Kho báu trong lăng Thoại Ngọc Hầu: Chiếc mão trang trí bằng 5 lượng vàng ròng

20/03/2017 06:00 GMT+7

Trong kho báu di vật tùy táng của Thoại Ngọc Hầu có 48 chi tiết trang trí bằng vàng ròng của chiếc mão được tìm thấy, tương đương gần 5 lượng vàng, được chạm trổ tinh xảo.

Phục nguyên mão quý
Để nghiên cứu về hình dáng, kiểu thức của chiếc mão này, các nhà nghiên cứu đã khảo cứu sâu về cuộc đời sự nghiệp của Thoại Ngọc Hầu và xác định chức vụ cao nhất ông được bổ nhiệm là Thống chế, Án thủ Châu Đốc đồn, Bảo hộ Cao Miên (Campuchia), Kiêm quản trấn Hà Tiên, có hàm Chánh nhị phẩm Võ ban. Tuy nhiên, khó khăn là khi phục dựng chiếc mão của Thoại Ngọc Hầu, các nhà nghiên cứu chỉ có trong tay các chi tiết trang trí rời rạc, không còn cốt mũ, vị trí lúc phát hiện cũng đã có nhiều xáo trộn bởi thời gian.
Về mão hổ đầu (đầu hổ) ở VN, sử cũ cho biết sớm nhất được ghi nhận là vào năm 1758, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã sai chế mũ hổ đầu cấp cho các quân, sử liệu không ghi chép gì về quy thức, hình dáng của loại mão này. Sau này, nhà Nguyễn cũng chỉ chép rất sơ sài về các loại mũ khiến chúng ta không thể nào hình dung được. Tuy nhiên, năm 1916, học giả Nguyễn Đôn đã có một công bố quan trọng về phẩm phục quan lại thời Nguyễn kèm theo các bản vẽ của họa sĩ Tôn Thất Sa về các loại mũ của quan lại trong sách Những người bạn yêu Huế xưa, giúp chúng ta nhận diện được các đặc điểm chi tiết trang trí mão của Thoại Ngọc Hầu thuộc loại hình hổ đầu vì có các điểm chung là các loại hình trang trí như: Loại hình bác sơn được đặt ôm trùm lấy vòm mũ và ở trên có một hình khánh, một hình quả nhô cao, phía trước vòm mũ là 2 hình hoa, 2 hình giao long. Phía sau 1 hình hoa, 2 hình giao long và 4 hình trang trí ở 2 giải mũ, ở hai bên là hai hình cuốn về phía sau... Ngoài ra, còn có một số chi tiết mang tính riêng biệt. Tuy nhiên, bản vẽ của họa sĩ Tôn Thất Sa được vẽ vào cuối thời Nguyễn, trong khi chiếc mão của Thoại Ngọc Hầu được làm vào đầu nhà Nguyễn.
Để đảm bảo tính trung thực trong việc phục nguyên, các nhà khoa học đã xác định, so sánh, đối chiếu một nguồn tư liệu quan trọng mang tính gián tiếp đó là các loại hình mũ của hệ thống tượng quan lại chầu ở khu vực lăng mộ Hoàng gia tại Huế, như tại lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Khải Định.
Về cốt mão, căn cứ vào những chiếc mão hiện còn được bảo quản tương đối nguyên vẹn như chiếc mão của Thượng thư Cao Hữu Dực (Huế), mão trong sưu tập của Vương Hồng Sển (Bảo tàng Lịch sử TP.HCM)... cùng với những chiếc mão của vua nhà Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được phục nguyên trong thời gian qua, các nhà nghiên cứu nhận định mão của Thoại Ngọc Hầu với cốt mão được đan bằng lông đuôi ngựa (mã vỹ).
Tất cả những cứ liệu trên đã giúp các nhà khoa học phục nguyên chiếc mão hổ đầu của Thoại Ngọc Hầu.
Một số chi tiết trang sức vàng trên mão của Thoại Ngọc Hầu Ảnh: Vũ Kim Lộ

Vì sao có mão hổ đầu trong khu vực đồ tùy táng ?
Khi đặt vấn đề vì sao trong khu lăng Thoại Ngọc Hầu ở khu vực chôn đồ tùy táng lại phát hiện chiếc mão hổ đầu của ông, bởi theo tư liệu của những phát hiện trước đây, di vật thuộc loại hình phẩm phục bao giờ cũng được mặc trên thân thể người quá cố khi khâm liệm, Phó giáo sư Lê Xuân Diệm và tiến sĩ Phạm Hữu Công cùng đi đến nhận định: có thể đây là chiếc mão hổ đầu chỉ đội trong các lễ thường triều không trang trọng bằng mũ quan võ phốc vuông dùng đội trong các lễ đại triều. Vì thế, có thể khi an táng, Thống chế Thoại Ngọc Hầu được khâm liệm trên mình bộ phẩm phục đại triều hiện vẫn còn nằm trong huyệt mộ chưa khai quật. Và chiếc mũ hổ đầu thường triều này chỉ giữ vai trò là một tài sản quý được đặt vào trong tổng thể kho báu tùy táng của ông về “thế giới bên kia” sử dụng.
Cùng với các loại hình phẩm phục khác, chiếc mão hổ đầu của Thoại Ngọc Hầu là một trong những sản phẩm của triều đình Nguyễn dùng để ban phát cho các bậc quan lại đại thần theo phẩm hàm, chúng là những di sản văn hóa mang nhiều giá trị về lịch sử văn hóa của dân tộc. Ngoài mão Thoại Ngọc Hầu, cho đến nay khảo cổ học đã ghi nhận được 5 chiếc mão vàng của các quan lại đại thần thời Nguyễn: mão của Khâm sai Chưởng cơ Trần Văn Học trong khu mộ nay thuộc Q.Phú Nhuận, TP.HCM, mão của Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong tại vị trí hiện nay nằm trong khu đất của Quân khu 7 (TP.HCM), một chiếc tìm thấy trong khu lăng mộ ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) chưa rõ lai lịch chủ nhân, một chiếc mão “Thiên vương Thống chế” tìm thấy tại Bình Thới (Q.11, TP.HCM) và thông tin hiện biết còn ghi nhận chiếc mão vàng của một vị quan lớn khai quật trên đồi Long Thọ hiện đang lưu giữ tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Thừa Thiên-Huế. Những phát hiện hệ thống các di vật tùy táng trong các lăng mộ triều Nguyễn ở Nam bộ gần đây cho thấy sự đồ sộ về số lượng, đa dạng về loại hình, chất liệu, sự đặc sắc về kỹ thuật - nghệ thuật của các di vật... khác với những nhận xét trước đây của các nhà nghiên cứu rằng di vật tùy táng tìm thấy trong các lăng mộ ở Nam bộ thật nghèo nàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.