Kỳ cuối: Hé lộ những bí mật lồng tiếng phim TVB khuynh đảo một thời

15/06/2016 09:11 GMT+7

Hơn 20 năm nhưng những giọng lồng tiếng như Bích Ngọc, Thế Thanh, Huy Hồ... vẫn có sức hút đặc biệt, đến nỗi dù biến hóa thành nhân vật nào, khán giả vẫn có thể nhận ra họ. Đâu là bí quyết của những 'giọng vàng' này?

"Đột nhập" phòng lồng tiếng
Theo chia sẻ của các diễn viên lồng tiếng, ngày trước phòng lồng tiếng phim khá rộng, đủ chỗ cho một nhóm khoảng 7 - 9 người. Các diễn viên lồng tiếng ngồi dàn thành một hàng, trước mặt là màn hình chiếu phim, trên tay là lời thoại nhân vật, đến vai của ai thì người đó sẽ theo kịch bản để thoại cho khớp với khẩu hình của diễn viên trên phim.
Khi nhận một bộ phim, trưởng nhóm sẽ là người phân vai cho các diễn viên lồng tiếng. Đầu tiên là quan sát dáng vẻ, thần thái của nhân vật để chọn giọng cho phù hợp. Nhân vật to con, oai vệ thì giọng nói phải đầy đặn, nhân vật ốm, dong dỏng cao thì giọng phải mỏng, cao.
Sau chừng vài phân đoạn, diễn viên lồng tiếng nắm được tính cách của nhân vật thì sẽ chọn giọng thoại phù hợp hơn bởi ngoài dáng vẻ bên ngoài thì tính cách nhân vật cũng rất quan trọng trong việc chọn giọng nói cho phù hợp, ví như người ốm yếu nhưng gian xảo sẽ nói giọng khác với người ốm yếu nhưng hiền lành. 
Khi đã trở nên quen thuộc, các diễn viên lồng tiếng có xu hướng gắn liền giọng nói với một vài diễn viên nhất định. Chẳng hạn như Bích Ngọc chuyên lồng tiếng cho Tuyên Huyên, Trần Tú Văn, Ôn Bích Hà; Thế Thanh với các vai diễn của Âu Dương Chấn Hoa, Huỳnh Nhật Hoa; Bá Nghị là người "chuyên trị" các vai của Trần Hào, Mã Đức Chung hay nhắc đến các vai thái giám, khó ai qua khỏi Huy Hồ...
 
Bích Ngọc chuyên lồng tiếng cho Tuyên Huyên, Trần Tú Văn, Ôn Bích Hà... Ảnh: Thiên Hương
Tuy nhiên, vì số lượng nhân vật trong phim rất nhiều, bao gồm cả vai chính, vai phụ, vai quần chúng trong khi nhóm lồng tiếng chưa đến 10 người nên thông thường, một diễn viên lồng tiếng có thể đảm nhận nhiều vai trong một bộ phim, đặc biệt là phim cổ trang.
Ví dụ trong phim Công chúa giá đáo, diễn viên Huy Hồ lồng tiếng cho cả 3 cha con. Tuy nhiên, chưa bằng phim Thiếu niên tứ đại danh bộ, anh phải lồng tiếng đến... 5 nhân vật. Để không bị lẫn lộn, trong kịch bản, Huy Hồ dùng bút màu để đánh dấu lời thoại của từng vai diễn, ví như màu xanh cho vai A, màu đỏ cho vai B... Nào ngờ đến khi vào phòng thu, anh mới phát hiện ra một đoạn thoại có cả 5 nhân vật xuất hiện cùng lúc.
Gặp phải trường hợp này, lúc còn lồng tiếng trên băng từ, thì diễn viên lồng tiếng phải chuyển giọng liên tục, "bí" quá thì nhờ đồng nghiệp ngồi bên cạnh phụ họa một vài câu hoặc "làm màu" giúp nếu chẳng may các nhân vật này cùng nói "chồng" tiếng lên nhau.
