Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân VN: Kỷ vật chiến trường

20/12/2014 04:12 GMT+7

Một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở VN (hiện đang sống ở tiểu bang Florida, Mỹ), đã ngỏ ý muốn trả lại cho các chiến sĩ QĐND VN nhiều kỷ vật mà ông đã đem về nước từ năm 1968.

Một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở VN (hiện đang sống ở tiểu bang Florida, Mỹ), đã ngỏ ý muốn trả lại cho các chiến sĩ QĐND VN nhiều kỷ vật mà ông đã đem về nước từ năm 1968.

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân VN: Kỷ vật chiến trường 19 bức ảnh đen trắng vẫn còn rõ nét - Ảnh: H.Đ.N
Người viết có một anh bạn cùng quê, hiện đang định cư ở TP.Port St.Lucie, tiểu bang Florida (Mỹ) tên là Bùi Phước (Phuoc Bui). Ở đây, anh có quen với một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại VN tên là Larry Cuddy. Ông Larry kể cho Phước nghe ông đang giữ nhiều kỷ vật của các chiến sĩ QĐND VN. Sau 46 năm lưu giữ những kỷ vật này, ông muốn trao trả lại cho chủ nhân hoặc người thân của họ.
Ông Larry cho Phước xem một chiếc hộp carton, trong đó đựng: 2 cuốn nhật ký, nhiều bằng khen, bằng lái xe, bằng tốt nghiệp cấp 2, thẻ đoàn viên và có đến 9 bức ảnh của một số người (tất cả đều được bảo quản rất tốt, rõ nét). Đặc biệt quan trọng là có địa chỉ của một số người, nên khả năng tìm được những nhân vật liên quan là rất cao. Ông Larry tại ngũ thuộc Trung đội 1 bộ binh, Đại đội A2, Sư đoàn kỵ binh bay I. Phần lớn những kỷ vật này được tìm thấy tại thung lũng A Sầu gần biên giới Lào vào mùa xuân năm 1968. Những kỷ vật được đồng đội của Larry phát hiện tại một nơi cất giấu vũ khí và hàng nhu yếu phẩm của QĐND VN ở gần biên giới Lào mà Đại đội A2 đã thu giữ.
Cuốn nhật ký chấm dứt đột ngột

