Khôi phục lễ tế Âm hồn

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
06/07/2018 13:04 GMT+7

Lễ tế Âm hồn nhân kỷ niệm sự kiện 133 năm ngày thất thủ kinh đô Huế (5.7.1885 - 5.7.2018) lần đầu tiên được phục dựng và tổ chức theo nghi thức triều Nguyễn.

Rạng sáng nay 6.7, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức lễ tế Âm hồn theo nghi thức lễ tế triều Nguyễn, thời Duy Tân. Lễ tế được tổ chức tại Đàn Âm hồn (tọa lạc ở khu đất có địa chỉ số 73 Ông Ích Khiêm, P.Thuận Hòa, TP.Huế) nhân sự kiện 133 năm ngày thất thủ kinh đô Huế.
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, lễ tế Âm hồn lần này được phục dựng theo như nghi thức của triều đình được ghi lại trên châu bản dưới thời vua Duy Tân.
Theo đó, lễ tế được tổ chức vào rạng sáng 23.5 (âm lịch), với đầy đủ các bài vị của Thổ công (thần đất), bài vị của nam phụ lão ấu, binh sĩ… Các lễ vật hiến tế gồm trâu, dê, lợn, cháo hoa, ngô…
Lễ vật trong lễ tế Âm hồn được phục dựng Ảnh: B.N.L
Đàn được xây dựng vào năm 1895 dưới triều vua Thành Thái và hàng năm được triều đình tổ chức quốc lễ, để tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ trận vong trong biến cố thất thủ kinh đô ngày 23.5 năm Ất Dậu (tức ngày 5.7.1885).
Ông Phan Thanh Hải cho biết trước đó, Đàn Âm hồn đã bị hoang phế và bị lấn chiếm. Sau khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, Trung tâm thực hiện xong việc đền bù giải phóng mặt bằng khu vực đàn với kinh phí lên tới 2,7 tỉ đồng. Năm 2013, Đàn Âm hồn được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Từ sau năm 1945, hàng năm nghi lễ tế Âm hồn được Phổ Phước Lợi, một tổ chức tế lễ "phi nhà nước", gồm hơn 100 gia đình thành viên thuộc các phường nội thành và TP.Huế, tổ chức. Đây là lần đầu tiên lễ tế Âm hồn được tổ chức một cách quy mô theo đúng nghi thức của triều Nguyễn được ghi trong châu bản thời Duy Tân (1909).
"Vừa rồi qua khảo sát, chúng tôi đã phát hiện ra nền móng của đàn tế trước đây nằm dưới lòng đất. Chúng tôi sẽ có kế hoạch để tiến hành khai quật nền móng này để trùng tu, tôn tạo lại cảnh quan Đàn Âm hồn", ông Hải nói.
Bên cạnh lễ tại Đàn Âm hồn, người dân các phường nội thành Huế cũng đã lập một số miếu âm hồn để cúng tế vào dịp kỷ niệm ngày thất thủ kinh đô. Cùng với đó tại tư gia, người dân thành phố Huế dịp 23.5 âm lịch, hầu như nhà nào cũng đều tổ chức lễ cúng để tưởng nhớ các anh linh liệt sĩ, chiến sĩ trận vong, nhân dân nạn vong trong biến cố thất thủ kinh đô Huế năm 1885.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.