Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Diện kiến vua Minh Mạng

10/01/2017 07:08 GMT+7

Cha tôi nôn nóng muốn gặp vua Minh Mạng. Sau khi báo tin xin được tiếp kiến, cha tôi đã đến điện Cần Chánh.

Michel Đức Chaigneuau
Vua Minh Mạng đón tiếp cha tôi với sự trang trọng pha lẫn một chút lạnh nhạt. Tuy vậy, nhà vua có vẻ hài lòng khi thấy cha tôi quay về lại xứ này.
Nhà vua trấn an cha tôi rằng ngài sẽ vẫn xem ông như một vị quan đã được người tiền nhiệm đánh giá cao và ưu ái nhất.
Cha tôi vốn đã quen tự nhiên thoải mái trước vua Gia Long thì nay hơi bỡ ngỡ khi đối diện với vua Minh Mạng: trước đây cha tôi đã biết ngài sẽ là người nối ngôi nhưng cha tôi lại chẳng có mấy thiện cảm với con người này. Cha tôi bẩm trình đức vua về nhiệm vụ được giao, xin đức vua ấn định ngày giờ xét thấy phù hợp để chính thức tiếp nhận thư và quà tặng của vua Louis XVIII, theo đó ra lệnh chuyển về cung với tất cả nghi thức trang trọng.
Đức vua chuẩn thuận về điểm này, nhưng riêng về dự định ký kết thỏa ước với chính phủ Pháp, vua Minh Mạng chỉ trả lời với những chỉ dấu không rõ ràng: để đúng phép, ngài chỉ vấn an về tình hình của hoàng gia và hỏi thăm về nước Pháp. Sự im lặng của vua Minh Mạng (đối với đề nghị ký kết thỏa ước) là điềm báo sự không thành công của nỗ lực đàm phán với triều đình An Nam.
Ngồi trước mặt vua
Trong một lần tiếp kiến, vua Minh Mạng nói với cha tôi về người trưởng nam đức vua đã gặp vài lần khi vua Gia Long còn tại vị, và bày tỏ mong muốn được gặp. Người trưởng nam mà đức vua nói tới là tôi.
Rồi một hôm, ngài cho người mang đến cho tôi, theo nghi lễ và xếp trong một chiếc hộp, một quần vải thưa màu đỏ với một áo dài vải lụa xanh dương, có lót vải lụa vàng và viền vải thêu chỉ vàng (tôi vẫn còn giữ những tặng vật này). Ít hôm sau khi nhận hộp quà của đức vua, một người mang đến lệnh của vua thông báo cho tôi là ngài có buổi tiếp kiến riêng.
Tức khắc, tôi cho thắng yên ngựa, sau khi báo cho cha tôi biết lệnh của vua. Tôi mặc bộ áo quần đẹp nhất và một lát sau tôi đã đến trước cổng Tịnh Tâm. Người truyền lệnh của vua Minh Mạng đến trước tôi vài phút, chờ tôi ở đó để hướng dẫn, đồng thời cũng đề phòng những phiền toái có thể xảy ra cho tôi từ phía lính tuần và người phục dịch, vì họ phải tuân theo những mệnh lệnh hết sức nghiêm ngặt. Tôi đi theo người dẫn đường vào cung. Sau khi băng qua một cây cầu và một khoảnh đất trồng hoa, tôi đến sảnh chờ, nơi một người tùy tùng chỉ cho tôi lối phải vào để đến phòng tiếp kiến của đức vua.
Ở xứ này không như ở châu Âu, không có tập quán báo danh khi những vị khách đến tiếp kiến hay đến thăm, do đó tôi lặng lẽ đi qua cửa và tức thì diện kiến ngay vua Minh Mạng. Ngài thốt lên khi thấy tôi: “À đây!”, tay ra dấu cho tôi đến gần. Một lát sau, một quan văn phục vụ cho văn phòng của vua đi vào theo lệnh đòi trước đó của đức vua.
Vị quan này trạc khoảng ba mươi lăm bốn mươi tuổi, nhỏ người, mảnh mai, diện mạo gầy gò bất thường, khuôn mặt rám nắng góc cạnh, hai gò má cao, mũi bè ra, cằm hơi tròn, với một chòm tạm gọi là râu có thể đếm được dễ dàng số sợi râu. Môi ông khá mỏng, trên rìa môi trên lơ thơ vài sợi râu. Khăn đóng đội đầu bằng vải thưa màu đen gần như che khuất vầng trán bóng láng, bên dưới lộ ra hai con mắt đen và sáng, bộc lộ sự thông minh và thoáng vẻ tự hào. Vị quan mặc quần trắng với áo dài vải lụa màu xanh dương thật đẹp, tà áo dài ngang bắp chân, che đi một áo ngắn bên trong với cổ áo và tay áo cho thấy có thể đã lâu lắm rồi người mặc đã quên giao cho nô tì giặt giũ. Bề ngoài trông không đẹp người, thậm chí là khá xấu xí, bù lại vị quan có phong thái, cử chỉ của giới quyền quý. Nhà vua lại ra dấu và vị quan đến gần bên tôi. Hai chúng tôi vâng lệnh ngồi xuống khi vua Minh Mạng chỉ cho cả hai một cái sập thấp gần với sập đức vua đang ngồi.
Những ai am hiểu về nghi thức tại triều đình Huế có thể sẽ ngạc nhiên việc đức vua cho phép chúng tôi ngồi xuống trước mặt ngài, trong khi ngay cả các vị quan lớn cũng buộc phải luôn ở tư thế đứng trước đức vua. Điều giải thích cho đặc ân hôm đó với vị quan và cả tôi: vị quan có công việc thư lại ngồi ghi chép những gì tôi dịch ra ở phần dưới của những bức tranh (nước Pháp tặng), và phần tôi phải ngồi thật gần với đức vua để chỉ rõ cho ngài, theo những ghi chú trên tranh, vị trí của các đội quân hay nhân vật xuất hiện trên tranh.
Chỉ có hai chúng tôi là ngồi gần đức vua, các vị quan tùy tùng và vài người chờ mang lệnh truyền thì đứng sau một cánh cửa mở hờ (người An Nam không có tập quán dùng chuông rung để gọi); vài nô tì trẻ tuổi, khoảng mười lăm hai mươi tuổi, đứng yên ở góc phòng, lưng tựa vào vách và luôn sẵn sàng đợi vua ra dấu để chạy đến quỳ xuống dâng lên vua một điếu thuốc đã đốt, mà trước đó chúng đã hút thử vài hơi. Tất cả mọi con người ở đây đều rất chăm chú theo dõi từng cử chỉ của nhà vua.
Trích từ Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (NXB Thuận Hóa, Huế, 2016)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.