Ký ức chợ Cầu Muối...

23/11/2019 14:00 GMT+7

Hồi đi trọ học ở Sài Gòn, bọn tôi gồm năm đứa từ Quảng Nam vào trọ trong một căn hộ ở chung cư Cô Giang, gần chợ Cầu Muối.

Căn hộ đó của một người cô, nhưng bà đi làm suốt ngày, nên chúng tôi phải tự đi chợ, nấu ăn và lau dọn nhà cửa; tối đến nằm ngủ chung trên căn gác gỗ độ vài chục mét vuông...
Chung cư Cô Giang là bốn dãy nhà năm tầng xây dựng từ thời Ngô Đình Diệm. Bốn dãy nhà song song theo hướng đông - tây cách nhau một lối đi chỉ rộng khoảng sáu mét. Dân cư ở đây đa số là dân lao động chân tay, cả người Việt và người gốc Hoa. Có một vài hộ là công chức và cả văn nghệ sĩ ở các gian đầu hồi. Mỗi căn hộ chỉ trên dưới 60 m2 nên khá chật chội. Không khí chung cư vì vậy vừa nóng nực, vừa ồn ào suốt ngày.
Chúng tôi, vì vậy, suốt ngày đều đến giảng đường hoặc đến các thư viện để học, buổi trưa ghé quán cơm xã hội qua bữa rồi tìm một ghế đá dưới bóng râm nào đó ngả lưng. Khi đến chiều tối mới tìm về nhà, tự nấu nướng rồi ăn qua quýt trước khi đi ngủ sớm. Thường thì khuya, khi không khí huyên náo ở chung cư lắng xuống, chúng tôi mới thức dậy học bài đến sáng...
Trong những ngày trọ học ở đó, có lẽ khung cảnh và con người ở chợ Cầu Muối đã ghi đậm trong tôi những kỷ niệm khó quên...
Chợ kéo dài từ đường Cô Giang, Đề Thám, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thái Học ra đến tận bến Chương Dương phía rạch Bến Nghé. Với tôi, từ những năm 1970, chợ Cầu Muối và chợ cầu Ông Lãnh nằm sát nhau nên rất khó phân biệt đâu là ranh giới. Nhưng ở đó, tôi quen biết nhiều người lao động như đạp xe ba gác, buôn bán nhỏ, phu khuân vác, những người gốc Hoa buôn bán trứng gia cầm trên đường Nguyễn Công Trứ và các diễn viên trong một đoàn hát nhỏ ở đình Nhơn Hòa gần chợ… Nhưng có lẽ những chị bán trái cây dọc đường Nguyễn Thái Học và mấy cô bán cá ở dọc đường Bến Chương Dương để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất!
Cứ đến mùa hè, khoảng tháng 7, các sạp trái cây dọc đường Nguyễn Thái Học đầy ắp các loại chôm chôm, măng cụt, từ các nơi chở về đây. Ngoài là chợ đầu mối trái cây, các sạp còn bán lẻ cho khách qua lại. Lúc mới vào trọ học, thèm trái cây lắm nhưng không có tiền nên chỉ đi xem. Các chị bán hàng tưởng mình đi mua, cứ mời mọc, nào chôm chôm đầu mùa, măng cụt đầu mùa ngon lắm, mấy cậu ăn thử đi rồi mua giúp. Họ cầm mấy trái đưa cho mình, vẻ chân thành. Tôi thấy vài người đi trước cầm lấy và ăn rất tự nhiên, nên cũng mạnh dạn... Nhưng ăn vài trái rồi lại đi tiếp qua hàng khác. Rồi hứa đại: Dạ mai cháu về Trung sẽ ghé mua! Cứ thế, mỗi đứa bọn tôi cũng “ăn thử” được... cả chục trái măng cụt hay chôm chôm, no ứ bụng. Đến hè hay tết, những khi về thăm nhà, tôi đều ghé mua vài ký trái cây ở đây về làm quà và cũng để thầm cảm ơn các chị đã cho “ăn thử” trong những bữa thèm ngày trước, khi mới đến đất Sài thành hoa lệ và gặp những người tốt bụng…
Còn phía hàng cá dọc đường bến Chương Dương thì cảm động lắm. Một chị mà tôi hay gọi là O Muối hay giúp tôi làm sẵn món cá lóc hoặc cá kèo. Cá lóc thì chị làm ruột, đánh vảy và cắt khúc sẵn để về nấu canh chua và dặn: “Nấu chín rồi, lấy riêng cá ra đĩa, đâm ớt, tỏi và nước mắm, coi như có hai món, nghe cưng!”. Đến món cá kèo, chị chà bằng tro bếp cho sạch nhớt, dùng kéo cắt đuôi, cắt vây, gói vào lá chuối rồi bày cách kho tiêu, tra nước mắm, làm sao cho con cá cứng giòn ăn mới ngon... Có hôm các chị còn bán chịu hoặc bớt giá cho chúng tôi khi biết cuối tháng chưa đứa nào nhận mandat từ nhà gửi vô. O Muối là người gốc Hoa nghèo, bán cá ở đây từ đời mẹ đến đời con, thường nói: “Mấy cậu này người Quảng Nam, học giỏi lắm đó, tội nghiệp đi học xa nhà, thiếu thốn!”. Ông Năm đạp xe ba gác ở chợ Cầu Muối, người gốc Long Xuyên ở tầng 5 chung cư, thỉnh thoảng còn ghé nhà trọ của chúng tôi, cho một gói mắm cá sặt, mấy củ dền tím, rau nhút nấu canh chua, rất cảm động. Tôi đưa tiền, ông khoát tay nói: “Khỏi! Mơi mốt tui ra ngoải mấy cậu đãi lại, lo gì!”…
Thành ra, với tôi cho đến sau này, từ ký ức chợ Cầu Muối, tôi chỉ thấy có hai món ngon của Sài Gòn là cá lóc canh chua và cá kèo kho tiêu là ngon nhất! Nhưng có lẽ ngon hơn cả là những tình cảm chân thành và bộc trực của những con người tứ xứ mà chúng tôi đã gặp và thiếu nợ họ ở đây...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.