Kịch học đường và bài học làm người

Thế Sang
Thế Sang
02/02/2021 06:38 GMT+7

Lớp kịch nói của học sinh khối 6, 7 tại Trường quốc tế Nam Mỹ - UTS (TP.HCM) không chỉ là nơi các em làm quen với kịch mà còn là nơi để học làm người.

Môn Drama (kịch nghệ) hiện đang được giảng dạy tại UTS mang tính chất thí điểm. Đứng lớp giảng dạy môn này là cô giáo Võ Thị Cẩm Tiên cùng cố vấn là đạo diễn Việt Linh (trước đó hai người từng đồng chỉ đạo vở kịch chuyển thể Làm bạn với bầu trời công diễn ở Nhà hát TP.HCM vào tối 7.1).
Đạo diễn Việt Linh ban đầu còn khá lo vì đề xuất có thể nói là hơi mạo hiểm của mình: Đưa kịch nói vào học đường. “Bà bầu” Sân khấu Hồng Hạc sau khi khảo sát đã đề nghị nhà trường thêm cái bục sân khấu, cái cây nho nhỏ, bình hoa xinh xinh… trong một phòng học dành riêng cho môn kịch - mà theo bà là để tạo “ranh giới” giữa đời sống và nghệ thuật. Các em học sinh khối 6, 7 khi bước lên “sân khấu” này đều tự kể những câu chuyện của mình, và dĩ nhiên trước đó các em đã được học về các kỹ thuật cơ bản, dễ hiểu nhất về kịch nói. Tự kể, tự buồn, tự khóc… là những gì mà các học sinh thể hiện trước thầy cô khi đi đến chặng cuối cùng của môn học.
Nhờ những tiết học kịch hoàn toàn mới mẻ như thế này mà các học sinh tại Trường UTS đã thay đổi rất nhiều, từ bề ngoài cho đến tâm hồn. Bởi các em không chỉ kể cho bạn nghe chuyện của mình - nội dung đầu tiên của các lớp kịch nói, mà còn lắng nghe câu chuyện do bạn kể. Có em được các bạn trong lớp đặt biệt danh là “bức tường” vì ít chịu tiếp xúc, có em rất hay chỉ trích bạn mình, có em gặp vấn đề về phát âm…, nhưng qua các buổi học, những học sinh này đã vượt qua những trở ngại đó, mạnh dạn kể chuyện rành mạch hơn. Và điều quan trọng hơn cả là các em đã biết thấu hiểu hơn: không chỉ hiểu bản thân mình mà còn hiểu cho người khác. Sau tất cả những câu chuyện được kể, các em đều tự ngẫm cho mình bài học làm người. Đạo diễn Việt Linh xúc động nói vào cuối buổi diễn báo cáo của các học sinh: “Cho cô cảm ơn các con, các con đã vượt qua chính mình. Những bài học của tụi con, dù nhỏ, không chỉ quý giá cho tụi con mà còn cho cả người lớn nữa”.
“Bà bầu” Sân khấu Hồng Hạc cũng hy vọng thời gian tới, bộ môn này sẽ được nhân rộng ra ở các khối lớp lớn hơn. Và việc học kịch sẽ không chỉ dừng ở việc kể câu chuyện, mà có thể đòi hỏi cao hơn với các lớp lớn hơn, chẳng hạn như tập viết kịch bản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.