Ký ức Đông Dương trong hồi ức nhà văn Pháp

03/03/2021 17:00 GMT+7

Cần bao nhiêu cuộc đời để đi hết kỷ niệm? Nhà văn Pháp Marguerite Duras trả lời câu hỏi này bằng hồi ức chính cuộc đời dài ra những trang sách, mà Rạp Éden (Nguyễn Đăng Thường dịch, Domino và NXB Văn học phát hành) là ví dụ.

Khoảng cách giữa hai tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Pháp Duras: Đập ngăn Thái Bình Dương Người tình Hoa Bắc là 34 năm (1950 - 1984). Giữa 34 năm là những tiếng nói không ngừng cất lên, kết nối những mảnh vụn của ký ức hình thành nên vở kịch Rạp Éden (L' Éden Cinéma) năm 1977. Một vở kịch giản lược hành động của các nhân vật chỉ còn lại những tiếng nói rạc rời như lén bước ra từ bóng tối.
Các nhân vật trên sân khấu là sự hồi quang của gia đình đổ vỡ từ tiểu thuyết Đập ngăn Thái Bình Dương của nhà văn Pháp, với người mẹ Pháp đến xứ Đông Dương mất hết sản nghiệp của mình vào vùng đồng bằng không thể sinh hoa lợi. Người mẹ; người anh, Joseph; người con gái Suzzane ba nhân vật chính của vở kịch. Ba con người chung huyết thống nhưng xa lạ như những tinh thể đã đánh mất khả năng kết nối với nhau.

Rạp Éden ở Sài Gòn chính là cảm hứng để nhà văn Pháp hoàn thành tác phẩm của mình

Ảnh: T.L

Họ đứng chung sân khấu nhưng gần như không đối thoại. Chỉ có những đoạn độc thoại của từng nhân vật nối tiếp, đôi khi chấp dính không biện biệt trong một không khí đặc sánh, ngột ngạt, được sự hỗ trợ của âm nhạc, ánh sáng và những ngắt quãng im lặng của các nhân vật.
Người mẹ ngồi trên ghế, như một mặt trời và những đứa con, ông hạ sĩ, người giúp việc trung thành chầu tuần quanh bà. Tất cả chuyển dịch qua hai không gian, từ ngôi biệt thự u tịch đến cảnh phố thị Sài Gòn huyên náo.
Duras dựng bối cảnh bằng lời nói, các nhân vật tự mô tả không gian thời điểm. “Buổi tối. Rạp Éden. Bà ấy đến trễ”, lời thoại của Joseph phác ra một nơi chốn cho trí tưởng tượng của khán giả.
Tương tác của các diễn viên bị hạn chế, cái tôi mỗi người bị khuếch âm, thay nhau nói suốt vở diễn. Rạp Éden giống như được viết ra để đọc hơn để diễn. Nhưng thực tế vở kịch vẫn được dàn dựng và lần công diễn gần đây nhất vào tháng 12 năm 2020 ở Paris.
Dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Christine Letailleur, bi kịch gần trăm năm lần nữa sống lại. Một bi kịch chứa đựng trong đó tình yêu và mơ mộng, hy vọng và rồ dại, nước mắt và tiếng cười. Một bi kịch của lời, lúc hài hước, khi cay nghiệt, hỗn xược và chế giễu.
Rạp Éden của nhà văn Pháp hiện hữu như một mẩu ký ức lóe lên. Ở đó, có thời người mẹ đã kiếm sống bằng việc biểu diễn dương cầm. Nơi chốn cụ thể duy nhất mà khán giả có thể hình dung được trong toàn bộ vở kịch, nhưng cũng là nơi chốn mơ hồ trong những lát cắt hồi tưởng của các nhân vật.
Ta tự hỏi nhà văn Pháp Marguerite Duras sẽ còn trở đi trở lại bao nhiêu lần nữa. Về Đông Dương, về những mùa màn bị nước biển cướp sạch, về sự đô hội của Sài Gòn, về rạp Éden, về tình yêu, thứ tình yêu mà với vở kịch này, cô gái không dành cho người tình gốc Hoa mà dành cho anh trai mình.
Và nhà văn Pháp Marguerite Duras không để cho ký ức ngủ yên, bà buộc chúng phải lên tiếng. Những ký ức ngập mộng còn các nhân vật là những kẻ miên hành, nói những lời mộng du. Rằng rất nhiều năm sau này, khi chế độ thực dân không còn, Đông Dương là hoài niệm.
Cả rạp phim Éden không lưu dấu trên đời, ký ức vẫn sống động và quẩy đạp trong những trái tim khắc khoải. Cuối cùng tất cả chỉ còn là những câu chuyện xa lạ, như lời nhân vật Joseph: “Chúng tôi đã là những kẻ xa lạ đối với quê hương các bạn”.
Chính nhà văn Pháp Marguerite Duras kể đi kể lại một câu chuyện như con rắn lột da, mỗi lần là một sự tái sinh, tái sinh một câu chuyện vốn dĩ đã ở đó từ lúc bắt đầu, khi bà còn là một đứa nhỏ, đã yêu, đã đau khổ.
Vì thế không chỉ là bi kịch về sự suy vong của một gia đình Pháp ở xứ thuộc địa, nó còn là bi kịch của một thiếu nữ đã buộc thành người lớn khi chưa kịp tận hưởng hoa trái của tuổi thơ. Và Rạp Éden của nhà văn Pháp nổi tiếng trở thành một biểu tượng nhắc nhở về một thời thơ ngây đã mất.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.