Kinh phí không phải vấn đề lớn nhất của văn hóa

26/12/2019 09:55 GMT+7

Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn (ảnh), Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, vấn đề lớn nhất để phát triển văn hóa là tháo tắc nghẽn, chứ không phải thiếu tiền.

Theo báo cáo của Bộ VH-TT-DL, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cấp về tỉnh, TP trực thuộc T.Ư cho văn hóa chỉ được 1,72% ngân sách chung, thấp hơn mức phấn đấu đến năm 2010 được Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa IX đề ra là ít nhất đầu tư văn hóa đạt 1,8%. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhiều lần nói về việc văn hóa kém phát triển do thiếu kinh phí. Ông nhìn nhận ra sao về quan điểm này?
Thực ra, kinh phí không phải vấn đề lớn nhất của văn hóa, nhưng nó có vai trò then chốt trong việc phát triển văn hóa, vì đầu tư đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa. Về nguyên tắc, chúng ta quan tâm tới lĩnh vực gì, chúng ta sẽ đầu tư cho lĩnh vực đó. Thứ hai, nó tạo điều kiện cơ sở vật chất, những chương trình mục tiêu phát triển định hướng lớn; tạo ra những hạ tầng, điều kiện để văn hóa phát triển, mà thiếu nó thì nhiều lĩnh vực sẽ khó phát triển.
Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả. Có những điều tiền cũng không mua được, chẳng hạn như cơ chế chính sách, các định hướng. Nếu tháo gỡ được một loạt các điểm nghẽn trong phát triển văn hóa thì chúng ta sẽ tạo thuận lợi hơn bên cạnh vấn đề tài chính. Chẳng hạn, các điểm nghẽn như mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, vấn đề tự do sáng tạo, vấn đề kiểm duyệt nên tiền kiểm hay hậu kiểm, hay các hỗ trợ về thuế với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, chính sách đất đai và địa vị pháp lý cho các không gian sáng tạo… Đó là những điểm nghẽn cần giải quyết trong thời gian tới.
Như ông nói phần quan trọng không kém là cơ chế, chính sách, nhưng thực tế cho thấy các quy định về nghệ thuật biểu diễn, về điện ảnh, về bản quyền thường phải sửa đổi rất nhanh ngay khi nghị định, quy chế vừa mới ra đời... Theo ông, năng lực soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của ngành VH-TT-DL có vấn đề gì không?
Chắc chắn khi luật ra không phù hợp thực tiễn, dẫn đến phải sửa thì đúng là câu chuyện đó nằm ở năng lực của cán bộ soạn thảo ban hành văn bản. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thông cảm ở chỗ đời sống văn hóa nghệ thuật của chúng ta rất sôi động và phức tạp. Nên mọi kinh nghiệm cũ, giải pháp cũ không đúng với bối cảnh mới, thậm chí nếu áp dụng còn cản trở phát triển của các loại hình văn học nghệ thuật. Chúng ta phải chấp nhận điều chỉnh dần dần.
Vậy phải giải quyết vấn đề này theo cách nào để khắc phục được các tồn tại như đã nêu trên, theo ông?
Việc ban hành văn bản chắc chắn phải theo các nước phương Tây vẫn dùng, là dựa vào thực tế cuộc sống. Nghĩa là văn bản được hình thành, ban hành từ dưới lên, chứ không phải từ trên xuống như cách chúng ta đang làm hiện nay.
Đúng là chúng ta thiếu tiền, nhưng ngay cả khi đủ tiền thì vẫn cần hợp tác công tư. Vấn đề lớn nhất của hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa là gì?
Chủ trương hợp tác công tư là chủ trương lớn trong bối cảnh hiện nay, trong đó có cả lĩnh vực văn hóa. Trong hợp tác công tư, để đạt hiệu quả thì phải xác định hợp tác trong lĩnh vực gì, cái gì thì phù hợp chứ không phải mọi lĩnh vực liên quan đến văn hóa nghệ thuật, vì nó là liên quan đến đạo đức xã hội, giá trị… Nếu chúng ta sai thì không có cơ hội sửa chữa.
Tiếp theo, chúng ta phải xác định, trong hợp tác đó nhà nước làm gì, đối tác làm gì. Theo quan điểm chung, nhà nước chỉ làm cái tư nhân không làm. Nhà nước cũng phải ban hành các cơ sở pháp lý, các nguyên tắc để từ đó tư nhân xác định được quyền và nghĩa vụ.
Chẳng hạn, hợp tác điện ảnh, chúng ta có thành công hợp tác công - tư với phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Đó là cái có thể rút ra kinh nghiệm cho các hợp tác khác trên lĩnh vực điện ảnh. Còn trên lĩnh vực di sản, thời gian qua có nhiều vấn đề lùm xùm liên quan, với nhiều lý do khác nhau: có lỗi chính quyền địa phương, T.Ư… Nhà nước phải thừa nhận lỗi của mình trước khi đổ lỗi cho người dân hay doanh nghiệp hay bất kỳ thành phần ngoài nhà nước nào. Lỗi nhà nước ở đây rất rõ, như việc trong hợp tác không đưa ra được quy định, quy hoạch, những cái mà sau đó có thể phân định được là nếu xảy ra chuyện đó thì ai đúng ai sai, chẳng hạn như thế, nên xây nhà trên Mã Pì Lèng chẳng hạn, xử rất khó. Rõ ràng, họ được sự đồng ý, chấp thuận của tỉnh. Sự đồng ý đó không rõ ràng, minh bạch nên dẫn đến chúng ta gặp nhiều khó khăn trong hợp tác công - tư. Nếu điều này xảy ra, sẽ làm nản lòng những nhà đầu tư muốn hợp tác với nhà nước trong phát triển văn hóa, du lịch
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.