Kho báu trong lăng Thoại Ngọc Hầu: Những đồng tiền phương Tây hơn 200 năm

24/03/2017 06:31 GMT+7

Bên cạnh hai loại tiền kê ngân và dung ngân, một điều thú vị nữa là trong đồ tùy táng của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu Thị Vĩnh Tế còn có cả tiền bạc và vàng của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.

Các đồng bạc Tây Ban Nha giống nhau về hình thức, chỉ khác phần khắc trên mặt đồng tiền. Đó là một mặt tròn dẹp bằng bạc có chữ Latin và các hình chạm trên cả 2 mặt, đường kính từ 3,5 - 3,8 cm, dày 0,1 - 0,2 cm, cân nặng từ 26 - 27 gr. Niên đại ghi trên mặt các đồng tiền này gồm những năm trong thời kỳ trị vì của 4 vị vua Tây Ban Nha là: Ferdinand đệ Lục 1747, 1755, 1757, 1759; Charles đệ Tam 1760, 1761, 1762, 1765, 1767, 1768, 1769, 1770, 1771, 1778; Charles đệ Tứ 1797, 1799; Joseph 1812. Còn lại 2 đồng bị gỉ sét không đọc được năm phát hành.
Đồng bạc có hình Charles đệ Tam 1778 có mặt tiền in hàng chữ Latin chạy vòng ngoài rìa: DEI GRATIA 1778 CAROLUS III. Carolus đọc qua tiếng Pháp là Charles. Phía trong hàng chữ là hình vua Carolus nhìn một bên với cái mũi quằm. Lưng tiền có hàng chữ chạy vòng ngoài rìa: HISPAN.ET.IND.REX.M.8R.F.M. Nghĩa là: vua Tây Ban Nha và Ấn Độ, M có chữ o nhỏ trong góc nhọn tức là Mexico (Mexico lúc đó là thuộc địa của Tây Ban Nha có nhiều mỏ bạc nên tiền thường được đúc ở đây). Bên trong hàng chữ là hình vương miện trên chiếc khiên, hai bên là cột trụ trên nhỏ dưới lớn có dải ruban. Chiếc khiên với 2 vạch dọc ngang chia làm 4 ô đều nhau với hàng trên là 1 tòa thành, 1 con sư tử, hàng dưới là 1 con sư tử và 1 tòa thành xéo nhau.
Mạng ebay giới thiệu 1 đồng tiền tương tự đồng này phát hành vào năm 1788 với giá 495 USD và đã bán. Họ gọi là milled bust or portrait dollar (đô la chân dung có khía răng cưa). Loại tiền này được cho là lưu thông trên toàn thế giới vào thời bấy giờ. Tiền Tây Ban Nha này không nhiều nhưng cũng được phân chia bằng nhau: bà và ông mỗi người sở hữu 10 đồng.
Trong di vật của bà Châu Thị Vĩnh Tế có 2 đồng tiền vàng Bồ Đào Nha. Hai đồng tiền vàng có đường kính mỗi cái 2,9 cm, dày 0,25 cm, bị ten xanh lục bám phía trên. Mặt tiền vòng ngoài rìa có hàng chữ ET.ALG.PRE. GENS 1799 JOANNES.D.PORT, nghĩa là: nữ hoàng Bồ Đào Nha Joannes, đồng bạc. Trong là hình nữ hoàng nhìn nghiêng. Đây là nữ hoàng Mari đệ Nhất của Bồ Đào Nha tại vị vào năm 1777 - 1816. Lưng tiền có hình quốc huy Bồ Đào Nha với vương miện trên khiên tròn, chung quanh là hoa lá dây. Đồng vàng này được phát hành tại Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha vào khoảng thời gian nữ hoàng Mari đệ Nhất tại vị.
Hiện nay chưa biết được tại sao 2 đồng tiền vàng này lại là sở hữu của gia đình Thoại Ngọc Hầu và chỉ có trong di vật của bà, bên phía ông hoàn toàn không có. Có thể là một phái đoàn Bồ Đào Nha nào đó đã ghé thăm gia đình quan Án Thủ và tặng 2 đồng vàng này cho riêng bà vì châu Âu có truyền thống trọng phụ nữ, trong ngoại giao họ thường tặng quà cho các vị phu nhân để lấy lòng người chồng, là người có quyền quyết định một số vấn đề với họ.
Điều kỳ lạ là bộ sưu tập tiền của ông bà Thoại Ngọc Hầu để lại hầu như hoàn toàn trùng lắp với một số phát hiện khảo cổ gần đây tại Nam bộ, điển hình là ở Tiền Giang và Kiên Giang. Nhà sưu tầm Trương Ngọc Tường (Cái Bè - Tiền Giang) có những đồng tiền lấy lên từ lòng sông Tiền, sông Hậu, ngoài kê ngân và dung ngân đã giới thiệu còn có đồng tiền hình tròn dẹp bằng bạc của Tây Ban Nha phát hành năm 1757, tức thời Ferdinand đệ Lục, tương đương với đồng tiền của Thoại Ngọc Hầu.
Nhà sưu tầm Tống Văn Thiên (Kiên Giang) cũng có đồng tiền hình tròn dẹp bằng bạc có chữ Latin và các hình in nổi trên cả 2 mặt của Tây Ban Nha, do vua Philip đệ Ngũ phát hành năm 1738 trong một chiếc ô bằng đồng tìm thấy tại Ba Chúc, H.Tri Tôn, An Giang.
Các đồng tiền này đã hé mở một số điều thú vị về vùng đất Nam bộ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Điều này chứng tỏ có sự giao lưu hoặc buôn bán thương mại giữa cư dân Nam bộ với châu Âu hoặc Công ty Đông Ấn Hà Lan, thông qua các cơ sở ở Ấn Độ với các đội thương thuyền Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha thường xuyên có mặt tại Biển Đông, đến tận các cảng Tây Nam bộ ở An Giang, Kiên Giang để trao đổi hàng hóa và mạnh dạn xin yết kiến Thoại Ngọc Hầu, vị quan lớn nhất miền Tây Nam bộ đương thời.
Như vậy đủ thấy vai trò của quan Án thủ Châu Đốc Thoại Ngọc Hầu khá tích cực và có thể nói vào khoảng thời gian đó, thế lực nhà Nguyễn chưa hoàn toàn nắm chắc kinh tế Tây Nam bộ nên vẫn còn tình trạng dân chúng sử dụng nhiều loại tiền trong thanh toán thương mại.
20 đồng tiền trong di vật Thoại Ngọc Hầu có thể là đồ kỷ niệm tặng biếu của các đội thương thuyền khi họ ghé thăm Châu Đốc và yết kiến quan Bảo hộ. Tuy nhiên sau khi Thoại Ngọc Hầu mất vào năm 1829, không có hoạt động ngoại thương nào được ghi nhận, có lẽ chính sách “bế quan tỏa cảng” của Minh Mạng đã tác động mạnh mẽ, dập tắt đi những mầm chồi mới nở đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.