'Không thể vội xây mới Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch'

02/09/2017 06:59 GMT+7

Khó khăn khi chưa có trụ sở và sân khấu biểu diễn được Ban Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP.HCM bức xúc đặt ra đầu tiên.

Trong buổi khảo sát và làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM với Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP.HCM (HBSO) sáng qua 1.9, khó khăn khi chưa có trụ sở và sân khấu biểu diễn được Ban Giám đốc HBSO bức xúc đặt ra đầu tiên.
Theo NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, nhà hát được thành lập năm 1993, đến năm 1999 thành phố dự kiến xây nhà hát tại số 23 Lê Duẩn nhưng địa điểm này không phù hợp. Năm 2012, địa điểm xây nhà hát chuyển sang công viên 23.9 nhưng rồi cũng không thực hiện được. Và nay địa điểm nhà hát được xác định tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2. Vì không có nhà hát nên việc tập luyện, biểu diễn của các đoàn phải chia nhỏ ra nhiều nơi, rất khó khăn và bị động.
Ghi nhận những thành quả và chia sẻ khó khăn mà HBSO đang đối mặt, nhất là việc không có nhà hát, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho rằng không thể “bê” mô hình nhà hát ở công viên 23.9 sang khu đô thị mới Thủ Thiêm. “Dù sốt ruột nhưng không thể làm vội vã được. Tuy nhiên, cũng không để lãng phí thời gian”, ông Hà nói. Ông đề nghị ban quản lý dự án của Sở VH-TT TP.HCM sớm trình đề án kế hoạch, thời gian cụ thể để tham mưu với UBND TP.HCM: nhiệm vụ quy hoạch, tổ chức thi kiến trúc thiết kế, thời gian khởi công, xây dựng và dự kiến khánh thành.
Trước đó, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, cũng đã có buổi làm việc với Bảo tàng Lịch sử TP.HCM vào 29.8. TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, báo cáo với đoàn về các hoạt động của đơn vị và nhiều nội dung như: cơ sở vật chất xuống cấp và quá cũ, thiếu phòng trưng bày, khu trải nghiệm cho SV-HS, hệ thống kho tàng chưa đạt chuẩn, đồng thời xin chủ trương trong việc tiếp tục triển khai dự án mở rộng bảo tàng lịch sử. Bảo tàng đề xuất Sở VH-TT kiến nghị UBND TP.HCM ban hành văn bản giải quyết những vướng mắc về chỗ đậu xe cho du khách. Bảo tàng cũng đề xuất đối với những hiện vật, sưu tập hiện vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao phải thực hiện theo đúng trình tự hướng dẫn theo quy định hiện hành thì nên cho phép giám đốc bảo tàng (thông qua Hội đồng Khoa học mở rộng) được phép quyết định mua hiện vật theo thẩm quyền và kinh phí được phê duyệt từ đầu năm, góp phần tránh việc “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài.
Trong đợt này, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cũng đã có những buổi khảo sát tại Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật, Nhà hát Phương Nam, Nhà hát Trần Hữu Trang... Đây là cuộc khảo sát phục vụ phiên giải trình của Thường trực HĐND TP.HCM, sẽ diễn ra vào 29.9, về tình hình đầu tư, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa trên địa bàn TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.