Ký ức một thuở 'Mây trắng bay qua bục giảng'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
20/11/2019 06:29 GMT+7

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay, hẳn nhiều người sẽ rưng rưng khi đọc 27 câu chuyện của 27 nhà văn, nhà thơ nổi tiếng chia sẻ về nghề dạy học, ký ức về tình thầy trò cảm động trong tác phẩm Mây trắng bay qua bục giảng ( ảnh - Công ty văn hóa Huyền Đức và NXB Văn hóa - Văn nghệ vừa ấn hành).

Nhà văn Văn Thành Lê trước khi về công tác tại NXB Kim Đồng cũng có những tháng ngày “gõ đầu trẻ” ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Dù đứng trên bục giảng chỉ 3 năm, “nhưng đó là 3 năm non tơ nhất và cũng đủ để ký ức thành ngồn ngộn” như anh tâm sự. Tác giả Hình như tình yêu chia sẻ: “Nhớ nhất là trường hợp nữ sinh lớp 11 tôi chủ nhiệm nghỉ học để... lấy chồng. Sau 5 ngày em vắng học không phép, theo bạn trai về quê Hà Tiên ngắm mặt trời, trở lên thì mẹ em gọi điện cầu cứu. Tôi qua nhà. Ngôi nhà trống hoác heo hút gần đỉnh núi, cây cỏ mọc vào đến mép cửa, nhiều hơn cả vật dụng. Sau buổi chiều ngồi thủ thỉ cùng hai mẹ con và bố chồng tương lai của em, phân tích mọi lẽ thiệt hơn, lôi cả pháp luật ra nói chuyện phải trái. Tưởng là thông. Rốt cuộc em vẫn theo chồng bỏ cuộc... chữ. Chẳng biết bây giờ cuộc sống của em ra sao? Và ngôi nhà không nhốt nổi gió của gia đình em như thế nào rồi?”.
“Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Ít ai biết rằng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả của những cuốn sách bán chạy về tuổi học trò, cũng xuất thân từ... nghề giáo. Ông kể lại câu chuyện oái oăm đáng nhớ khi phải đến tận nhà học sinh cá biệt để gặp phụ huynh: “Tôi đang đạp xe trên con đường ngoằn ngoèo dẫn vào khu phố lao động, vừa đạp vừa nhìn dáo dác, bỗng nghe vang lên bên tai tiếng reo: “Chào thầy”. Tôi quay lại gặp đúng đứa học trò tôi đang định ghé nhà méc phụ huynh. Em mặc quần đùi, áo cộc phong phanh đang đẩy chiếc xe chở củi. Tôi leo xuống xe, đến gần em và tò mò hỏi: “Em đẩy củi về nhà à?”. “Dạ, không ạ. Em đẩy thuê cho người ta”. Hỏi chuyện một hồi, tôi mới biết nhà em nghèo, đi học về vừa cất tập vô bàn là em ba chân bốn cẳng chạy ra chợ đẩy xe mướn kiếm tiền phụ ba mẹ. Hèn gì em không có thì giờ học bài. Hôm đó, sau một hồi ngẩn ngơ, tôi vuốt tóc em, động viên vài câu rồi tặc lưỡi quay xe về, bỏ luôn ý định vào gặp phụ huynh để... trách cứ”.
Vậy đó, nhiều tình huống cứ như từ trên trời rơi xuống. Cũng thật xúc động khi độc giả như lạc vào Chiêm bao mùa lễ hội của nhà thơ Hoàng Việt, trong khoảng thời gian tác giả làm thầy giáo cắm bản trên cao nguyên để rồi từ đó càng trưởng thành hơn; hay ưu tư với Niềm vui neo giữ phận người của nhà thơ Đào Tấn Trực hoặc trăn trở hơn khi đọc Lời chúc hay nhất thế giới của nhà văn Di Li và câu chuyện về bao suy ngẫm ưu tư giữa Nhà giáo xưa và nay của nhà thơ “siêu nhân” Bùi Đức Ánh...
“Ở đó có không ít gửi gắm. Ở đó có không ít hoài bão, ở đó cũng có không ít day dứt khôn nguôi..., nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là thái độ trân trọng phẩm giá con người giữa ngổn ngang ganh đua thời cuộc...”, như lời đề tựa của cuốn sách, để rồi các nhà giáo cũ và bạn đọc cùng ngoái lại về một thuở Mây trắng bay qua bục giảng trong veo, đầy thánh thiện không thể nào quên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.