Kiến giải về chiếc mũ và áo được cho là của Nguyễn Tri Phương

19/07/2020 06:09 GMT+7

Gần đây, có thông tin về một số hiện vật được cho là của ông Nguyễn Tri Phương , danh thần triều Nguyễn đã ngã xuống sau một cuộc chiến xâm lăng của người Pháp vào năm 1873. Tôi nhận thấy đây là vấn đề cần thiết phải làm rõ để trả lại những sự thật về người anh hùng đã hy sinh vì nước.

Vừa qua, tôi được ông Nicolas Henni-Trinh Duc ở Pháp gửi cho bức ảnh về chiếc mũ được cho là của Nguyễn Tri Phương. Tiếp đến, ông Nguyễn Hạnh - Phó tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay nhờ tôi xác minh 2 chiếc áo đang trưng bày bên Pháp cũng được cho là của ông Nguyễn Tri Phương, và cho biết có một đơn vị muốn phục chế lại 2 chiếc áo này.

Về chiếc mũ

Kiến giải về chiếc mũ và được cho là của Nguyễn Tri Phương

Mũ Hổ Đầu được cho là của Nguyễn Tri Phương

Ảnh chiếc mũ được đăng trong cuốn Early photography Viet Nam của tác giả Terry Bennett, xuất bản năm 2020. Tựa sách tạm dịch là Nhiếp ảnh Việt Nam thời kỳ đầu, nhưng rất tiếc là không có thông tin gì về chiếc mũ ngoài hàng chú thích dưới ảnh thuộc trang 147 như sau: “Anonymous. Gold and steel helmet possibly belonging to Nguyen Tri Phuong (1806 - 1873), 1880s, albumen print. Authors Collection”, nghĩa là: “Chưa rõ người chụp. Mũ bằng vàng và thép, có khả năng thuộc về Nguyễn Tri Phương (1806 - 1873). Ảnh chụp thập niên 1880, bản in albumen, thuộc bộ sưu tập của tác giả”. Xin nói ngay là ở chú thích này có mấy vấn đề như sau: “Mũ bằng vàng và thép”, theo tôi hiểu vàng ở đây là các trang sức. Còn thép, thì đây là sự nhầm lẫn rất phổ biến của nước ngoài, thực ra mũ được kết bằng chất liệu lông đuôi ngựa có màu đen, đôi khi có những sợi bị đứt nhô đầu ra, do ngắn nên hơi cứng và khi chạm tay vào thấy đau nên tưởng là thép. Tiếp nữa là chú thích sai về năm sinh của ông Nguyễn Tri Phương.

Nhà nghiên cứu, nghệ nhân Vũ Kim Lộc (ảnh) tên thật là Vũ Văn Giót. Ông sinh năm 1957 tại xã Dỵ Chế, H.Tiên Lữ (Hưng Yên), vào lập nghiệp tại TP.HCM từ năm 1976 bằng nghề chế tác kim hoàn. Với sở thích say mê sưu tầm đồ trang sức, ông là một trong những tên tuổi quen thuộc của giới chơi đồ cổ Sài Gòn. Nghệ nhân Vũ Kim Lộc từng cùng các cộng sự phục chế hoàn chỉnh 4 mũ Đại triều và Tế giao của triều Nguyễn, được Hội đồng Khoa học Bộ VH-TT-DL và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nghiệm thu, đưa tên tuổi ông trở thành người có đôi “bàn tay vàng” trong việc phục chế những sưu tập mũ mão của các vương triều xưa. Ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách độc đáo: Nghề kim hoàn của Chămpa, Cổ vật Chămpa, Cổ vật huyền bí... Ngoài thành công trong việc làm hồi sinh các mũ vua triều Nguyễn, ông còn có nhiều công trình lớn: khôi phục mũ phốc vuông Phó Tổng trấn Bắc Thành Lê Văn Phong (em ruột Lê Văn Duyệt), mũ phốc vuông của Thiên vương Thống chế Thoại Ngọc Hầu, mũ Xuân Thu thời chúa Nguyễn... rất giá trị.
Công Sơn
Đây là loại mũ Hổ Đầu của triều Nguyễn, loại được cấp cho Võ quan có phẩm hàm từ Tam phẩm đến trên Nhất phẩm để đội trong lễ Thường triều. Mũ được kết bằng lông đuôi ngựa. Phía trên là 5 cánh bao quanh chỏm mũ, trong đó cánh hình khánh phía trước có trang trí mặt hổ phù rất đẹp và dữ tợn, 4 cánh còn lại không có trang sức. Còn trên chỏm mũ cho thấy trang sức hổ kỳ. Phần vòm mũ có một bác sơn trùm lên, được chạm trổ với kỹ thuật thuộc đỉnh cao của nghề kim hoàn. Điều thú vị là thay vì như bác sơn ở các mũ thể hiện 2 giao long hóa chầu hoa, nhưng ở đây không còn là long hóa nữa mà là nguyên hình giao long với đuôi xoáy tròn, đặc biệt là chầu nhật chứ không còn là hoa. Tiếp đến là trước vòm mũ, đã bị mất một vài trang sức, chỉ còn 2 giao long đối xứng và dây kim nhiễu tuyến. Mũ cũng không còn giá đỡ nên khi đặt xuống chụp ảnh, 2 đầu của 2 dải ở 2 bên bị bẻ ra, như trong ảnh thấy rõ ở phía dưới sau bác sơn và còn cho biết 2 đầu dải có bịt trang sức. Điều đáng chú ý là bên phải sát với bác sơn còn cho thấy đầu trên dải mũ được bắt từ phía trước chỏm mũ, tức là nó nằm ở phía sau đỉnh bác sơn rồi mới kéo vát về phía sau, rất giống với kiểu thức của mũ trên tượng Võ quan ở lăng vua Gia Long và Thiệu Trị.
Về nghệ thuật và niên đại: Ở đây chúng ta không thể so với những mũ trên tượng bởi ở tượng chỉ mang tính ước lệ, mà phải so với mũ thật. Nhưng rất tiếc chỉ có một chiếc mũ Hổ Đầu của Thống chế Thoại Ngọc Hầu (thuộc triều vua Minh Mạng), tiếp đến là so sánh với những mũ trong ảnh chụp các vua có Võ quan theo hộ giá, hoặc ít nhất cũng là bản vẽ như của họa sĩ Tôn Thất Sa (thuộc các thập niên đầu thế kỷ 20), thì mũ này có hình hài mạnh mẽ hơn, kể cả trong tạo hình kim hoàn. Đó là các điểm nhấn nổi bật như 2 cánh cuốn ở hai bên có phía trên được kéo dài rồi vát nhọn giương lên, cùng với cánh hình khánh phía trước có kích thước lớn và mặt hổ phù cũng to và dữ; còn giao long chầu mặt trời ở bác sơn cũng to khỏe hơn, đao mác của mặt trời cũng rất mạnh, tất cả tạo nên điểm khác biệt và uy nghi mạnh mẽ hơn so với các mũ. Tiếp đến, mũ này có 4 cánh trên chỏm mũ (2 cánh hai bên, 2 cánh phía sau) không có trang sức, cho biết chủ nhân có phẩm hàm dưới Chánh Nhất phẩm, tức là từ Tam phẩm đến Tòng Nhất phẩm. Một điểm chú ý nữa là thông tin ở chú thích cho biết ảnh được chụp vào những năm thập niên 1880, tức là mũ có trước thời gian này, và cũng vào thời gian này mũ đã không còn của chủ nhân Võ quan này nữa, mà có lẽ là chiến lợi phẩm của người Pháp. Cuối cùng là kiểu thức của 2 dải mũ được bắt từ phía trước chỏm mũ cho thấy giống với thời vua Gia Long và Thiệu Trị, nhưng điều đáng nói là kiểu thức này từ thời vua Tự Đức về sau không còn nữa. Với các yếu tố nêu trên, tôi cho rằng niên đại của mũ là vào thời vua Thiệu Trị.