Cũng vì thu trên băng từ nên càng về cuối tập phim, diễn viên lồng tiếng càng áp lực vì sơ suất là phải thu lại từ đầu. Huy Hồ nhớ lại: "Xưa trong nhóm, có một cô lồng tiếng vai y tá, nói chừng 4 câu thoại ngắn thôi, vậy mà cứ hư miết, làm từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa vẫn không xong, khiến tôi và các diễn viên khác cũng phải nói đi nói lại hoài cái đoạn đó".
Hiện nay, kỹ thuật tiến bộ, diễn viên lồng tiếng chỉ cần lần lượt lồng cho từng vai, sau đó kỹ thuật viên sẽ làm công việc "ráp" giọng. Phòng thu cũng tiết kiệm diện tích hơn bởi diễn viên làm việc độc lập và cũng không phụ thuộc vào giờ giấc của diễn viên khác.
Riêng với giọng con nít, đa phần phải do phụ nữ giả giọng kể cả đó là bé trai hay bé gái bởi giọng nam thường trầm nên vóng lên như tiếng trẻ con thì rất khó.
Những kiểu "làm màu" khó đỡ trong nghề
Trong kỹ thuật lồng tiếng còn có một yếu tố rất quan trọng nhưng ít ai chú ý, đó là làm màu. Thế Thanh cho biết: "Diễn viên lồng tiếng mà chỉ biết nói cho khớp với diễn viên trên phim không thì không thể sinh động được. Mình còn phải bắt nhịp với những cử chỉ, hơi thở của nhân vật nữa. Ví dụ nhân vật thở nhẹ thì mình cũng phải thở nhẹ. Nhân vật bị đánh vào bụng thì tiếng la sẽ khác với khi bị đánh vào tay, chân, vào mặt. Cười mà đau khổ cũng sẽ khác với cười mà sung sướng. Đó gọi là kỹ thuật làm màu".
Theo Thế Thanh, có nhiều người lồng tiếng rất giỏi nhưng làm màu không được và ngược lại. Điều này đòi hỏi diễn viên lồng tiếng phải chịu khó quan sát. Nói về vấn đề này, diễn viên lồng tiếng Huy Hồ bật mí: "Ví dụ khi ăn ngoài đường, thấy người ta xì xụp húp mì, mình phải quan sát. Có những người vừa ăn vừa cười nói bỗ bã, thậm chí là hỉ mũi, mình cũng phải tập vì đó sẽ là những cái "làm màu" đôi lúc cần cho vai diễn. Rồi người nhà quê nói chuyện sao, dân nhậu nói chuyện thế nào... mình cũng phải tập hết. Còn làm là còn phải học, nhất là với nghề này".
Huy Hồ đang lồng tiếng cho một bộ phim Ảnh: Thiên Hương
Những tập lời thoại mà diễn viên lồng tiếng sử dụng để lồng cho phim Ảnh: Thiên Hương
Cũng bởi thế mà khi có dịp quan sát các diễn viên lồng tiếng làm việc, nhiều người sẽ thấy ngạc nhiên khi chứng kiến họ có những hành động khá lạ như khóc, cười, la hét, thở dài... dù rằng chỉ một mình đối diện với màn hình tivi trong phòng thu. Bởi thế, giới lồng tiếng vẫn thường có câu: "Diễn giọng đâu phải dễ!".
Căng thẳng không kém các diễn viên trên phim trường, các diễn viên lồng tiếng trong phòng thu vừa phải không ngừng quan sát màn hình để bắt đúng khẩu hình diễn viên vừa phải lướt qua kịch bản để xem thoại. Đầu óc cũng phải linh hoạt để phán đoán, đôi khi còn phải tự căn chỉnh, sửa lời thoại khi người dịch... ẩu. 
Vốn quý nhất của diễn viên lồng tiếng, có lẽ là giọng nói. Chia sẻ về bí quyết "giữ giọng", diễn viên lồng tiếng Thế Thanh cho hay: "Thật ra, ai cũng biết những nguyên tắc như không hút thuốc, không thức khuya, không uống cà phê, không nhậu nhẹt, ăn uống thì kiêng những thứ có thể gây đau cổ họng. Tuy nhiên, bản thân tôi nghĩ rằng giọng hay chưa đủ mà nghề lồng tiếng còn phải đòi hỏi cái tâm của người làm nghề. Phải hết lòng với vai diễn, sống cùng cảm xúc của nhân vật thì mới thật sự chinh phục được đôi tai của khán giả".
