Kỳ bí giếng cổ - Kỳ 7: Mắt của rồng thiêng

15/11/2015 05:45 GMT+7

Đến xã Bá Hiến, H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, chúng tôi được nghe nhiều chuyện ly kỳ về 13 giếng cổ có niên đại trên dưới 600 năm.

Đến xã Bá Hiến, H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, chúng tôi được nghe nhiều chuyện ly kỳ về 13 giếng cổ có niên đại trên dưới 600 năm.

Giếng cổ Giao San (thôn Thích Chung) được cho là cổ nhất trong số các giếng cổ tại tổng Bá Hạ - Ảnh: Thúy HằngGiếng cổ Giao San (thôn Thích Chung) được cho là cổ nhất trong số các giếng cổ tại tổng Bá Hạ - Ảnh: Thúy Hằng
13 giếng cổ kể trên nằm rải rác ở 4 thôn Quang Vinh, Thiện Chi, Bá Hương, Thích Chung trong xã (tên cổ trước đây là tổng Bá Hạ). Một người đàn ông tên Nguyễn Văn Chiến, quê ở Thanh Trì, Hà Nội nhưng sống và làm việc ở Bá Hiến gần 10 năm đã thuần thục hết đường lối của vùng đất này nói: “Đang đi đường xa thế này, dù nóng nực thế nào chỉ cần uống một ngụm nước giếng cổ là tỉnh như sáo”.
Cơi nới giếng là nước đục ngầu, chuyển mùi
Anh Chiến đưa chúng tôi tới giếng cổ Giao San ở thôn Thích Chung. Giếng nằm bên một gốc đa cổ thụ, sát đó là cánh đồng lúa và chùa Giao San cổ kính. Bao nhiêu năm qua, các giếng cổ của tổng Bá Hạ xưa vẫn nằm trong tổng thể kiến trúc cây đa - giếng nước - sân đình. Anh Chiến múc nước rồi đổ một chút lên thành giếng, từ đó hiện rõ những chữ Hán được khắc trên đây, được dịch có nghĩa là: Hồng Đức nhị thập thất niên Canh Tuất nguyệt thập ngũ nhật (ngày 15 tháng 10 năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 27, khoảng năm 1496).
Các cụ cao niên trong xã Bá Hiến kể lại, những năm 1960 có khoảng 7 giếng cổ trong xã bị san lấp, phá bỏ do người dân nghĩ rằng đó là tàn tích phong kiến. 13 giếng còn lại đều có điểm chung trong kiến trúc là lòng giếng hình trụ, xung quanh là đá cuội được xếp tròn trịa, thành giếng hình vuông do 4 tấm đá xanh cao khoảng 1,5 m ghép lại. Các tấm đá xanh này có khắc chữ Hán, mép các phiến đá có hình lượn sóng. Người dân địa phương giải thích có thể từ thời xa xưa, người dân ra giếng để mài dao, liềm và các nông cụ khác, trải qua hàng trăm năm tạo nên những hình lượn sóng độc đáo trên.
Mỗi giếng cổ ở Bá Hiến chỉ sâu tối đa khoảng 4 m, mực nước trong giếng không bao giờ vượt ngưỡng 1 m nhưng chưa bao giờ hết nước. Trong khi đó, những giếng khơi mới được đào trong làng, sâu hơn chục mét, cứ đến mùa khô thì cạn trơ đáy. Điều đặc biệt, nếu chỉ cần cơi nới, mở rộng lòng giếng, ngay lập tức nước trong giếng chuyển màu, có mùi, không thể ăn uống được.
Người dân thôn Thiện Chi đến giờ vẫn còn hú hồn với phen mở rộng giếng làng năm 2008. Giếng cổ đang có nước rất trong, tuy nhiên mực nước hơi nông. Người dân nạo vét giếng, dỡ bỏ những phiến đá ong đá cuội trong lòng giếng ra, nước lập tức đục ngầu, không thể ăn uống được. Người làng hoảng sợ đưa số đá cuội, đá ong xếp trước miếu thờ của làng, ngày rằm mùng 1 thắp hương, khấn vái, mong được điềm lành.
Đá chuyển tới đâu, ở đó cây tươi tốt
Những giếng cổ có hình thù kỳ lạ nhiều thế kỷ qua luôn luôn kích thích sự tò mò của dân làng và khách thập phương. Nhiều người còn đồn đoán trong lòng giếng cất giữ cổ vật, hoặc thậm chí là gỗ quý. Nhiều năm trước, người dân thôn Bá Hương lặn xuống đáy giếng khám phá xem bên trong lòng giếng có gì. Anh Dương Văn Hanh (35 tuổi) nhớ lại, 15 năm trước anh cũng trực tiếp nhìn người làng tham gia tìm “cổ vật” dưới đáy giếng. Tuy nhiên, “cổ vật” đâu chẳng thấy, chỉ mang lên được 2 tảng đá xanh. Kỳ lạ là tảng đá mang đến đâu, ở đó mọc lên những cái cây cao lớn, xanh tốt. Người làng gọi đó là 2 con mắt của rồng thiêng.
Tại thôn Bá Hương còn một chiếc giếng cổ khá đặc biệt khác. Kích thước nhỏ hơn các giếng cổ trong làng, nằm nguyên vẹn trong sân nhà ông Nguyễn Viết Bồng. Ông Bồng ngoài 70 tuổi, không dám xây dựng gì ảnh hưởng đến giếng cổ, sát đó ông còn lập một bàn thờ nhỏ để nhang khói thường xuyên. Người làng kể lại những ngày trăng sáng, đi làm đồng sớm, qua giếng thiêng thấy mặt giếng hắt lên những vệt sáng trắng.
Cho đến nay, hằng năm, cứ vào hội Lệ (ngày 15.3 âm lịch), người dân Bá Hiến lấy nước trong các giếng cổ để tắm tượng trong đình, chùa. Theo đại diện UBND xã Bá Hiến, thời gian qua nhiều đoàn khảo sát di tích đặc biệt ghé vào Bá Hiến, cũng có nhiều người mua cổ vật vào tận làng kỳ kèo, nói với người làng sẽ mua những phiến đá trên thành giếng với giá rất cao nhưng người dân kiên quyết không bán.
Với người dân Bá Hiến, mỗi cái giếng như mắt của làng, phải giữ những con mắt luôn thật trong, thật sáng, không bị vẩn đục, từ đó con cháu trong làng mới học tập, làm việc hanh thông, phát đạt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.