Không đủ cứ liệu để khẳng định có 'nhân vật lịch sử' Trần Hoằng Nghị

27/08/2019 08:25 GMT+7

Theo GS Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, không có đủ chứng cứ để khẳng định có nhân vật lịch sử Trần Hoằng Nghị, vấn đề gây tranh luận thời gian qua.

Từ vắn tắt đến gây chia rẽ giới nghiên cứu, dòng họ

Tại cuộc tọa đàm khoa học sáng 26.8 ở Hà Nội do Hội đồng họ Trần VN và các nhà nghiên cứu lịch sử tổ chức với nội dung xuyên suốt là nhân vật lịch sử Trần Hoằng Nghị - cái tên đã gây nhiều tranh luận thời gian qua, có ý kiến cho rằng Trần Hoằng Nghị là bố của Thái sư Trần Thủ Độ, trong khi một số ý kiến phản biện rằng không có chuyện này. Phía "phản đối" còn khẳng định không có Trần Hoằng Nghị trong lịch sử.
Trong các tư liệu còn lại, chỉ có những dòng vắn tắt đề cập về sự nghiệp của Thái sư Trần Thủ Độ. Về xuất thân và thân phụ, thân mẫu của Trần Thủ Độ, các bộ sử xưa không ghi cụ thể nên vẫn còn những “khoảng trống” về nhân vật lịch sử này.
Trong khi ghi chép về Trần Thủ Độ còn khoảng trống, những năm gần đây, đã xuất hiện một “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” tại thôn Phương La, xã Thái Phương, H.Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, liên quan đến việc thờ Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị Đại vương. Đền thờ này cách không xa đền Trần ở xã Tiến Đức (H.Hưng Hà), vốn đã được khẳng định là nơi phát tích nhà Trần. Tại khu di tích ở Tiến Đức, có đền thờ và lăng mộ các vua Trần, các hoàng hậu và các danh nhân triều Trần. Di tích ở Tiến Đức cũng đã được công nhận Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2014.
Thêm vào đó, sách Lịch sử VN phổ thông tập 3 (NXB Chính trị quốc gia), do TS Nguyễn Minh Tường là chủ biên, đã nói nhân vật Trần Hoằng Nghị là cha của Thái sư Trần Thủ Độ. “Thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị”, trích từ sách.
Việc xuất hiện một “nhân vật lịch sử” là Trần Hoằng Nghị, được coi là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ và xuất hiện một “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” đã gây dư luận trái chiều trong giới sử học, các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, và gây chia rẽ trong chính dòng tộc họ Trần. 
Năm 2018, con cháu họ Trần đã có văn bản gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc về việc cố tình bịa đặt và đưa nhân vật Trần Hoằng Nghị vào sách.

Hoàn toàn chưa đủ để đưa ra với giới sử học một nhân vật lịch sử mới là Trần Hoằng Nghị - với ý nghĩa là nhân vật có tham gia vào quá trình lịch sử chứ không phải chỉ là một người có tên có tuổi

GS-TS Vũ Minh Giang

Thận trọng với tư liệu

Chủ trì tọa đàm, GS-TS Vũ Minh Giang nêu nguyên tắc: Trong quá trình nghiên cứu về các nhân vật lịch sử, các tư liệu thành văn (thư tịch cổ, sử sách, văn bia, thần tích, thần sắc, thần phả, câu đối…) là rất quan trọng và cần thiết. Mỗi kết luận lịch sử đều phải được chứng minh bằng những cứ liệu chắc chắn và khoa học. Chính những cứ liệu chắc chắn sẽ giúp đưa ra kết luận một cách trung thực, khách quan, khoa học, không tô hồng hay bóp méo sự thật.
TS Mai Hồng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, giải thích cụm từ “Hoằng Nghị Đại vương” là một mỹ tự được đời sau phong tặng cho một vị thần bảo trợ cho làng. Trong đó, chữ Hoằng nghĩa là to lớn, chữ Nghị mang nghĩa quả quyết, cứng cỏi. Không nên lầm lẫn mỹ tự, danh hiệu với tên riêng, đặc biệt lại “dán” họ Trần cho mỹ tự đó.
Ông Đặng Hùng (ở Thái Bình), người nhiều năm nghiên cứu về triều Trần, nói: “Thực tế, không có nhân vật Trần Hoằng Nghị tồn tại cuối thời Lý, đầu thời Trần và càng không phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ. Trần Hoằng Nghị chỉ do một số nhà nghiên cứu sau này dựng lên từ sự hư cấu Trang Nghị Đại vương - thần Sấm được thờ ở làng Xuân La (Hưng Hà, Thái Bình) và dựa theo tư liệu điền dã, truyền khẩu. Những tư liệu này đều chưa được kiểm chứng từ các nhà khoa học và bằng phương pháp khoa học”.
PGS-TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho rằng: “Từ đường họ Trần ở Phương La, đến thời điểm chúng tôi khảo sát năm 2006, có tư liệu Hán Nôm liên quan đến Trần Hoằng Nghị (3 bài vị). Việc họ Trần ở Phương La thờ cụ Trần Hoằng Nghị và xây nhà thờ tổ họ Trần, đó là quyền riêng của họ, chúng tôi tôn trọng và không bình luận gì. Quan hệ giữa họ Trần ở Phương La với Trần Thủ Độ không tìm thấy bất cứ tư liệu Hán Nôm nào, mặc dù cách làng Phương La không xa đang tồn tại khu lăng mộ và di tích của Thái sư Trần Thủ Độ”.
Ông Đào Văn Hồng, nguyên Trưởng phòng Quản lý di tích Bảo tàng Thái Bình, nói: “Trong tất cả các báo cáo kiểm kê, sổ danh mục đăng ký di tích được kiểm kê bảo vệ được lưu trữ ở Bảo tàng Thái Bình đều không có di tích nào mang tên đền Nhà Ông hoặc đền thờ Trần triều Hoằng Nghị Đại vương hay đền thờ tổ họ Trần VN. Bảo tàng cũng không lưu trữ một tài liệu nào trước 1945 ghi chép về sự tồn tại của nhân vật này”.
Kết luận tọa đàm, GS Vũ Minh Giang cho rằng dựa trên cơ sở quan trọng nhất là tư liệu, hoàn toàn chưa đủ căn cứ khoa học để đưa ra với giới sử học nhân vật lịch sử mới là Trần Hoằng Nghị. “Hoàn toàn chưa đủ để đưa ra với giới sử học một nhân vật lịch sử mới là Trần Hoằng Nghị - với ý nghĩa là nhân vật có tham gia vào quá trình lịch sử chứ không phải chỉ là một người có tên có tuổi. Đặc biệt lại càng không đủ cứ liệu để gắn nhân vật này với một nhân vật lịch sử đã nổi tiếng là Thái sư Trần Thủ Độ - người có công lớn sáng lập triều Trần”, ông Giang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.