Vì sao hơn 20 năm, lồng tiếng vẫn hút hồn khán giả?
Ngày nay, bước vào phòng lồng tiếng, tuy không còn cảm nhận được không khí đông vui như xưa vì mỗi diễn viên làm việc ở một phòng riêng biệt nhưng những cảm xúc, những hỉ nộ ái ố của người lồng tiếng mỗi khi "nhập vai" vẫn rất "máu lửa".
Diễn viên lồng tiếng Huy Hồ cho biết: "Từng làm chung với nhau nhiều năm nên dù không còn ngồi cùng nhau nữa nhưng mình sẽ biết tới đoạn đó thì bạn diễn của mình sẽ thoại thế nào. Điều đó khiến mình hòa vào rất dễ. Giống như khi lồng cho bộ phim Võ Tắc Thiên, tôi lồng vai vua, Bích Ngọc thì lồng vai Võ Tắc Thiên. Dù không còn ngồi lồng tiếng chung với nhau nhưng chúng tôi vẫn hiểu ý. Khi ghép lại, anh kỹ thuật viên khen cả hai nhập vai rất mùi, vậy là yên tâm rồi".
Theo Huy Hồ, độ "mùi" rất quan trọng trong nghề lồng tiếng. Đó cũng là "bí quyết" khiến dàn diễn viên lồng tiếng ngày trước để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả. Khi bước vào phòng lồng tiếng, họ phải tập gạt bỏ hết những hỉ nộ ái ố của bản thân, thậm chí dù hai người đang cãi nhau "long trời lở đất" ở ngoài đời nhưng khi bước vào phòng thu vẫn phải sắm vai hai người yêu nhau với những lời thoại mùi mẫn.
Diễn viên lồng tiếng Thế Thanh kể ngày trước, có khi vì quá "nhập vai", diễn viên đang lồng tiếng bỗng khóc ngon ơ vì... phim quá cảm động. Những chuyện này không lạ bởi ngay cả... anh kỹ thuật viên đôi lúc cũng sụt sùi bởi giọng nghèn nghẹn, sướt mướt của người diễn viên lồng tiếng.
"Các bạn trẻ bây giờ đa số đọc cho đủ lời thoại mà không có chú ý đến nội tâm. Thí dụ như khi hai người vừa giận nhau xong, nói chuyện làm lành với nhau thì kiểu nói sẽ khác hẳn hai người nói chuyện xong thì gây gỗ rồi giận nhau. Những cái này không khó, làm riết rồi quen, chỉ là mình yêu công việc đó đến mức độ nào thôi", diễn viên lồng tiếng Huy Hồ nói thêm...
Diễn viên lồng tiếng Thế Thanh thỉnh thoảng tham gia lồng tiếng cho đỡ nhớ nghề Ảnh: Thiên Hương
Hiện nay, phim TVB dù được cho là đã bước vào giai đoạn thoái trào nhưng với những diễn viên lồng tiếng đã gắn bó với dòng phim này thì sức hút của phim và sự đam mê với nghề chưa bao giờ giảm sút. 
Diễn viên lồng tiếng Huy Hồ chia sẻ: "Nói về cái nghề này, mình thích mình mới làm được chứ ở độ tuổi như tôi sẽ rất dễ bị bão hòa. Riêng dòng phim TVB thì tôi đặc biệt yêu thích bởi bộ phim dù là tệ nhất thì vẫn tạo cho mình cảm giác thích được làm. Còn những phim bây giờ như Philippines, Thái Lan... khi lồng tiếng thì mức độ cảm lại không được nhiều, chỉ có thể dừng lại ở việc diễn giọng theo diễn viên thôi".
Chỉ được biết đến qua giọng nói, chẳng mấy khi được lộ diện trước khán giả nhưng những diễn viên lồng tiếng vẫn miệt mài gắn bó với công việc này. Khi được hỏi về mong muốn được khán giả biết đến và được công nhận bằng những giải thưởng, đa phần các diễn viên lồng tiếng đều... cười trừ. Nói như diễn viên Minh Hương: "Chỉ được mỗi cái giọng nên khi khán giả nhận ra, mình cũng hãnh diện lắm rồi...".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.