Khi thơ văn vào âm nhạc

Nguyên Vân
Nguyên Vân
23/09/2020 06:23 GMT+7

Ngày càng nhiều sản phẩm âm nhạc sử dụng chất liệu từ thơ văn với những câu chuyện, nhân vật như: Tấm - Cám, Chí Phèo - Thị Nở, Xuân tóc đỏ ... và cả “chú bé loắt choắt” đã góp thêm màu sắc thú vị cho đời sống nhạc Việt.

Thơ Tố Hữu, đồng dao Bắc kim thang “kết đôi” với rap

Mới đây trên sân khấu của Rap Việt, Châu Hải Minh (rap name Dế Choắt) đã khiến khán giả lẫn các vị huấn luyện viên không thể ngồi yên trước bản rap Chú bé loắt choắt lấy cảm hứng từ bài thơ Lượm của Tố Hữu cho màn trình diễn trong phần thi chinh phục. “Chất liệu” vốn đã “chất”, phần viết lại lời rap cùng nhịp điệu bản rap dù mới toanh nhưng thực sự cuốn hút người nghe. Vì thế, chẳng cần quá lâu để 4 huấn luyện viên đạp cần chọn Dế Choắt, và sau đó là 2 “nón vàng” (quyền ưu tiên để huấn luyện viên chọn thí sinh về đội mình - NV) được tung lên sân khấu. Bên cạnh những nhận xét khen ngợi về chuyên môn của thể loại rap, giám khảo Rhymastic còn tâm đắc khi thí sinh Dế Choắt kết hợp được cùng việc “chọn nội dung về Chú bé loắt choắt, rất trong sáng, bình dị nhưng hoàn hảo”.
Cũng gây sốt ở sân chơi này là tiết mục đưa bài đồng dao Bắc kim thang vào bản rap của thí sinh Trần Tiến (rap name Ricky Star). Ngay câu rap đầu được vang lên từ chất giọng nội lực và dứt khoát của Ricky Star, các huấn luyện viên lập tức đạp cần lựa chọn và sau đó tiết mục này đã mang về cho Ricky Star đến 4 “nón vàng” từ dàn huấn luyện viên của chương trình. Nếu huấn luyện viên Wowy khen cách chọn chủ đề thông minh của Ricky Star thì huấn luyện viên Suboi bày tỏ mong muốn cùng thí sinh tiềm năng này đưa nhiều câu chuyện như Bắc kim thang đến với bạn bè quốc tế.
Cũng cần nói thêm, sau khi phát trên truyền hình, tiết mục riêng lẻ của Dế Choắt, Ricky Star được đăng trên kênh YouTube của chương trình và đạt số view (lượt xem) “khủng” không thua các sản phẩm của nghệ sĩ tên tuổi khác: Chú bé loắt choắt đạt hơn 4,7 triệu view sau 3 tuần phát, còn Bắc kim thang hơn 5,1 triệu view. Trong hàng ngàn bình luận dưới kênh YouTube của chương trình, có không ít lời khen từ người xem/nghe nước ngoài như: Every thing was great, All the stuff is beautiful... (tạm dịch: Mọi thứ rất tuyệt).
Khi thơ văn vào âm nhạc1

Hình ảnh Chí Phèo - Thị Nở trong MV Hết thương cạn nhớ của Đức Phúc

Ảnh: NSCC

Hẳn có nhiều bạn trẻ muốn tìm đọc lại tác phẩm của Tô Hoài sau khi nghe ‘Để Mị nói cho mà nghe’

Nhạc sĩ Hà Quang Minh

Khơi gợi sự thích thú với văn chương

Không chỉ đến chương trình Rap Việt, văn thơ Việt Nam mới vào âm nhạc mà trước đó, hình thức mượn chất liệu/tứ văn, thơ từ tác phẩm có sẵn đưa vào tác phẩm âm nhạc mới đã được khán giả biết đến. Đó là hình ảnh người lái đò sông Đà (trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Tuân) xuất hiện ở bản rap Trời hôm nay nhiều mây cực của Đen Vâu, là chuyện Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) và nhiều nhân vật khác như Lão Hạc (trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao), chị Dậu (trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố)... được đưa vào MV Để Mị nói cho mà nghe (Hoàng Thùy Linh hát), chuyện Tấm Cám trong nội dung MV Anh ơi ở lại của ChiPu, hình ảnh Chí Phèo - Thị Nở trong MV Hết thương cạn nhớ của Đức Phúc, hình ảnh Mỵ Châu - Trọng Thủy trong MV Mặt trăng của Bùi Lan Hương hay MV Đây là một bài hát vui của Jun Phạm lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng... Rồi khán giả chương trình Sing my song hẳn còn nhớ Juun Đăng Dũng - RTee mang đến ca khúc Vội vàng lấy cảm hứng từ thơ Xuân Diệu, nhạc sĩ Sa Huỳnh mang đến ca khúc Hoạn Thư - tên nhân vật nổi tiếng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du...
Nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận xét: “Việc khai khác chất liệu từ một tác phẩm đã ra đời trước đó vào một tác phẩm mới là một trong những thủ pháp sáng tác đã có từ lâu, ngay cả các nhạc sĩ thiên tài thế giới như Mozart, Beethoven... cũng đã từng khai thác. Song không thể phủ nhận các rapper hiện nay rất tài năng khi vừa thể hiện chất riêng của mình và đem nhiệt huyết ấy truyền cho khán giả”. Ở khía cạnh khác, nhạc sĩ Hà Quang Minh đưa ý kiến: “Tại sao không ít học sinh chán/sợ học văn trên lớp đã bày tỏ sự thích thú với văn chương trong ca nhạc hay parody (phóng tác)?”. Anh cho rằng: “Hẳn có nhiều bạn trẻ muốn tìm đọc lại tác phẩm của Tô Hoài sau khi nghe Để Mị nói cho mà nghe”.
“Ở mỗi thời kỳ chúng ta có một cách tiếp nhận văn học riêng. Như trong giai đoạn hiện tại, việc đưa các tác phẩm văn học kinh điển vào âm nhạc cũng là một hình thức rất tốt để phổ biến lại cho lớp trẻ. Rõ ràng việc này rất hiệu quả và khiến khán giả trẻ dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ hơn nhiều so với những phương pháp học tập truyền thống”, nhà sản xuất Touliver cho biết.
Với nhà sản xuất âm nhạc Touliver - Giám đốc âm nhạc Rap Việt: “Thực tế, những điều quen thuộc luôn khiến chúng ta dễ tiếp nhận hơn. Chính vì vậy khi âm nhạc sử dụng những ý tứ của các tác phẩm văn học hoặc ca dao/tục ngữ sẽ mang được sự chú ý đến người nghe. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nhỏ trong một ca khúc, vì một tác phẩm còn những yếu tố khác như: bố cục bài, giai điệu, màu sắc âm nhạc, hình ảnh thể hiện...”. Touliver cho rằng mọi yếu tố về văn học cần được chọn lọc để phù hợp với từng bài hát nhằm tạo nên hiệu ứng khiến người xem/nghe cảm thấy hợp lý, ấn tượng. Bởi nếu cứ cố ý nhồi nhét chất liệu văn học vào một tiết mục mà bản chất màu sắc, cá tính của thí sinh (hay người hát) không phù hợp thì dễ tạo tác dụng phụ, gây khó chịu cho khán giả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.