Về 2 chiếc áo

Áo Đại triều của quan Văn, hàm Lục phẩm, được cho là của Nguyễn Tri Phương

Ảnh: Q.Trân

Chiếc màu xanh lục có bổ tử thêu hình chim nhạn màu trắng trên nền đỏ, cho thấy rất trùng khớp với quy chế mũ áo của triều Nguyễn, đây là áo Đại triều của Văn quan có phẩm hàm Lục phẩm. Chiếc áo màu cam còn lại là không có trong điển chế và đây là áo của phường chèo hát.

Sự nghiệp của ông Nguyễn Tri Phương và lời kết luận

Sách Đại Nam thực lục và Từ điển nhà Nguyễn cho biết Nguyễn Tri Phương sinh ngày 9.9.1800, xuất thân trong gia đình làm ruộng và thợ mộc, nhờ văn võ toàn tài nên ông giữ rất nhiều chức vụ và thăng tiến đến tột phẩm. Bắt đầu là năm 1823, ông được vua Minh Mạng đề bạt làm Điển bộ, năm sau là Tu soạn, rồi Thừa chỉ, Thị độc, Thị giảng học sĩ, Thị lang. Nổi bật là dưới triều vua Thiệu Trị, ông là quan văn nhưng cũng là quan tướng, được bổ nhiệm làm Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long và Định Tường), năm 1844 Tổng đốc An Hà (An Giang và Hà Tiên), và năm 1845 ông cùng với Doãn Ẩn đánh bại quân Xiêm La, bình định Cao Miên. Tiếp đến triều vua Tự Đức, ông là một trong tứ trụ triều đình, đỉnh cao nhất là ông được vua Tự Đức giao chức chỉ huy quân đội chống lại quân Pháp xâm lược ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861), cuối cùng là Hà Nội (1873), ông bị địch bắt rồi tuyệt thực đến chết.
Như vậy, câu hỏi được đặt ra là mũ áo ở đây có phải của ông Nguyễn Tri Phương? Về chiếc mũ: Tôi cho rằng là không, bởi ông là quan Văn thuộc Văn ban, mũ của ông phải là Phốc Tròn để đội ở lễ Đại Triều và Văn Công để đội ở lễ Thường triều. Về 2 chiếc áo, chiếc màu cam thuộc phường chèo hát là đã rõ, còn chiếc màu xanh lục nếu là của ông thì sẽ được cấp vào thời vua Minh Mạng, cụ thể ở chức vụ Tu soạn của ông năm 1824. Nhưng vấn đề được đặt ra là ông giữ rất nhiều chức vụ và phẩm hàm, không lẽ chỉ có chiếc áo này và lại mang bên mình ròng rã 49 năm để rồi quân Pháp lấy đi khi ông tuyệt thực chết năm 1873. Điều nực cười nữa là lại có thêm chiếc áo của tuồng hát. Vì vậy mà thật khó thuyết phục khi cho rằng đây là áo của ông Nguyễn Tri Phương.
Với tất cả bằng chứng đã được phân tích, tôi hy vọng tổ chức và cá nhân đang sở hữu những mũ áo nêu trên cần phải điều chỉnh lại hồ sơ hiện vật và có lời đính chính, xin lỗi với vong linh của ông Nguyễn Tri Phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.