Khôi phục áo dài nam, xin đừng ‘thử lửa làm đau lòng vàng’

TS. Trần Đoàn Lâm
TS. Trần Đoàn Lâm
12/09/2020 09:30 GMT+7

“Giữa mùa đông, lỗi thức xuân” - câu thơ ca ngợi hoa mai nở ngược không vào mùa xuân của Nguyễn Trãi làm liên tưởng tới hình ảnh nam công chức Sở VH - TT Thừa Thiên - Huế mặc áo dài ngũ thân mới đây.

Vì sao nữ giới mặc áo dài thì được tán dương, còn nam giới thì không? Thực tế cho thấy trong lễ tân ngoại giao, nam giới Việt cũng chưa có lễ phục riêng để mặc, ngoài bộ complet.
Trải qua hàng trăm cuộc chiến chống ngoại xâm rồi những giai đoạn nội chiến, cùng tác động của thiên nhiên lẫn con người, đất nước ta mất đi khá nhiều di sản và truyền thống. Chiếc áo dài nam ngũ thân truyền thống thực sự không may mắn như chiếc áo dài nữ. Do điều kiện khách quan nên nó chỉ được “âm thầm” lưu giữ trong một số cộng đồng nhất định có liên quan tới tôn giáo - tín ngưỡng như thầy pháp, thầy chùa, thầy đồng hay các cụ thủ từ, quan viên “ra việc làng”.

Nam công chức Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế trong trang phục áo dài ngũ thân

ẢNH: V.T.H

Ở phương diện phục dựng trang phục Việt truyền thống, trong đó có chiếc áo dài nam ngũ thân, một số cá nhân, nhóm, tổ chức bắt đầu có nhiều ý tưởng rất thiết thực như câu lạc bộ Đình làng Việt hay Ỷ Vân Hiên, Việt Phục Hội... Trong đó đáng chú ý là nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và ngành văn hóa Huế khi có ý tưởng xây dựng “kinh đô áo dài” ở Huế. Theo tôi, kế hoạch này có ý nghĩa vì Huế là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa, đặc biệt là di sản thời Nguyễn, góp phần trọng yếu làm nên cốt cách văn hóa truyền thống Việt Nam. Chiếc áo dài nam ngũ thân được phục dựng có kiểu dáng lịch lãm như hiện nay cũng phát xuất từ Huế.

Di sản văn hóa của tiền nhân cần khôi phục

Khoảng những năm 1639-1645, khi Jean-Baptiste Tavernier đến Đàng Ngoài (Kẻ Chợ), ông nhận xét trang phục của người Việt trang trọng và đơn giản. “Đó là một cái áo dài đến gót chân, gần giống như áo dài của Nhật Bản; đàn ông và đàn bà ăn mặc giống nhau không phân biệt… Cái áo dài họ mặc được thắt ở khoảng giữa thân mình bằng một cái thắt lưng lụa hay có đeo đồ vàng, bạc đánh rất đẹp” (trích Du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài - Lê Tư Lành dịch). Rõ ràng tác giả nói về loại áo “giao lĩnh” vốn thịnh hành trong dân chúng thời đó.
Trong bối cảnh như vậy thì năm 1744, Võ vương - Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành một sắc lệnh như một “cú huých” có tính chất hành chính để thay đổi tập tục ăn mặc của xứ Đàng Trong và khai sinh ra một loại thường phục “quần chân ống chít”.

Hoạt động thử nghiệm mặc áo dài nam ngũ thân của Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế trở thành một gạch nối giữa truyền thống và hiện đại

ẢNH: V.T.H

Các tài liệu Hán - Nôm cho thấy Chúa dựa theo mẫu trang phục của Bắc quốc nhưng theo kiểu chỉ làm “mô thức” (Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn) hay “tham chước” (Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức), “châm chước” (Đại Nam thực lục – Quốc sử quán triều Nguyễn)… Như vậy Chúa có tham chiếu văn hóa y phục phương Bắc nhưng theo đúng nghĩa của từ đó, không phải là bê nguyên xi. Vì vậy, 28 năm sau thời điểm Chúa ban lệnh, năm 1772, Ạ.L.Taberd đã kịp thu nhận từ “quần chân” và “áo chân” vào từ điển Việt - Latinh của mình. Và sau một số lần cải tiến, dần dần đến thời Nguyễn (thế kỷ 19), xuất hiện chiếc áo dài ngũ thân Huế lịch lãm như ta thấy trong nhiều hình ảnh còn được lưu giữ.
Cũng phải mất hàng trăm năm thì áo dài mới thuộc về văn hóa Việt Nam như một "di sản văn hóa". Theo đúng tinh thần của UNESCO, “di sản” là những gì do một cộng đồng sáng tạo ra, thực hành, trao truyền và tái tạo. Như vậy ở góc độ nào đó, “di sản” và “ truyền thống” trùng khớp nhau và khác nhau ở chỗ: một bên nhấn mạnh đối tượng hay thực thể; một bên ám chỉ phương thức lưu giữ. Với áo dài ngũ thân nam, có ý kiến cho rằng, nó là di sản thời phong kiến và không nên phục hồi lại. Nhưng thực ra, áo dài là một "di sản văn hóa", là thành quả lao động sáng tạo của các nghệ nhân dân gian trải qua bao đời chứ có phải là của riêng vua chúa đâu. Các bậc đế vương, quan lại và dân thường đều sử dụng nó. Thực tế cho thấy, các cộng đồng sẽ biết cách lựa chọn di sản hay truyền thống được trao truyền để tái tạo cho phù hợp với quan niệm thẩm mỹ và điều kiện sống của họ trong hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội cụ thể. Ở góc độ này, chúng ta rất nên sòng phẳng với di sản của quá khứ.

