Kịch bản - 'gót chân Asin' của phim Việt

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
17/03/2020 08:36 GMT+7

Trong lúc các khâu kỹ xảo, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, đạo diễn... đã có bước tiến đáng kể thì kịch bản vẫn là điểm yếu trong quá trình sản xuất phim Việt.

Bộ phim Nắng 3: Lời hứa của cha (đạo diễn Đồng Đăng Giao, chiếu rạp từ ngày 6.3) khiến khán giả phân vân trong đánh giá chất lượng. Kỹ thuật, hình ảnh, diễn xuất, âm nhạc... của phim ở mức khá, câu chuyện mở đầu hấp dẫn, tiết tấu nhanh. Thế nhưng, gần 30 phút cuối cảm xúc của người xem bị trôi tuột bởi phim liên tục có những tình huống khiên cưỡng, thiếu hợp lý. Tất cả chỉ bởi kịch bản lỏng lẻo, các tình huống được xây dựng không thuyết phục, ảnh hưởng đến cả câu chuyện của bộ phim. Chẳng hạn như việc kết quả xét nghiệm ADN của Tùng Sơn (Kiều Minh Tuấn đóng) và bé Hồng Ân (Ngân Chi) bị đánh tráo khá dễ dàng ở bối cảnh bệnh viện cao cấp; rồi khi Tùng Sơn bị đâm trọng thương, anh vẫn lái ô tô chạy một đoạn khá dài trên đường phố, đến bệnh viện trong tình trạng máu bê bết vẫn đơn độc lê bước khá lâu mà không có một bóng người ở bệnh viện giúp đỡ... Bên cạnh đó, tuyến nhân vật của NSND Hồng Vân và La Thành khá thừa thãi trong mạch phim.
Với bộ phim Sắc đẹp dối trá (đạo diễn Kay Nguyễn), ngoài sự góp mặt gây chú ý lần đầu trên màn ảnh rộng của Hoa hậu Chuyển giới Hương Giang, phần còn lại của phim, nhất là về kịch bản, khiến người xem ngao ngán. Chuyện phim xoay quanh Dương (Hương Giang) - chàng diễn viên đóng thế với khao khát được trở thành phụ nữ. Một ngày nọ, nhân vật vô tình chứng kiến một vụ án mạng và bị nhóm giang hồ truy sát. Hết cách, Dương trộm tiền của bạn gái để sang Thái Lan chuyển giới. Khi trở về, vì cha lâm bệnh nặng, cô quyết định tham gia cuộc thi hoa hậu để kiếm tiền trang trải. Phim có phần mở màn hứa hẹn thu hút khi nhân vật chính bị đặt vào một tình huống tréo ngoe, nhưng rồi kịch bản không tiếp tục phát triển theo ý tưởng thú vị đó để trở thành một tác phẩm hấp dẫn mà ôm đồm đủ thứ theo kiểu “muốn sao thì làm vậy” đến mức phi lý, dẫn đến phim không khác gì một nồi lẩu thập cẩm. Những mâu thuẫn tưởng như khó nhằn xảy ra trong phim đều được giải quyết một cách qua loa cho xong.
Kịch bản - 'gót chân Asin' của phim Việt1

Bí mật của gió

Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Các phim khác như Bí mật của gió, Đôi mắt âm dương, Chị chị em em… dù hơn nửa phim đã triển khai ý tưởng kịch bản rất tốt, nhưng đến đoạn gần cuối bắt đầu “bơi” lung tung, làm mất đi những điểm cộng trước đó mà phim đã “gầy dựng” được.

Ở Việt Nam, các biên kịch vẫn chưa được đánh giá đúng tầm quan trọng. Việc tìm kiếm và phát triển tài năng cho các nhà biên kịch là một đòi hỏi cấp thiết cho sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh

Đó là chưa kể đến những bộ phim Việt yếu hẳn về kịch bản: hỗn độn đủ thứ (thể loại, đề tài, nội dung câu chuyện) chẳng ăn nhập gì với nhau, tình tiết nhạt nhẽo, rời rạc, chắp vá..., nhưng không hiểu sao vẫn được bỏ vốn dựng thành phim như các phim chiếu từ đầu năm tới nay: Tiền nhiều để làm gì, Bí mật đảo linh xà, Cuốc xe nửa đêm...

Cần đào tạo biên kịch bài bản và chuyên sâu

Hiện lực lượng nhà biên kịch phim Việt rất yếu và thiếu. Hiếm hoi lắm mới có một vài bộ phim thành công với kịch bản Việt như Em chưa 18, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc... Các nhà sản xuất vẫn đang đau đầu tìm kịch bản hay - khâu quan trọng nhất để “gột” nên một bộ phim hay.
Kịch bản - 'gót chân Asin' của phim Việt2

Chị chị em em

Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Diễn viên - nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cho biết: “Có rất nhiều yếu tố để làm nên một bộ phim hay, nhưng trước hết, chúng ta cần có một kịch bản hay. Tôi sẵn sàng đầu tư cho các kịch bản hay, nhưng thực tế trong hàng trăm kịch bản gửi đến hãng phim của tôi, chúng tôi không thể chọn được kịch bản nào để sản xuất vì quá yếu”. Trương Ngọc Ánh cũng lý giải sự không hấp dẫn của phần nhiều kịch bản phim Việt: biên kịch trẻ thường thiếu vốn sống, thiếu va chạm, lắm khi lười sáng tạo, đôi khi còn sao chép ý tưởng của người khác hoặc phim ngoại; các biên kịch lớn tuổi lại thiếu sức trẻ, không thổi được “hồn” của cuộc sống vào tác phẩm.
Dù kịch bản là yếu tố luôn được các đạo diễn, nhà sản xuất khẳng định là quan trọng hàng đầu, nhưng lỗ hổng này hiện vẫn chưa thể bù lấp bởi chưa có lực lượng biên kịch được đào tạo bài bản, chuyên sâu.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tâm tư: “Ở Việt Nam, các biên kịch vẫn chưa được đánh giá đúng tầm quan trọng. Việc tìm kiếm và phát triển tài năng cho các nhà biên kịch là một đòi hỏi cấp thiết cho sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam. Muốn tạo được kịch bản hay và nguồn kịch bản dồi dào, không có biện pháp nào khác là phải đào tạo từ gốc và bài bản, chuyên sâu hơn về biên kịch, bởi đây là yếu tố sống còn để làm nên một bộ phim hay”.
Theo nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, giới điện ảnh đã và đang tìm giải pháp cho khâu kịch bản. Ngoài cuộc thi Nhà biên kịch tài năng hằng năm của CGV, còn có: Gặp gỡ mùa thu - nơi các biên kịch thuyết trình và tìm nhà sản xuất cho các kịch bản phim; các hoạt động ở Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD); các khóa học ngắn hạn, các chương trình đào tạo biên kịch ở Xinê House (do Phan Gia Nhật Linh “chủ xị”)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.