Kỷ lục gia châu Á - Nghệ sĩ Mai Đình Tới: Khát khao sáng tạo

24/05/2013 07:34 GMT+7

Có lẽ hiếm có người nghệ sĩ nào đam mê tìm tòi để sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo như Mai Đình Tới. Chẳng thế mà cuối năm 2012, Trung tâm Kỷ lục châu Á đã trao bằng xác nhận anh là Nghệ sĩ có nhiều nhạc cụ tự chế nhất châu Á…

Người viết và nghệ sĩ Mai Đình Tới đã có hơn mười năm thân thiết, cho nên tôi luôn được anh chia sẻ những ý tưởng sáng tạo của mình và không hề ngạc nhiên khi anh hiện thực hóa được những ý tưởng ấy…Tuy nhiên khi nhìn anh biểu diễn trên sân khấu, thì những tiết mục của anh luôn để lại “ấn tượng mạnh” trong tôi và những khán giả có mặt.

Chẳng hạn với tiết mục đàn chai - đó là 12 chai nước ngọt được kết nối lại với nhau theo hình cánh cung (các miệng chai chụm lại, đáy chai xòe ra), trong mỗi chai đều có nước nhưng khác nhau về dung tích tạo nên những cao độ khi anh phả làn hơi lướt trên những miệng chai. Dù tiếng đàn chai không trong trẻo, lảnh lót như tiếng sáo trúc mà trầm đục, vang vọng như tiếng tù và, tiếng kèn đá nhưng vẫn cho phép người nghệ sĩ diễn tấu được cả những bản nhạc khó nhất.

Rồi anh độc tấu một bản nhạc bằng…cái bóng đèn néon đang cháy sáng khiến khán giả lo ngay ngáy nhỡ anh bị điện giật.

Mai Đình Tới là thế, luôn khát khao nghiên cứu và nung nấu tạo cho mình một phong cách biểu diễn với các nhạc cụ “không đụng hàng”…


Ảnh: nhân vật cung cấp

* Đến nay, anh có thể cho biết mình đã tự chế được bao nhiêu nhạc cụ? Loại nào khiến anh tốn nhiều công sức nhất?

- Không nhớ hết được tôi đã làm ra bao nhiêu nhạc cụ, nhưng chủ yếu là các nhóm: đàn chai, đàn chén, đàn ly, đàn chuông, đàn bóng đèn néon, đàn ống pô xe máy, soong nồi, ống nước, ống nhựa…Tôi khởi nghiệp bằng tiết mục vừa thổi sáo (miệng và tay) vừa đánh dàn trống dân tộc bằng chân. Để có tiết mục này tôi phải mất 7 năm khổ luyện.

Sản phẩm quy mô nhất của tôi chính là Tổ hợp sân khấu-dàn nhạc ống nhựa Đạt Hòa lớn nhất châu Á. Tổ hợp này dùng ống nhựa (nhiều kích cỡ) để dàn dựng thành một sân khấu lớn, có 16 loại nhạc cụ được thiết kế trên những ống nhựa của sân khấu, có khả năng đệm và độc tấu cho 4 thể loại: dân ca, quan họ, cải lương và Flamenco. Tổ hợp có thể tháo rời và lắp ráp lại, ngốn hết 20 tấn đường ống (10 xe tải) và mất 6 năm để ý tưởng thành hiện thực. Tổ chức Kỷ lục châu Á đã công nhận kỷ lục và trao bằng vào tháng 10.2012…

* Để làm ra những nhạc cụ độc đáo và thú vị này, hẳn anh phải có những kiến thức nhất định về âm nhạc?