Xin đừng ‘thử lửa làm đau lòng vàng’

Trong ngành di sản có 2 thuật ngữ “bảo tồn “ (bảo vệ nhưng cho di sản “tồn tại”, “sống động”) và “bảo tàng” (bảo vệ kiểu cất giữ, lưu trữ bằng hiện vật hay tư liệu). Có những thứ chỉ nên “bảo tàng” như tục nhuộm răng đen, cạo đầu bôi vôi hay các vật dụng thời phong kiến như gông, cùm, khố, yếm... Chúng chỉ nên được cất giữ, trưng bày cho khách tham quan hoặc phục vụ cho học tập, nghiên cứu, trình hiện hay sân khấu truyền thống vì chúng không có ý nghĩa thực tiễn cho đời sống hằng ngày thời hiện đại. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều thứ cần phải “bảo tồn” và tái tạo để phục vụ người đời nay.
Chúng ta hãy tham khảo cách thức Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc bảo tồn di sản trang phục của họ như sườn xám, kimono, hanbok như thế nào. Họ rất biết cách khai thác di sản truyền thống để làm giàu bản sắc của mình, cũng như để biến chúng thành sức mạnh “mềm” xây dựng tiềm lực kinh tế, văn hóa. Thế thì tại sao chúng ta lại “ngúng nguẩy” với áo dài nam truyền thống, bỏ phí một sức mạnh “mềm”? Nó có triệt tiêu cơ hội tồn tại của các loại trang phục khác hay “cướp” quyền tự do cá nhân, gây phiền hà cho ai đó mặc trang phục hiện đại không? Nó có làm nghèo văn hóa Việt không? Rõ ràng là không, mà ngược lại, nó chỉ đóng góp thêm vào sự đa dạng của văn hóa Việt.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc có lần nhận xét: “Các nước càng giàu có, văn minh thì lại càng trân trọng với di sản”. Tôi nghĩ chúng ta cũng sẽ như vậy. Trong tương lai, khi điều kiện sống thay đổi, con người được giải phóng khỏi nhiều công việc dùng sức mạnh chân tay hơn thì việc thực hành mặc áo dài sẽ không còn phức tạp. Thực hành mặc áo dài là một cách trân quý di sản văn hóa tốt đẹp do tiền nhân để lại, là cách bảo tồn tích cực theo tinh thần của UNESCO, để ghim vào tâm trí người mặc cũng như công chúng ý thức về sự hiện diện của một di sản như vậy. Nó sẽ góp phần khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc và cao hơn là xây dựng sức mạnh “mềm” cho dân tộc ta.
Do vậy, áo dài và thực hành mặc áo dài (trong không gian văn hóa áo dài) rất cần được phục dựng, tái tạo theo hướng thích hợp. Ngay áo dài nam ngũ thân cũng cần được nghiên cứu, cách tân trong phạm vi cho phép để phù hợp với quan niệm thẩm mỹ, thị hiếu và điều kiện sống hiện nay. Nhưng cần lưu tâm tới cân bằng giữa bản sắc và công năng - thẩm mỹ của nó, tránh cách tân thành kiểu áo dài “xa lạ với dân Việt nhưng quen thuộc với người nước khác”, quá ly khai bản sắc Việt (ở đây không có ý nói về các loại áo thời trang có đời sống riêng và sự vận hành riêng, và nên gọi chúng là “áo dài thời trang” để phân biệt với “áo dài truyền thống” được xem như di sản văn hóa - NV)
Hiện tại, việc thực hành mặc áo dài cũng có thể định kỳ và cũng có thể thường xuyên. Ở các cơ quan, đơn vị có đơn vị liên quan tới du lịch, đối ngoại, văn hóa, bảo tàng hay tiếp xúc với di sản văn hóa hoặc khách nước ngoài thì nam giới cũng nên mặc áo dài như nữ giới (trừ trường hợp phải đi ra ngoài nhiều hay lao động chân tay nhiều ). Còn ngoài ra, có thể mặc áo dài theo lịch các dịp lễ tết, chào cờ đầu tháng, đầu tuần; khi tham quan di tích, hay tham dự các sự kiện có tính chất lễ tân lớn hoặc đối ngoại.
Và vì thế, hoạt động thử nghiệm thực hành mặc áo dài nam ngũ thân của Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế hay của một số hội/nhóm/câu lạc bộ khắp đất nước có thể xem như một gạch nối giữa truyền thống và hiện đại của quá trình tái khẳng định bản sắc văn hóa Việt trong dòng chảy toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.