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân VN: Kỷ vật chiến trườngNhững trang viết tay trong cuốn nhật ký
Theo nhận định ban đầu của chúng tôi thì số tư liệu này có liên quan trực tiếp đến ít nhất 4 người. Đó là chiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, sinh ngày 12.12.1946, quê quán tại xã Hải Ninh, H.Hải Hậu, Nam Hà (bây giờ là tỉnh Nam Định). Nguyễn Mạnh Hùng là chủ nhân của một trong 2 cuốn sổ kèm theo 1 giấy phép lái xe mang tên anh. Người thứ hai là chiến sĩ Trần Văn Ký, sinh ngày 5.5.1941 tại xã Quảng Trạch, H.Quảng Xương, Thanh Hóa. Ông Larry giữ của anh Trần Văn Ký 1 giấy phép lái xe và 2 giấy khen do có thành tích ở đơn vị Tiểu đoàn 13, Trung đoàn 38. Người thứ ba là chiến sĩ Nguyễn Đình Nghinh, sinh ngày 4.10.1944, quê quán tại xã Đại Hợp, H.Tứ Kỳ, Hải Dương. Anh Nghinh là chủ nhân của cuốn sổ còn lại (một tập thơ chép tay) và 1 thẻ đoàn viên mang tên anh. Người cuối cùng, có ít hiện vật hơn cả, chỉ là một giấy chứng nhận trúng tuyển kỳ thi hết cấp 2 trường phổ thông. Nội dung: “Trưởng ty Giáo dục Nam Định xác nhận: Trần Ngọc Thuận, sinh ngày 15.5.1950 tại Xuân Bắc, Xuân Trường, Nam Hà. Đã trúng tuyển kỳ thi hết cấp 2 trường phổ thông khóa ngày 21.5.1965 tại Hội đồng thi Xuân Trường”.
“Vinh quang thay cho lứa tuổi hai mươi”
Trong số những kỷ vật do ông Larry Cuddy trao lại, chúng tôi rất thích thú khi đọc những bài thơ chép tay của người lính trẻ Nguyễn Đình Nghinh. Lời thơ mộc mạc, dung dị của chàng trai 18 tuổi, cách đây mấy mươi năm sao mà vô tư, trong sáng và đẹp đẽ biết bao: “Buổi ra đi lòng tôi phấn khởi/Vinh quang thay cho lứa tuổi hai mươi/Bước ra đi làm nghĩa vụ tòng quân/Để giữ vững giang sơn đất Việt/Tôi ra đi đặt lợi quyền trên hết/Vì nhân dân mà tạm biệt quê hương/Xa gia đình, gạt bỏ nỗi nhớ thương/Mẹ già yếu cùng đàn em nhỏ/... Nếu kẻ thù có điên cuồng gây chiến/Tôi sẵn sàng cống hiến sức mình/Chỉ một lòng vì Đất Nước hy sinh/Để giữ vững Hòa Bình... mãi mãi (Ngày nhập ngũ, Hải Phòng: 15.4.62).
Cuốn nhật ký được xác định của chiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, khổ 12x17 cm, ngoài bìa in hình bó hoa hồng và một bình rượu kiểu cổ điển. Cũng giống như trong cuốn sổ thơ chép tay của chiến sĩ Nguyễn Đình Nghinh, trong cuốn nhật ký của Nguyễn Mạnh Hùng xuất hiện những trang lưu bút của đồng đội, đồng chí. Cuốn nhật ký mở đầu vào ngày 9.6.1967 (ngày tháng được tô đậm): “Chẳng còn bao lâu nữa là một năm trôi đi kể từ ngày ta đặt chân lên vùng sơn cước này và cũng là một năm làm hdỷl (ký hiệu): ta đã được hưởng tất cả mùa hè lẫn mùa đông ở đây rồi...”. Và những dòng cuối cùng của cuốn nhật ký (mới chỉ ghi được khoảng 1/3 cuốn sổ): “Ngày 24.2.1968: Kể từ khi ta bước chân vào chiến trường tới nay đã gần tròn một tháng thử thách với bom bi, pháo sáng, tọa độ… Kể ra, nhiều lúc thấy nguy hiểm nhưng lắm lúc lại thấy thú vị... Cách đây 3 ngày, ở nhà nhưng người lại bị cúm đầu óc, chân tay, mình mẩy đau khắp cả. Đến hôm nay mới tương đối gọi là tỉnh tỉnh, và cố gắng ghi lại những dòng chữ ngắn gọn này…”. Cuốn nhật ký chấm dứt đột ngột đủ để ta liên tưởng đến một biến cố trọng đại bất ngờ đã xảy ra cho chủ nhân.
Phía sau những bức ảnh
Có 9 tấm ảnh đen trắng nằm trong bộ sưu tập kỷ vật chiến trường, chúng tôi xin đăng để những người liên quan nhận diện.
Căn cứ vào chữ ký khá bay bướm của Nguyễn Mạnh Hùng (hoặc những ghi chú) sau từng tấm ảnh, chúng tôi chắc chắn anh là chủ sở hữu của ít nhất 6 bức ảnh. Bức lớn nhất (tô màu) là ảnh Nguyễn Mạnh Hùng với khuôn mặt khá điển trai, chụp chung với một nữ bộ đội rất xinh. Bức thứ hai (cũng tô màu) là ảnh chụp một thanh niên đẹp trai, sau ảnh Hùng ghi: “Thằng bạn đồng nghiệp khốn cùng đã xa ngày 25.12.67 lại 255 (tức Trường xế)”. Bức thứ ba (đen trắng) chụp toàn thân một người đàn ông đội mũ và mặc áo khoác bằng dạ (kiểu Nga). Ở bức ảnh thứ tư (đen trắng) chụp chung 7 người (nghi vấn là chị em trong một gia đình, bởi thứ tự của chiều cao, bé đứng trước, lớn đứng sau). Lưng ảnh là nét chữ con gái với màu mực xanh: “Tặng anh tấm ảnh để kỷ niệm và nhớ mãi. Ngày 23.6.67 - Em gái: Thu Hiền”. Bên cạnh Hùng ghi thêm bằng mực đen: “Nhận tại 9009, ngày 6.7.67”. Bức thứ năm là ảnh nhỏ (đen trắng) chụp 6 người đàn ông (toàn thân) trên một khu đất trống. Mặt sau ghi: “Tặng Mạnh Hùng tấm ảnh kỷ niệm. Ký tên: Ứng”. Bức ảnh cuối (cũng là ảnh đen trắng) chụp hai người nữ mặc áo thanh niên xung phong, phía sau là nét chữ và chữ ký của Hùng: “Nhận tại đất Sơn cước 9009”.
Ba tấm ảnh còn lại chưa xác định thuộc về ai: một bức (tô màu) là chân dung của một thiếu nữ có khuôn mặt tròn rất rõ nét, cổ quàng khăn. Lưng ảnh có viết chữ nhưng bị hoen ố do ảnh trước đó được dán rồi bóc ra (vết mờ do dính keo, hồ) nhưng có thể đọc được: “Ngày 20.6… Duyên”. Còn lại bức ảnh khổ 2x3 cm, chụp toàn thân người đàn ông đứng dựa vào một bờ tường xi măng dài, sau ảnh chỉ ghi vỏn vẹn: “Kỷ niệm 28/2 (chữ ký)”. Tấm ảnh cuối cùng chụp hai người nữ mặc quân phục (có đội mũ) ngồi trước một ngôi nhà xây. Lưng ảnh ghi: “Em gái Định, kính tặng anh tấm ảnh, nhớ mãi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.