ngói dày che nắng che mưa và một cái sàn tráng xi măng sạch sẽ, so với chung quanh rõ ràng là quá tốt.
Nhưng hát ở nhà lồng chợ cũng cực lắm. Buổi tối thì dọn ghế ra, đóng cọc che mê bồ, hát xong thì dỡ cọc, xếp bồ, chất ghế cho gọn để các sạp thịt, sạp vải dọn ra bán liền tảng sáng. Tôi đi chợ thấy sân khấu trống lổng, chỉ còn lại những tấm màn chất đống, trong đó ngọ nguậy những công nhân, hậu đài đang nằm ngủ. Còn dưới sàn sân khấu thì võng treo tòn ten, hoặc nghệ sĩ trải chiếu ngay trên sàn xi măng mà ngủ. Nghệ sĩ lớn thì ưu tiên ngủ trên sàn sân khấu thẳng thớm, giăng mùng đàng hoàng khỏi sợ muỗi. Gánh hát nào lớn hơn một chút thì đào chánh, kép chánh hay ở nhờ nhà dân, những căn cặp bên hông nhà lồng chợ, bước vài bước đã tới, chứ ở quê không có khách sạn hay nhà trọ. Họ trả tiền thuê chút đỉnh, có khi dân thương không lấy tiền mà còn đãi ăn no đủ. Tụi tôi hay đứng xớ rớ trước cửa nhà mong thấy mặt nghệ sĩ lúc đời thường. Hồi đó khán giả ao ước nhìn mặt nghệ sĩ ghê lắm, hễ thấy được một lần là coi như… trúng số. Có bà trong chợ còn nói: “Tui mà nhìn được mặt Lệ Thủy một lần thôi, tui chết cũng chịu”. Nhưng nghệ sĩ ít dám xuất hiện, thường bảo đệ tử đi mua thức ăn đem về.

Coi hát “xả giàn”

Nhà tôi nghèo, làm gì có tiền mua vé, chỉ chuyên coi xả giàn. Thường gánh hát hai suất trong ngày, suất trưa từ 1 tới gần 4 giờ, suất tối từ 7 tới 9 giờ rưỡi. Chương trình học hồi đó không nặng nề, tiểu học hay trung học cũng chỉ học một buổi, một buổi lo làm việc nhà, chơi đùa, đến tối mới lấy bài ra học chừng 1 tiếng là xong, ngủ khỏe. Cho nên bọn tôi có dư thời gian đi coi hát.
Nếu học buổi sáng thì tôi đi coi suất trưa, học buổi chiều thì đi coi suất tối. Đường làng đêm nào có trăng thì đỡ, còn không trăng thì tối thui, tôi làm một bó lá dừa khô, bỏ túi cái hộp diêm, lượt đi tôi nhét bó lá dừa vô kẹt hàng rào của đình Phú Hựu, lượt về tới ngang đó thì lấy đốt lên, cầm về tới nhà. Có hôm trong làng có nhiều người cùng đi coi hát thì mình ké đuốc của họ, những bó đuốc nhảy múa trên đường thật vui như tiếng đờn ca còn nhảy rộn ràng trong tâm trí.
Mà khổ, ít khi nào tôi được đi coi cải lương một mình thong dong, mà phải đèo thêm hai thằng em ruột, một thằng 4 tuổi ẵm trên tay này, một thằng 8 tuổi dắt bên tay kia. Hễ biết tôi chuẩn bị đi coi hát là tụi nó khóc nhèo nhẹo, tôi đành dẫn theo. Riết rồi thương, không nỡ đi coi một mình, nên chị dắt em theo luôn. Con nhà nghèo rất khỏe mạnh, đi bộ hai ba cây số ra chợ chẳng là gì. Ra tới chợ, ba chị em mua si rô đá bào, cầm cục đá màu đỏ mà mút chùn chụt, lạnh buốt, sướng tê người. Quanh tôi, cũng có nhiều đứa trẻ tay dắt em đứng chờ xả giàn như thế.
Các gánh cải lương thường hát khoảng một tiếng đồng hồ là xả giàn cho khán giả vô coi miễn phí. Vô sau bị mất một khúc, nhưng coi một hồi sẽ hiểu câu chuyện, mà dù không hiểu cũng được, cứ thấy đào kép đẹp, nghe ca hát là đã sung sướng. Cứ có thêm khán giả mới tràn vô là người ta dồn chặt lại với nhau, xô về phía này, đẩy về phía khác, có lúc ép tụi tôi muốn dẹp lép. Hết đợt chen thì mọi người lại đứng im thưởng thức, rất sung sướng.
Điện đóm hồi đó không sáng rực như bây giờ, và micro kéo qua kéo lại rẹt rẹt có khi không rõ tiếng, nhưng cũng đủ làm nên một thế giới huyền ảo. Thích nhứt là những màn đánh kiếm, đu bay. Khán giả ré lên khoái chí. Mọi người xem cải lương bằng sự tập trung cao độ và cả một trái tim yêu mến, mê say. Người ta khóc, cười, xuýt xoa, than thở… Trên sàn diễn nghệ sĩ làm gì thì ở bên dưới mấy trăm con người hỉ nộ ái ố ngay tức khắc. Nhớ có lần một bà hét lên chửi nhân vật phản diện: “Đồ chó đẻ! Ác gì ác dữ vậy!”. Nhiều nghệ sĩ khi đóng phản diện là bị khán giả ghét luôn, thậm chí sáng hôm sau đi mua thức ăn người ta cũng không thèm bán.
Nhiều đứa trẻ cũng giống như chị em tôi, thấm nhừ cải lương, lớn lên mang theo những xang xừ xê cống vào đời như một hành trang rất đỗi bình thường. Cải lương không chỉ là giải trí, nó thiêng liêng hơn nữa, như hồn của dân tộc. Đi đâu xa, nghe một câu vọng cổ bỗng giật mình, đó chính là Việt Nam, không thể nào nhầm lẫn...
(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.