- Tôi sinh năm 1959 tại vùng chiêm trũng xã Vịnh Thịnh (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Thuở nhỏ thường được theo ông nội là nhạc công thổi kèn lá trong phường bát âm đi diễn giao lưu trong vùng. m nhạc và nhất là âm nhạc dân tộc thấm vào tôi ngay từ thời thơ ấu. Lớn lên, may mắn được đào tạo 4 năm ở Đoàn Tuồng Bắc Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng T.Ư). Ngoài ra còn được các thầy ở Trường Sân khấu và Điện ảnh (Hà Nội) và Nhạc viện Hà Nội hướng dẫn thêm về âm nhạc dân tộc và kèn ô-boa nên cũng đã nắm vững được nhạc lý và kỹ thuật...

Tôi đặc biệt đam mê và khát khao được sáng tạo. Khi bắt gặp một vật dụng, một chất liệu nào đó, tôi nghĩ ngay là phải bắt nó tạo ra những âm thanh theo đúng ý mình và âm thanh đó sẽ thích hợp với thể loại nào, bản nhạc nào…Từ những năm mới bắt tay mày mò sáng tạo một cách vất vả, tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc (để mua nguyên vật liệu thay thế những cái đã làm hỏng), tới nay những tiết mục biểu diễn nhạc cụ tự chế của tôi đã chinh phục được ở ngay cả những trung tâm âm nhạc nổi tiếng nhất thế giới như Nhạc viện Tchaikovski (Nga, năm 2011), Trường nhạc của Trung tâm Điện ảnh Hollywood (Mỹ). Tôi còn được nhiều nước khác mời qua biểu diễn (Malaysia, Sigapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Thụy Sĩ…). Có khá nhiều hãng thông tấn, truyền hình thuộc nhiều quốc gia như NTK (Nhật), KBS (Hàn Quốc), Pháp, Thụy Sĩ, Mỹ…đã ghi hình buổi biểu diễn của tôi.

* Hiện nay anh đang ấp ủ đề tài gì?

- Anh sẽ rất ngạc nhiên vì nó không thuộc lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật mà là một dự án về giao thông đường bộ. Đó là dự án Đường treo thông minh. Ý tưởng này tôi đã ấp ủ hơn 5 năm nay, đó là những con đường treo nhiều tầng ở trên cao có khả năng không bao giờ tắc đường (nếu như người tham gia giao thông không tự gây tai nạn)…Tôi đã mua về cả mấy bao tải xe hơi, xe máy đồ chơi rồi lên mô hình và nghiên cứu. Vợ tôi can ngăn: “Đó không phải là lĩnh vực của anh, anh chỉ nên nghiên cứu âm nhạc, nhạc cụ thôi!”. Tôi trả lời: “Nhưng anh là một nhà sáng tạo. Hơn nữa, những trở ngại về giao thông luôn diễn ra hằng ngày khiến anh bức xúc, luôn có tâm trạng thôi thúc muốn làm một điều gì đó để thông thoáng đường phố và thông thoáng luôn tâm trí của mình”.

Dự án của tôi có thể nói rằng chưa có một kỹ sư nào nghĩ tới bởi nó đặc biệt tiện lợi ở 4 tiêu chí: 1) Không phải giải phóng mặt bằng rồi đền bù giải tỏa. 2) Sử dụng phế liệu từ nhựa, nylon làm cốt nền và mặt đường (góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường bởi hàng nghìn tấn nhựa, nylon không tự hoại). 3) Giá thành rẻ, hợp lý với ngân sách. 4) Thời gian sử dụng rất lâu dài (nếu không muốn nói là vĩnh cửu) và có thể tháo ráp, đem đi nơi khác. Ngoài ra đường treo của tôi còn được thiết kế để có tính thẩm mỹ, nghệ thuật cao. Tôi quan niệm rằng: Người Việt Nam phải sáng tạo ra những con đường rất Việt Nam, mà không có một kỹ sư ở nước ngoài nào có thể thiết kế được…Tôi sẵn sàng thuyết trình và diễn giải trước một Hội đồng khoa học cấp Nhà Nước hoặc quốc tế để chứng minh tính khả thi và tiện ích của “Đường treo thông minh”. Tôi xin chịu trách nhiệm về những gì mình đã phát biểu.

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.